Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vận dụng vào việc giáo dục phương pháp tự học cho sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quá trình vừa học tập vừa hoạt động cách mạng. Học tập để hoạt động cách mạng, đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Quá trình ấy đã tạo nên Hồ Chí Minh, một thầy giáo mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại. Người đã để lại tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời mà chúng ta phải noi theo.
          Tự học là hình thức học tập không thể thiếu được của sinh viên đang học tập tại các trường đại học, trong đó có sinh viên trường Đại học Sao Đỏ. Tổ chức hoạt động tự học một cách, khoa học, có chất lượng hiệu quả là trách nhiệm không chỉ ở người học mà còn liên quan đến chất lượng đào tạo của nhà trường.        
          1. Con đường tự học của chủ tịch Hồ Chí Minh
          Những vấn đề cốt lõi trong tinh thần tự học của Hồ Chí Minh mà mỗi người cần soi chiếu vào để rút ra bài học cho bản thân là:
          Thứ nhất, Hồ Chí Minh xác định mục tiêu của tự học là để làm cách mạng: giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước; học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Từ mục tiêu lớn lao đó, Người đã xác định học là một nhu cầu; học tập và tự học tập là việc phải làm suốt đời: “Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.
          Thứ hai, hành trang khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là chủ nghĩa yêu nước với tài sản duy nhất và quý báu nhất là hai bàn tay, đôi mắt, trái tim và khối óc. Tài sản đó ai cũng có, nó vốn tồn tại như một tài sản vô giá của mỗi con người. Với Bác Hồ thì “thông minh do rèn luyện mà có…”; thái độ học tập của Người là say mê, luôn khiêm tốn, cầu thị, không kiêu ngạo, không dấu dốt. Người cho rằng: “Không ai có thể tự cho mình là đã biết hết rồi” và “Người nào tự cho mình là đã biết đủ rồi, thì người đó là dốt nhất”, “Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”.
           Thứ ba, phương pháp học tập của Hồ Chí Minh là: có động cơ học tập trong sáng (học để làm cách mạng, học để phụng sự Tổ quôc, phục vụ nhân dân); thiết lập được một kế hoạch cụ thể, khoa học và học một cách sáng tạo, không dập khuôn theo người khác; học ở mọi người; học ở mọi nơi (học ở trường, học trong sách vở, học ở dân và học lẫn nhau).
Ha T6 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương tự học tập, nghiên cứu suốt đời
          2. Vận dụng vào việc giáo dục phương pháp tự học cho sinh viên trường Đại học Sao Đỏ
          Hiện nay, phần lớn sinh viên trường Đại học Sao Đỏ đã tự nhận thức rằng: học đại học đòi hỏi quá trình tự học rất lớn, nên nhiều sinh viên đã có ý thức hình thành những phương pháp tự học đúng đắn, tự lập kế hoạch học tập tự giác, chủ động và linh hoạt để tích lũy và nâng cao trình độ tri thức. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì vẫn còn những hạn chế nhất định, nó ảnh hưởng không nhỏ đến việc lĩnh hội và sáng tạo tri thức trong sinh viên. Tình trạng như học chỉ mang tính chất chống đối, học để lấy điểm… vẫn còn tồn tại, cho nên sau khi thi cử xong thì kiến thức đọng lại không nhiều vì cách học ấy khiến cho khả năng khắc sâu ghi nhớ kiến thức rất thấp.
          Vận dụng từ con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc giáo dục phương pháp tự học cho sinh viên trường đại học Sao Đỏ như sau:
          Một là, phải luôn có tư tưởng, tinh thần tự học. Sinh viên cần tự học một cách chủ động, sáng tạo chứ không mang tính đối phó hay chạy theo thành tích.  Sinh viên phải luôn thường trực sự học hỏi, học tập ở mọi nơi mọi lúc, thường xuyên tự đọc, tự tra cứu các tài liệu, sách vở, nguồn thông tin rồi ghi chép, lưu trữ, ghi nhớ, nghiền ngẫm, suy nghĩ…, từ đó biến thành kiến thức cần thiết, có ích cho mình. Tinh thần tự học sẽ giúp mỗi người tự hoàn thiện, không ngừng học hỏi, tiếp thu nhằm nâng cao nhận thức để tích cực thay đổi, bắt kịp với những xu hướng mới của cuộc sống và thế giới xung quanh. Tự học chính là thể hiện vai trò cá nhân của mỗi người. Bác Hồ đã nói “còn sống còn phải học” để tiến bộ, nâng cao hiểu biết nhằm hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ cách mạng đặt ra. “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ.
          Hai là, lập kế hoạch tự học một cách khoa học. Tấm gương tự học của Người không chỉ ở tinh thần, thái độ cầu tiến trong học tập mà còn thể hiện ở tư duy học tập nghiêm túc, có nền tảng, có tính khoa học; có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, có phương thức hành động rõ ràng, có sự kiên trì, bền bỉ, có nỗ lực sáng tạo đổi mới, được nâng tầm thành một triết lý nhân sinh và nghệ thuật rèn luyện.  Từ lý thuyết trong sách vở, bài học, quá trình tự học giúp mỗi cá nhân đi đến nhanh hơn với thực tiễn qua việc luyện tập, thực hành để từ kiến thức chung biến thành kiến thức của bản thân; từ hành vi, thói quen được rèn luyện theo thời gian biến thành kỹ năng, sở trường, ưu thế. Kiến thức là nguồn tài nguyên mở nhưng việc tự khám phá, tiếp thu ra sao là sự lựa chọn của riêng mỗi người.
          Ba là, sinh viên cần có phương pháp, công cụ học tập đúng đắn để hình thành các kỹ năng tự học cần thiết. Hiện nay, hình thức học một thầy giảng và nhiều người nghe trong một lớp học tập trung đã không còn phù hợp, mà kiến thức đang được tiếp thu liên tục thông qua quá trình tự học hỏi, tự tìm tòi, tự tiếp nhận. Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay đã giúp người học có thêm nhiều công cụ học tập như học điện tử, học trên di động, học cộng tác/xã hội… rất nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi và trên nhiều phương tiện, công cụ khác nhau (máy tính, máy tính bảng, điện thoại...).
Sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ nghiên cứu, học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh tại trung tâm thư viện
         Bốn là, ngoài tự học các kiến thức chuyên môn thì cần trang bị vững chắc cho bản thân các kiến thức nền tảng về chính trị, văn hóa, xã hội, các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn... để mang những hiểu biết cá nhân có được nhờ quá trình học tập, tự học vào các hoạt động ích nước lợi nhà và đóng góp cho cộng đồng, đất nước.
          Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời đấu tranh, là sự nghiệp cách mạng, là nỗi khát khao mãnh liệt làm cho nước mạnh, dân giàu. Người là tấm gương mẫu mực về thái độ học tập nghiêm túc, ý thức tự học không ngừng nghỉ, sự cầu tiến trong học hỏi; lấy đó là nguồn gốc, căn bản để nâng cao trình độ bản thân và ảnh hưởng, lan tỏa tới người khác. Con đường tự học và tinh thần học tập của Bác đã và luôn là bài học quý cho mỗi người Việt Nam hiện nay.
          Ngày nay, chúng ta có điều kiện và cơ hội tự học lớn hơn nhiều so với thời đại của Bác, với sự trợ giúp của công nghệ. Giới trẻ đang có điều kiện đầy đủ hơn về vật chất, tinh thần, nếu không nâng cao ý thức học tập, tự học, tự rèn luyện thì không thể tài giỏi và trở thành những người có ích cho cộng đồng, cho đất nước.

Tác giả bài viết: Ths: Nguyễn Thị Hải Hà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây