Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong học phần kỹ năng mềm cho sinh viên trường Đại học Sao Đỏ

Theo UNESCO mục đích học tập là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Nếu xem nhận định trên là một định nghĩa và đối chiếu định nghĩa này với nên giáo dục của Việt Nam ngày nay thì mục đích học tập của ta mới chỉ là học để biết, nghĩa là chỉ đạt được một trong bốn mục tiêu của UNESCO. Chính vì vậy khi sinh viên tham gia phỏng vấn tuyển dụng thường chỉ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng bằng cấp, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm làm việc,... Thế nhưng, bạn nên biết rằng năng lực của con người được đánh giá trên cả 3 khía cạnh: Kiến thức, kỹ năng và thái độ. Điều đó khẳng định rằng học không chỉ để biết mà học còn để làm việc, để chung sống và để tự khẳng định mình. Những năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng nhắc nhiều đến cụm từ “kỹ năng”, “kỹ năng mềm” và “kỹ năng cứng”.Vai trò của kỹ năng mềm đối với sinh viên:
          Thứ nhất, kỹ năng mềm tạo cho sinh viên có ý chí và tinh thần lạc quan:Tinh thần lạc quan làm cho sinh viên có thái độ tích cực trong mọi tình huống, đó là điều quan trọng để các em giải quyết tốt vấn đề gặp phải. Để có tinh thần lạc quan, các em sinh viên cần chủ động, có những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong giao tiếp và ứng xử trước người khác. 
          Thứ hai, kỹ năng mềm tạo cho sinh viên có tinh thần đồng đội và hòa đồng với tập thể: Các nhà tuyển dụng rất quan tâm tới những nhân viên thể hiện được khả năng làm việc tốt trong tập thể. Hòa đồng với tập thể không chỉ có nghĩa là có tính cộng tác mà còn thể hiện được khả năng lãnh đạo tốt khi có thời điểm thích hợp. Điều này chỉ có thể hình thành khi các em được luyện tập trong các nhiệm vụ đòi hỏi có sự kết hợp nhiều người.                  
          Thứ ba, kỹ năng mềm giúp cho sinh viên giao tiếp hiệu quả: Trong xã hội, quan hệ giữa con người với con người thông qua nhiều hình thức trong đó có quan hệ giao tiếp. Các kỹ năng giao tiếp ứng xử sẽ giúp cho chúng ta thể hiện đầy đủ nội dung và mục đích giao tiếp của mình với người nghe, từ đó họ dễ tiếp nhận các nội dung một cách thống nhất.
          Thứ tư, kỹ năng mềm giúp cho sinh viên tự tin hơn trước đám đông:Sự tự tin luôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Nó có thể mang lại những thành công cho mỗi chúng ta. Để có được sự tự tin trước những người khác, ngoài chuyên môn vững chắc các em cần có những kỹ năng sống nhất định, khi được trang bị kỹ năng mềm nó sẽ đem lại cho các em những điều cần thiết ấy.
          Thứ năm, Kỹ năng mềm giúp cho sinh viên phát triển tốt khả năng tìm kiếm xin việc: Khi tham gia đàm phán và phỏng vấn xin việc, kỹ năng mềm sẽ được nhà tuyển dụng để tâm vì những ứng viên sẽ không thể hiện được ý tưởng nếu họ không trình bày để thuyết phục nhà tuyển dụng hay người nghe. Đồng thời kỹ năng mềm còn rất hữu ích trong quá trình làm việc sau này.
         Thứ sáu, Kỹ năng mềm giúp sinh viên mài dũa khả năng sáng tạo: Tính sáng tạo và lối suy nghĩ thông minh được đánh giá cao ở bất cứ công việc nào. Thậm chí công việc mang tính kỹ thuật nhất cũng đòi hỏi khả năng suy nghĩ thoát ra khỏi khuôn khổ. Vì vậy, cần đánh giá đúng sức mạnh của việc giải quyết vấn đề theo cách sáng tạo. Kỹ năng mềm sẽ trang bị cho sinh viên phương pháp giải quyết công việc sáng tạo và thông minh nhất có thể.
          Khi đi làm kỹ năng cứng (kiến thức chuyên môn) giúp sinh viên bước chân qua cánh cửa phía trước thì kỹ năng mềm mới là thứ mở rộng ra hầu hết các cánh cứa phía trước đó là: Đạo đức nghề nghiệp, thái độ đối với công việc, kỹ năng giao tiếp, tất cả rất quan trọng để phát triển nghề nghiệp. Có kỹ năng mềm tốt có thể phát triển trở thành nhà lãnh đạo, giải quyết tốt các vấn đề trong công việc.
          Nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm và thấy xu hướng ngày nay nhà tuyển dụng càng coi trọng kỹ năng mềm, vì vậy trường Đại học Sao Đỏ đã xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm từ năm 2012 đưa về các khoa do giảng viên chủ nhiệm lớp dạy, năm 2014 giao nhiệm vụ giảng dạy môn học cho khoa Giáo dục chính trị và Thể chất và môn học này trở thành môn học chính khóa. Sinh viên không hoàn thành môn học này sẽ không được cấp bằng tốt nghiệp khi ra trường. Trong quá trình giảng dạy các giảng viên áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực như phân nhóm, giao nhiệm vụ về nhà, tổ chức hoạt động nhóm, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi sân khấu hóa, tổ chức các trò chơi phù hợp với từng nội dung kỹ năng, thực hành hình thành kỹ năng cho sinh viên ngay trên lớp học. Điều này đã làm chuyển biến lớn về nhận thức cũng như hành động của sinh viên, các em thực sự yêu thích môn học, có ý thức rèn luyện môn học không chỉ trên lớp mà ngay cả ngoài giờ lên lớp, kỹ năng mềm của các em được nâng lên rõ rệt.
          Để môn học Kỹ năng mềm có tính thuyết phục cao chính các thầy cô giảng dạy môn học phải là người có kỹ năng mềm tốt, để sinh viên thấy được ngoài những kiến thức hàn lâm các thầy cô truyền đạt thì bài học gần gũi đầu tiên các em có thể học được ngay đó là các kỹ năng của chính các thầy, cô mình. Không chỉ các giảng viên giảng dạy môn học kỹ năng mềm mà các thầy cô là Giảng viên bộ môn cũng cần làm tốt điều này đặc biệt là các thầy cô là giáo viên chủ nhiệm của lớp vì chính các thấy cô là người tiếp xúc trực tiếp với các em nhiều nhất và xử lý các tình huống, vấn đề trong lớp liên quan trực tiếp đến các em. Những kỹ năng của thầy cô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi, ứng xử của các em như lời thầy Hiệu trưởng đã phát biểu trong ngày lễ khai giảng “Không có một nền giáo dục nào cao hơn trình độ giáo viên của nền giáo dục đó”. Với nhận thức đó, tôi đưa ra một số giải pháp sau:
           Thứ nhất: Trong quá trình giảng dạy Giảng viên nên chia lớp thành các nhóm nhỏ để sinh viên nghiên cứu và thực hành.
          Thứ hai: Giảng viên giảng dạy cần chuyên sâu nghiên cứu về nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp mỗi kỹ năng, để nhóm giảng viên giảng dạy về kỹ năng nào thì phải là những người có kỹ năng đó tốt.
          Thứ ba: Liên tục làm mới và phong phú nội dung các bài giảng, quá trình giảng dạy lấy nhiều ví dụ thực tế liên quan đến ngành học của sinh viên để các em vận dụng. Có thể đặt các tình huống mở hay xây dựng các câu chuyện nhỏ để các em cùng phân tích, thảo luận.
          Thứ tư: Giảng viên lên lớp nên kết hợp giao bài tập vận dụng và bài tập về nhà theo lớp và theo từng nhóm sinh viên cụ thể để mỗi sinh viên đều được thực hành.
          Thứ năm: Kết thúc môn học cho sinh viên viết một bài về bản thân: Sau khi học xong môn học bản thân em đã thay đổi được những gì? Trong thời gian tới em cần làm gì để duy trì rèn luyện các kỹ năng mềm?
          Thứ sáu: Nâng cao nhận thức cho các em ý thức được học kỹ năng nềm là một quá trình học liên tục bởi vì hầu hết cả nhà tuyển dụng và những người giàu kinh nghiệm đều khẳng định: Cách duy nhất để trau dồi kỹ năng mềm là phải luyện tập, học hỏi thường xuyên, tạo cho mình một phản xạ tức thời mỗi khi gặp các tình huống cần thiết
          Trong điều kiện hiện nay với môi trường làm việc ngày càng năng động, nhiều sức ép và tính cạnh tranh thì kỹ năng mềm là một yếu tố không thể thiếu đặc biệt với lực lượng lao động trẻ, vừa tốt nghiệp Đại học. Kỹ năng mềm là chìa khóa dẫn đến sự thành công của con người bên cạnh tầm hiểu biết và chuyên môn, kỹ năng mềm cũng là nhân tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định tuyển dụng của doanh nghiệp. Kỹ năng mềm còn mang đến cho con người cơ hội kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức, giúp con người mở rộng, phát triển mối quan hệ và điều này rất cần thiết cho bất kỳ ai muốn thành đạt trong nghề nghiệp. Đồng thời, kỹ năng mềm còn giúp con người duy trì và phát triển tốt mối quan hệ với cộng sự, với đối tác trong kinh doanh.
 

Tác giả bài viết: Ths.Phạm Thị Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây