Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Biến đổi khí hậu và quá trình ứng phó ở Việt Nam

Biến đổi khí hậu là sự thay đổi hệ thống khí hậu của trái đất gồm có bầu khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển bởi nhiều nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo khác nhau. Hiện tượng này gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến nhiều thành phần và khả năng tự phục hồi hoặc sinh sản của nhiều hệ sinh thái trên trái đất.
          Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu với biểu hiện như các cơn bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển về phía Nam và có quỹ đạo phức tạp, khó dự báo. Hạn hán, lũ lụt xảy ra bất thường hơn. Hiện tượng nắng nóng có xu hướng gia tăng cả về cường độ, tần suất và độ dài các đợt. Số ngày rét đậm, rét hại giảm đi nhưng mức độ khắc nghiệt và độ kéo dài các đợt có dấu hiệu gia tăng. Nhìn chung, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng những hiện tượng cực đoan, dẫn đến sự gia tăng các thiên tai, dịch bệnh, tác động xấu đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội và môi trường.
          Các hiện tượng thiên tai xảy ra hầu như quanh năm và trên khắp mọi trong miền cả nước, những xu hướng này được dự báo sẽ tăng cường theo thời gian. Dự kiến đến năm 2050, nhiệt độ trung bình dự kiến ​​tăng thêm 1-2 độ C có thể dẫn đến tỷ lệ hạn hán cao hơn với cường độ lớn hơn và tăng lượng mưa dẫn đến mực nước biển dâng cao 1 mét dọc theo các vùng ven biển. Điều này sẽ có tác động thay đổi cuộc sống trên các vùng đất thấp với gần một nửa khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực và nền kinh tế đất nước.
han 157282790400968231654 crop 15728279092171392602118
Hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam 
          Nguyên nhân của biển đổi khí hậu bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do con người đã sử dụng quá mức các loại than đá, dầu mỏ, khí đốt trong các nhà máy, xí nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông như ô tô, xe máy ra môi trường làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và gây ra biến đổi khí hậu. Các hiện tượng cháy rừng, đốt. phá rừng, ngăn sông làm thủy điện… cũng gây ra sự biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống con người.
          Trong những năm gần đây, ở nước ta các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan đã và đang có những diễn biến hết sức phức tạp và đã có tác động xấu đến đời sống con người. Các hiện tượng nắng nóng, băng giá, mưa bão, lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên, cụ thể tại các tỉnh miền núi phía Bắc mùa đông trời giá rét nhiệt độ 0oC, thiệt hại về cây trồng vật nuôi, mùa hè các cơn mưa lớn xảy ra hiện tượng lũ lụt, sạt lở đất, sạt, lở núi, lũ quét, các tỉnh miền Trung thời tiết bất thường, nắng nóng đất khô hạn, nhưng mưa nhiều lại bị lũ lụt, nhiểu tỉnh Nam Trung Bộ bị thiếu nước gây khó khăn trong sinh hoạt, các tỉnh trong đồng bằng sông Cửu Long, Nam Bộ bị triều cường, nước biển ngập mặn gây khó khăn cho sản xuất sinh hoạt của nhân dân. Các tỉnh thành lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhiệt độ tăng cao, không khí ô nhiễm. Hậu quả của biến đổi để lại thật nặng nề, không chỉ thiệt hại về kinh tế, xã hội mà còn gây thiệt hại về con người.
Miền Trung bị cô lập trong lũ năm 2019
          Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam cũng như công tác phòng, chống các tác động xấu của thiên tai, dịch bệnh. Nước ta đã tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để đánh giá về sự biến đổi khí hậu, và xây dựng các kế hoạch, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, đây được coi là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng thời của tất cả các cấp, các ngành, từ cấp quốc gia đến các thôn bản.
          Nước ta đã tham gia và ký kết các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, cố gắng thực hiện việc cắt giảm khí thải CO­2 bằng cách sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, thay đổi công nghệ mới hiệu suất cao, tăng cường việc hấp thụ CO­2 thông qua việc trồng rừng. 
          Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu. Ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, hầu hết các bộ, ngành và địa phương đều đã có cơ quan, đơn vị chuyên trách về biến đổi khí hậu. Các chủ trương, chính sách về biến đổi khí hậu đã được Chính phủ ban hành đồng bộ, có hệ thống, là định hướng quan trọng cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
          Ngoài quỹ phòng chống biến đổi khí hậu trong nước, Việt Nam đã vận động tài trợ từ nguồn ngoài nước để đầu tư cho các công trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu có tính chất ưu tiên, cấp bách của các địa phương. Bên cạnh những nỗ lực của các nhà khoa học cũng như các cơ quan trong nước, Việt Nam đã có những hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học của nhiều nước như Anh, Na Uy, Đan Mạch, Australia, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong nghiên cứu và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua nhiều dự án quốc tế nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực, tăng cường khả năng chống chịu tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta.
         Đến nay, nước ta đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho rất nhiều dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm các công trình, dự án đầu tư nâng cấp đê biển, đê sông, xây dựng cơ sở hạ tầng chống ngập và xâm nhập mặn. Tuy nhiên, vấn đề này không thể làm nhanh mà cần có thời gian, công sức, trí tuệ, tiền bạc, sự đồng lòng của cả nước và sự giúp đỡ của quốc tế mới có khả năng ngăn ngừa, phòng chống những tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
          Như vậy, việc ứng phó với biến đổi khí hậu và các cam kết quốc tế không chỉ là vấn đề môi trường và khí hậu, mà liên quan đến các vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội và là tương lai bền vững của mỗi quốc gia. Thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu toàn cầu là xu hướng chung của thế giới, Việt Nam và nhiều quốc gia  còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi chúng ta nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm chung trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, để thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của đất nước.

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Mạnh Tưởng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây