Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Kỷ niệm 108 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2019)

Từ đầu thế kỷ XX, dưới ách thống trị của thực dân và phong kiến, chứng kiến nền độc lập của dân tộc bị xâm hại, nhân dân Việt Nam chịu nhiều cực khổ, lầm than, bị chà đạp, áp bức, bị bóc lột tàn bạo, các phong trào của các sĩ phu yêu nước nổ ra nhưng đều thất bại...Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc đã quyết tâm ra đi để tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản. Ngày 5/6/1911 đã trở thành một dấu mốc đặc biệt quan trọng, mở đầu cho quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
          Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam. Sau khi tạm thời dập tắt các phong trào đấu tranh của nhân dân ta, chúng từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế và văn hóa. Với chính sách cai trị của thực dân Pháp, các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc này đều mang thân phận người dân mất nước, và ở những mức độ khác nhau đều bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột. Trước tình hình đó, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng phong kiến và tư sản diễn ra mạnh mẽ. Những phong trào tiêu biểu như: Phong trào Cần Vương (1885-1869), khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913), các phong trào của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh...nhưng cuối cùng các cuộc đấu tranh đều thất bại .
          Bác Hồ, lúc đó là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với tên gọi mới là Văn Ba đã rời Sài Gòn ( nay là thành phố Hồ Chí Minh) trên con tàu buôn của Pháp Amiral Latouche - Tréville ra đi với một hoài bão lớn “xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” và nung nấu một quyết tâm cháy bỏng “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
11 1496627183837
Tàu Latouche – Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (Nguồn: Internet)
          Trong thời gian 10 năm từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã bôn ba khắp các châu lục để tìm hiểu các cuộc cách mạng lớn trên thế giới và khảo sát cuộc sống của nhân dân các dân tộc bị áp bức. Người sang châu Âu, tới các nước Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,  rồi tới các nước châu Phi: Angiêri, Tuynidi, Marốc, Đahômây, Sênêgan và Mỹ cho đến hết năm 1913. Từ năm 1914 đến cuối năm 1917 Nguyễn Tất Thành ở nước Anh, lao động chân tay đốt lò, quét tuyết, phụ bếp, học tiếng Anh, giữ liên lạc với Phan Bội Châu, theo dõi tình hình thế giới, tham gia các sinh hoạt công đoàn, chính trị ở Luân Đôn. Từ năm 1917, Người trở lại nước Pháp làm các nghề phóng ảnh, vẽ lại các họa tiết trên các lọ sứ Tàu, các hoa văn đồ họa trên các hàng mỹ nghệ. Năm 1919, Người vào Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6/1919 thay mặt những người Việt Nam yêu nước gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam (kí tên Nguyễn Ái Quốc) tới Hội nghị hòa bình Vécxây đòi quyền tự do, hòa bình và bình đẳng cho dân tộc Việt Nam. Người dự các buổi diễn thuyết, mít tinh, biểu tình, tham gia các hoạt động trong một số tổ chức xã hội khác của Pháp, tham gia viết sách, giữ liên lạc với đồng bào trong nước, viết các bài báo tố cáo chế độ thực dân đăng trên các tờ: L’Humanite (Nhân Đạo), Journal du Peuple (Tạp chí Nhân Dân), La Vie Ouvrière (Đời sống thợ thuyền), Le Populaire de Paris (Dân chúng Paris)...Tháng 7/1920, Người đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Đây là sự kiện quan trọng làm biến đổi nhận thức, Người đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt nam: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Từ năm 1921 đến năm 1923, Người đã tích cực hoạt động, tham gia Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa, tham dự Đại hội lần thứ I (1921), và lần thứ II (1922) của Đảng Cộng sản Pháp...Người đã tích cực tham gia phong trào cộng sản quốc tế, bổ sung và phát triển lý luận về cách mạng thuộc địa, hoạt động sôi nổi trong Quốc tế Nông dân, học tập tại trường Quốc tế Phương Đông, tham gia Đại hội V Quốc tế Cộng sản...khi ở Liên Xô (1923).
          Rời Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc) tháng 11/1924 đến tháng 2/1930, Người đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6/1925), mở các lớp huấn luyện cán bộ, xuất bản Báo Thanh Niên (1925) và viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”(1925)“Đường cách mệnh(1927). Từ ngày 6/1/1930 đến ngày 7/2/1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản việt Nam. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và hành động của phong trào cách mạng cả nước, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
          Từ năm 1930 đến năm 1941, tuy hoạt động ở nước ngoài nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng trong nước. Ngày 28/1/1941, sau hơn 30 năm tìm đường cứu nước, Bác đã về Tổ quốc ( Pác Bó - Cao Bằng) trực tiếp chỉ đạo con đường cách mạng Việt Nam: thành lập Mặt trận Việt Minh, sáng lập Báo Việt Nam độc lập, tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo thành công cách mạng Tháng Tám - 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa ra đường lối đúng đắn để lãnh đạo dân tộc Việt Nam thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội.
          Đánh giá về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác, Phó Tổng Giám đốc UNESCO ông Han đơ-vi-lơ đã phát biểu nhân Lễ kỷ niệm lần thứ 120 năm Ngày sinh của Người như sau: “Các cuộc hành trình trong cuộc đời đã khiến Bác Hồ trở thành công dân của thế giới, đồng thời là đại sứ của Việt Nam trên khắp toàn cầu”. Thật vậy, cả cuộc đời Bác Hồ kính yêu là một cuộc hành trình không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngày 05/6/1911 đã trở thành một dấu mốc đặc biệt quan trọng không chỉ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, mà còn đối với dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tác giả bài viết: Ths. Đặng Thị Dung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây