Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


C. Mác – Cuộc đời và những cống hiến vĩ đại với nhân loại

Thế kỷ XIX đã sản sinh ra nhiều nhà tư tưởng vĩ đại, những lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Ðứng ở vị trí hàng đầu các vĩ nhân đó chính là C.Mác. Nhân dịp kỷ niệm 201 năm ngày sinh của C.Mác chúng ta hãy nhìn lại những cống hiến vĩ đại của Người với nhân loại .
          C.Mác sinh ngày 5/5/1818, trong một gia đình trung lưu ở thành phố Rhineland, Trier – Đức. Ở tuổi 17, Mác tiếp thu nền giáo dục cổ điển và ông học tập một năm tại khoa luật thuộc Đại học Bonn. Năm 18 tuổi ông và bà Jenny von Westphalen (1814-1881) đính hôn. Thời kỳ này ông chịu ảnh hưởng triết lý của G.W.F Hegel, mà sau đó chi phối phong trào Chủ nghĩa duy tâm Đức.
images376015 d1c
Các. Mác - Nhà tư tưởng vĩ đại (Nguồn Ảnh: Tạp chí triết học)
          Năm 23 tuổi (1841) ông đỗ tiến sĩ triết học, và từ đó ngày càng tỏ rõ là một nhà nghiên cứu khoa học xã hội tài năng. Sau khi hoàn thành luận án tiến sỹ, ông chuyển sang báo chí và bắt đầu cộng tác với tờ Rheinische Zeitung. Ông nhanh chóng trở thành chủ bút, nhưng sau đó bị các nhà chức trách cho đóng cửa tờ báo vào tháng 5/1843 và C.Mác chuyển về lại Paris.
          Khi ở Paris ông đã phát triển hiệp hội lâu dài với F.Ăngghen, và đặt ra những suy luận về chủ nghĩa cộng sản, mà ngày nay được biết đến cái được gọi là Các bản thảo ở Paris. Sau khi bị trục xuất khỏi Pháp, ông chuyển đến Brussels và ghi chép lại những tư tưởng triết học phát triển trong Luận cương về Feuerbach.
          Vào năm 1846, C.Mác đã cùng Ăngghen viết “Hệ tư tưởng Đức”, đây là văn bản đặt nền móng cho “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản’. Quay lại Pháp, ông bắt đầu làm việc cho các tờ rơi về Đấu tranh giai cấp ở Pháp và cũng chính trong thời điểm này, năm 1848, ông cùng Ăngghen đã xuất bản “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”.
          Sau khi chuyển đến London năm 1849, C.Mác đã nỗ lực hoàn thành tác phẩm “Tư bản”, một tác phẩm về kinh tế - chính trị quan trọng của C.Mác được viết bằng tiếng Đức. Cuốn sách là sự phân tích về chủ nghĩa tư bản, về phương thức sản xuất và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Các. Mac và P. Ănhghen (Nguồn ảnh: Tạp chí triết học)
          Trước Chiến tranh thế giới I, các tác phẩm của C.Mác làm nổi lên một số phản hồi tích cực từ bên ngoài Đông Âu. Năm 1920, Tổ chức Frankfurt, một tổ chức của các trí thức đã họp lại nhằm thảo luận và phổ biến chủ nghĩa Mác, sau đó họ được sự tham gia của nhà triết học Mỹ Herbert Marcuse.
          Chủ nghĩa Mác đã trở thành một lực lượng chủ chốt trong giới trí thức Tây Âu và những nước nói tiếng Anh trong những năm 1930, ảnh hưởng trí tuệ của chủ nghĩa Mác đạt đỉnh điểm vào những năm 1970. Trong suốt những năm sau đó cho đến khi qua đời vào năm 1883, C.Mác là một người ủng hộ tích cực của Liên đoàn Cộng sản, mà sau này trở thành Quốc tế Cộng sản.
          Có thể nói, những cống hiến vĩ đại của C.Mác được thể hiện trên nhiều phương diện, ở cả lý luận và thực tiễn. Theo đánh giá của Ph.Ăng-ghen, Mác có ba phát minh vĩ đại đó là: Phát minh về tiến trình lịch sử của nhân loại, kinh tế học với học thuyết giá trị thặng dư và xây dựng học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Nếu như trước đó chưa ai phát hiện ra quy luật vận động khách quan của lịch sử, thì C.Mác đã có phát minh về tiến trình lịch sử nhân loại, được diễn ra theo 5 hình thái kinh tế - xã hội: Cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
          C.Mác đã dùng tư duy biện chứng khách quan, kế thừa những phương pháp luận khoa học, hạt nhân hợp lý của triết học cổ điển trước đây để phân tích, nhìn nhận lịch sử loài người. Chủ nghĩa duy vật biện chứng của C.Mác là một thế giới quan khoa học, cách nhìn nhận đầy đủ, toàn diện nhất, nhằm khắc phục những khiếm khuyết trong các quan niệm trước đó về lịch sử nhân loại.
          Mỗi hình thái kinh tế - xã hội khi phát triển đều có sự kế thừa, bổ sung, hoàn thiện, và gắn liền với quá trình ấy, phải tiến hành một cuộc cách mạng xã hội, để thực hiện cuộc chuyển biến căn bản từ xã hội cũ sang xã hội mới.
          Phát minh thứ hai của C.Mác, đó là từ việc phân tích bản chất kinh tế của chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là bản chất chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và quy luật vận động trong xã hội tư bản,… C.Mác đã phát hiện ra học thuyết về giá trị thặng dư. Sau này, đến thời đại đế quốc, lý thuyết về giá trị thặng dư tiếp tục được phát triển và đến nay, lý thuyết này vẫn còn nguyên giá trị.
          Ngoài hai phát minh vĩ đại trên, Mác còn có đóng góp quan trọng đối với nhân loại đó là ông đã xây dựng nên học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. C.Mác đã chỉ ra, lực lượng xã hội có thể tiêu diệt chế độ tư bản và sáng tạo xã hội mớiđó chính là giai cấp vô sản. C.Mác cho rằng, giai cấp vô sản, phải tự mình vùng lên đánh đổ chế độ tư bản chủ nghĩa. Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, có lý luận tiền phong soi đường, là lực lượng lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm cách mạng để phá bỏ chế độ áp bức, bóc lột cũ, xây dựng chế độ mới - chế độ cộng sản chủ nghĩa.
          Chủ nghĩa Mác với mục tiêu cao nhất là giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng con người, giải phóng nhân loại thoát khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội mới –Xã hội xã hội chủ nghĩa, tiến tới là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Cho đến nay, chưa có học thuyết nào chỉ rõ con đường giải phóng giai cấp, giải phóng con người như chủ nghĩa Mác.
          Bên cạnh đó, C.Mác cũng có những dự báo rất quan trọng về sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ. Khi nghiên cứu chủ nghĩa tư bản, với sự phát triển cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, C.Mác đã dự báo sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong tương lai.
          Với dự báo này, từ cuối thế kỷ 19 đến nay, nhân loại đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp: Cách mạng cơ khí hóa; điện khí hóa; cách mạng máy tính và tự động hóa và hiện nay là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.
          Ngoài ra,trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, C.Mác cũng từng chỉ ra: Với sự phát triển của sản xuất, tìm kiếm thị trường, thì sự phát triển của thị trường sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, từ đó sẽ phá vỡ rào cản biên giới các quốc gia, trở thành thị trường thế giới. Dự báo đó báo hiệu ranh giới giữa các quốc gia, dân tộc sẽ bị phá vỡ khi nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Ngày nay, với xu hướng toàn cầu hóa, sự phát triển thị trường thế giới đã chứng minh những dự báo của C.Mác là hoàn toàn đúng đắn.
          Những năm gần đây, thế giới trải qua nhiều biến động, chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào. Các thế lực thù địch ra sức bôi nhọ, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin. Thế nhưng, chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn thu hút trái tim, khối óc của hàng triệu nhân dân lao động trên toàn thế giới. Đấu tranh chống áp bức, bất công, chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và Chủ nghĩa xã hội, dù đường đi còn lâu dài, có những bước thăng trầm, nhưng lịch sử nhân loại tất yếu sẽ đi tới chủ nghĩa cộng sản, mà người đã chỉ ra từ tháng 2 năm 1848 không ai khác hơn chính là C.Mác, người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Thị Hảo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây