Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) nhìn lại tấm gương tự học, tự rèn luyện của Người

Tấm gương tự học và rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng, một người cộng sản vĩ đại nhưng rất gần gũi, đời thường, ai cũng có thể học và làm theo để trở thành một người cách mạng, người công dân tốt hơn trong xã hội. Tinh thần tự học, tự rèn luyện của Người là tấm gương sáng cho mỗi thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
          Ý thức tự học, tự rèn luyện là một phẩm chất rất nổi bật của Bác. Trong lý lịch tự khai ở Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 cũng như tham dự một số Hội nghị và Đại hội của Quốc tế Cộng sản năm 1924, Bác đều ghi phần trình độ học vấn là: Tự học. Năm 1961, tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp ở Việt Nam, Bác kể: “Về văn hóa: Tôi chỉ học hết lớp tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađiô lần đầu tiên…”. Năm 1959, nói chuyện tại Trường Đại học Pastgiagiaran (Inđônêxia), Bác kể: “Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường Đại học. Tôi đi du lịch và làm việc, đó là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội. Nó dạy cho tôi cách yêu, cách ghét, yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ, hòa bình và căm ghét áp bức, ích kỷ…Trường học ấy đã dạy tôi khoa học quân sự, lịch sử và chính trị…”.
          Bác đã học trong thực tế lao động và hoạt động thực tiễn cách mạng. Tinh thần tự học của Người được thể hiện rõ nhất trong những năm tháng bôn ba hải ngoại và đặc biệt trong quá trình học ngoại ngữ của Người. Dù hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất, sự khắc nghiệt của thời tiết, kẻ thù truy đuổi nhưng Người đã tích cực lao động, làm bất cứ việc gì để sống, để đi, quan sát, học tập và tìm tòi chân lý: Làm phụ bếp trên tàu phục vụ 700 đến 800 người ăn, quét tuyết trong mùa đông băng giá ở nước Anh, bán báo, làm thợ ảnh, vẽ đồ cổ ở nước Pháp…Với quyết tâm “nhất định phải học cho kỳ được”, năm 1922 Nguyễn Ái Quốc đã trở thành chủ bút của tờ báo “Người cùng khổ” viết bằng ba thứ tiếng. Năm 1923 Người sang Liên Xô, vừa học vừa làm, với phương tiện duy nhất là cây bút chì và quyển vở, Người đã học mọi lúc, mọi nơi, tranh thủ mọi cơ hội có thể học, do đó khả năng nói tiếng Nga của Người tiến bộ không ngừng, Người bắt đầu đọc sách báo và các tác phẩm của Mác, Lênin bằng tiếng Nga. Khi ở Anh, mặc dù ngày nào Người cũng làm việc từ 8h đến 12 tiếng, nhưng Người luôn học tiếng Anh, nghiên cứu lịch sử Anh. Do đó, tờ báo Phong trào Rơ-nê-đi-pet đã viết: “Trên đường đi tìm hiểu thế giới, ở mỗi nơi tàu dừng lại đối với anh Ba đều là một trường đại học, ở đó anh đã trực tiếp thu lượm được những hiểu biết”. Chính nhờ tinh thần tự học, rèn luyện nên trong bản lý lịch Đại biểu dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7, Người đã ghi: “Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Ngoài ra, Nguyễn Ái Quốc rất thông thạo tiếng Xiêm (Thái Lan), Tây Ban Nha, Ả Rập và nhiều tiếng dân tộc thiểu số.
          Sau này, khi nước nhà độc lập, trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Bác vẫn tự học qua sách báo và trong thực tiễn. Bằng sự miệt mài và tinh thần tự học, tự rèn luyện Bác đã lĩnh hội được hệ thống tri thức đồ sộ, tầm hiểu biết toàn diện và sâu rộng mọi lĩnh vực của đời sống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951)
          Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu cho phương châm sống và học tập không mệt mỏi. Tinh thần, ý chí tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của dân tộc. Tư tưởng, tinh thần tự học của Người mãi mãi tỏa sáng, soi rọi cho mỗi chúng ta phấn đấu, rèn luyện, tự vươn lên trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tác giả bài viết: ThS. Đặng Thị Dung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây