Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Đường lối đối ngoại của Đảng trong bối cảnh nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0

Nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với tốc độ phát triển nhanh chóng và chứng minh khả năng kỳ diệu của con người trong chinh phục tự nhiên. Cuộc cách mạng này tác động đến hầu hết các quốc gia, dân tộc; ở tất cả các lĩnh vực và mỗi con người trên toàn thế giới một cách trực tiếp, sâu sắc. Sự phát triển của nước ta nói chung và đường lối đối ngoại của Việt Nam nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra đồng thời cả cơ hội lẫn thách thức lớn cho sự hoạch định đường lối đối ngoại của Đảng ta hiện nay.
          Cách mạng công nghiệp 4.0 (gọi tắt là cách mạng 4.0) dựa trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin, kỹ thuật số, internet, sự kết nối toàn cầu ở nhiều tầng bậc, nhiều lĩnh vực trong cùng một lúc. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ ba đã xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia, dân tộc ở mặt tri thức khoa học và lĩnh vực kinh tế. Sản phẩm từ nền sản xuất vật chất trong cuộc cách mạng này đã bao trùm toàn thế giới và mỗi con người đều có thể sử dụng nó từ bất kỳ nơi sản xuất nào một cách dễ dàng. Cách mạng 4.0 chứng minh tri thức khoa học (đặc biệt là tri thức nhân tạo) có sức mạnh mang tính vật chất to lớn cho phép cải tạo thế giới ở trình độ cao, đúng như C. Mác chỉ ra: công cụ nối dài các giác quan con người. Công nghệ sinh học, công nghệ na-nô gắn với nó là sức bền vật liệu ra đời. Tuy nhiên, tác động của cách mạng 4.0 không chỉ tạo ra thách thức, mà còn có cả cơ hội, thời cơ lớn trên các lĩnh vực. Do đó tác động không nhỏ tới đường lối đối ngoại của Đảng trên các lĩnh vực.
          Xu hướng quốc tế hiện nay là “ hội nhập quốc tế”. Với sự tác động của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ 4.0 phát triển chưa từng có, đã kéo theo tất cả các nước tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế và hội nhập quốc tế đã trở thành một tất yếu khách quan buộc tất cả các nước không thể bỏ qua hoặc cưỡng lại, hội nhập để phát triển, muốn phát triển phải hội nhập. Tuy nhiên, quan điểm của Đảng ta trong quá trình hội nhập quốc tế xác định đây là một cuộc chơi với nhiều cơ hội và nhiều thách thức. Hội nhập quốc tế trong một môi trường cạnh tranh quyết liệt về chính trị, kinh tế, sự chi phối của các nước lớn và những diễn biến phức tạp, hết sức khó lường của thế giới, đòi hỏi phải giữ được độc lập, tự chủ, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Do đó, khi hoạch định đường lối Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến việc phân tích bối cảnh quốc tế, bám sát bước đi của nhân loại, tận dụng sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn thách thức, vừa phát triển nhanh, bền vững, vừa bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa. Để làm được điều đó, cần xác định rõ những tác động hai mặt của hội nhập quốc tế và đưa ra những định hướng, chính sách xác đáng.
          Quan điểm của Đảng về hội nhập quốc tế được thể hiện qua các kỳ Đại hội, từ đại hội lần thứ VI đến đại hội lần thứ XII của Đảng. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế; hội nhập là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động đối đầu bất lợi”. Ngoài ra Ban chấp hành trung ương Đảng các khóa cũng ban hành các Nghị quyết về hội nhập quốc tế. Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI xác định: “Hội nhập quốc tế nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo tồn và phát triển bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là: Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững đường lối độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia. Hội nhập quốc tế nhằm thiết thực thực hiện mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh; thúc đẩy mối quan hệ biện chứng giữa việc bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời khi đất nước phát triển nhanh, bền vững, quốc phòng, an ninh được bảo đảm sẽ thúc đẩy hội nhập quốc tế càng thêm sâu, rộng và hiệu quả.
khaimacdaihoi12cuadang giaoducnetvn 5
Đại hội XII của Đảng khai mạc ngày 21 tháng 1 năm 2016 (Nguồn VOV)
          Trong thời gian qua các hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu nhất định, thể hiện ở những điểm sau:
         Thứ nhất, chủ trương phát triển các hoạt động hội nhập quốc tế đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quán triệt từ rất sớm và những quan điểm đó đã được thể hiện xuyên suốt qua nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, qua các nghị quyết, nghị định của Chính phủ cũng như qua công tác điều hành trong thực tế của lãnh đạo các cấp ủy đảng và chính quyền từ Trung ương xuống địa phương.
          Thứ hai, kết quả của quá trình thực hiện chính sách chủ động hội nhập đã giúp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, điều đó thể hiện qua việc Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế tầm khu vực cũng như tầm thế giới như: ASEAN, APEC, ASEM, WTO, v.v…
          Thứ ba, hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam đã phát triển mạnh giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam, mở rộng các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu. Thương mại quốc tế đã đóng góp phần lớn cho tăng trưởng GDP của Việt Nam và góp phần lớn vào tạo việc làm cho lao động.
          Thứ tư, Việt Nam cũng đạt được những thành công nhất định trong thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế, tăng thu nhập cho các tầng lớp dân cư, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và nhìn chung góp phần giúp kinh tế của Việt Nam tăng trưởng trong thời gian qua.
          Tuy đã được những thành tựu kể trên nhưng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định như: Môi trường kinh doanh và đầu tư còn nhiều bất cập, chưa thông thoáng, chưa hấp dẫn các nhà kinh doanh, đầu tư lớn trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn kinh doanh quốc tế; Chủ trương, chính sách hội nhập tuy có nhiều, nhưng chưa phù hợp với các yêu cầu của hội nhập; Hoạt động thương mại quốc tế như xuất nhập khẩu, gia công xuất khẩu của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn thâm hụt cán cân thương mại lớn.
          Ngày nay hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa. Hội nhập quốc tế không những có mối liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng và phát triển kinh tế mà nó còn vừa là kết quả, vừa là yếu tố cực kỳ quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước nâng lên một trình độ mới. Trong xu thế hội nhập, Việt Nam cũng cần tạo thế chủ động, tự tin hội nhập cho tất cả các tầng lớp dân cư và các giới doanh nhân bằng cách tích cực thực hiện các chương trình tuyên truyền hội nhập, tạo sự thích ứng hội nhập của các quan chức chính quyền các cấp, tạo những quy tắc ứng xử phù hợp thông lệ quốc tế trong các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội.

Tác giả bài viết: Ths: Nguyễn Thị Hải Hà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây