Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Bác Hồ về nước hoạt động - Bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941 qua mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, thuộc xã Trường Hà ( Hà Quảng ) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam.
bc3a1c he1bb93 ve1bb81 nc6b0e1bb9bc xuc3a2n tc3a2n te1bbb5
  Hình ảnh ngày 28.1.1941, Người về nước tại cột mốc 108 tại Hà Quảng, Cao Bằng sau 30 năm xa cách
          Sau một thời gian chuẩn bị, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành trung ương Đảng tại Pác Bó từ ngày 10-19/5/1941. Hội nghị đã hoàn chỉnh đường lối chiến lược, sách lược và sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1939 – 1945. Hội nghị đã khẳng định nhiệm vụ chủ yếu và trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc: Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp trâu ngựa, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Do vậy, hội nghị chỉ đạo tiếp tục tạm gác khẩu hiệu: “Đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày”, thay bằng khẩu hiệu “Tịch thu ruộng đất của đế quốc việt gian chia cho dân cày nghèo, chia lại ruộng đất công, giảm tô giảm tức”. Hội nghị quyết định thay tên các đội phản đế thành hội Cứu quốc, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh thay cho Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương và giúp đỡ các nước Lào, Campuchia thành lập mặt trận.
          Hội nghị cũng xác định hình thái của cuộc khởi nghĩa là khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa, chính thức bầu Ban Chấp hành Trung ương mới do đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư, tích cực xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng để chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
          Thực hiện theo chủ trương của hội nghị, đến năm 1942 khắp các châu ở Cao Bằng đều có Hội cứu quốc, Ủy ban Việt Minh lâm thời liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng được thành lập. Ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung, ở Hà Nội, Hải Phòng các hội phản đế chuyển thành hội cứu quốc, đồng thời các hội cứu quốc mới được thành lập. Các đội du kích cũng hoạt động rất mạnh ở Bắc Sơn - Võ Nhai, cơ sở chính trị trong quần chúng tại các tỉnh: Thái Nguyên - Tuyên Quang - Lạng Sơn cũng được ra đời.
          Từ đầu năm 1943, cuộc chiến tranh thế giới lần II chuyển hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Hồng quân Liên Xô chuyển sang phản công quân Đức, sự thất bại của phe phát xít đã rõ ràng. Trước tình hình đó, Đảng ta đã đẩy mạnh hơn nữa công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Từ ngày 25 - 28/2/1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La ( Đông Anh, Phúc Yên). Hội nghị đã vạch ra một kế hoạch cụ thể về công tác chuẩn bị toàn diện cho cuộc khởi nghĩa vũ trang. Ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị cho các cấp “Sửa soạn khởi nghĩa” và Trung ương Đảng kêu gọi nhân dân “sắm vũ khí đuổi thù chung”. Ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Sau khi ra đời, đội đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng). Căn cứ Cao - Bắc - Lạng được củng cố và mở rộng.
          Như vậy, lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước hoạt động trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, chuẩn bị tích cực trước ngày Tổng khởi nghĩa. Cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, đưa nước ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân tự do làm chủ nước nhà, mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của lịch sử dân tộc. Đây chính là công lao lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Tác giả bài viết: ThS. Đặng Thị Dung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây