Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Một số quan điểm của Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ

Ngay trong thời kỳ tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng đắn vị trí và tầm quan trọng của phụ nữ đối với sự phát triển của xã hội nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng. Không chỉ dừng lại ở đó, là nhà tư tưởng, lý luận cách mạng lớn của dân tộc, Hồ Chí Minh còn thấy rõ tầm quan trọng của sự nghiệp giải phóng phụ nữ, coi đó là thước đo của trình độ văn minh.
          Phải khẳng định, sức sống mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa nhân đạo cao cả, tất cả vì con người, lấy con người làm điểm xuất phát, là mục tiêu của mọi tư tưởng, hành động cách mạng. Tư tưởng này được thể hiện sinh động nhất trong cách nhìn của Người đối với vấn đề phụ nữ. Ngay trong thời kỳ tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng đắn vị trí và tầm quan trọng của phụ nữ đối với sự phát triển của xã hội nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng. Không chỉ dừng lại ở đó, là nhà tư tưởng, lý luận cách mạng lớn của dân tộc, Hồ Chí Minh còn thấy rõ tầm quan trọng của sự nghiệp giải phóng phụ nữ, coi đó là thước đo của trình độ văn minh. Có thể nói, đây chính là lý do quan trọng nhất để tư tưởng Hồ Chí Minh không bị lỗi thời bởi sự vận động nghiệt ngã nhưng rất công bằng của lịch sử. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ được thể hiện ở quan điểm của Người trong một số khía cạnh sau:
          Một là, giải phóng phụ nữ là một bộ phận tất yếu của sự nghiệp giải phóng dân tộc; giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội
          Trong sự phát triển của lịch sử, phụ nữ có vị trí và vai trò rất lớn lao trong mỗi gia đình và ngoài xã hội. Song phụ nữ lại bị đối xử hết sức bất công, thân phận bị rẻ rúng, coi thường và chỉ là vật sở hữu, là nô lệ của đàn ông. Sự bất bình đẳng của phụ nữ xuất hiện sớm nhất trong lịch sử và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là dưới chế độ xã hội có áp bức, bóc lột. Theo đó, lịch sử phát triển của nhân loại cũng chính là lịch sử từng bước giải phóng phụ nữ bằng những quan điểm tiến bộ của các đấng minh quân, các nhà chính trị và tư tưởng.
          Trên cơ sở lý luận, khoa học và bằng thực tiễn hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân. Khi còn ở trong nước cũng như trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã chứng kiến nỗi nhục của người dân vong quốc mà trước hết là phụ nữ. Có lẽ, không ai nhận thức được nỗi khổ của phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng dưới chế độ thuộc địa bằng Hồ Chí Minh. Bằng sự hiểu biết sâu sắc bản chất vô luân của chế độ thực dân, Hồ Chí Minh đã phản ánh thực trạng của chế độ này rất đầy đủ trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925). Trong đó nỗi khổ của phụ nữ bản xứ là một nội dung được Hồ Chí Minh phản ánh sinh động đầy nước mắt: " Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược. Ngoài phố, trong nhà, giữa chợ hay thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan cai trị, sĩ quan cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga" [1, tr. 435]. Thói dâm bạo của bọn thực dân không có giới hạn, thói ăn cướp bóc lột của chúng cũng không kể xiết. Thuế má nặng nề, nhiều phụ nữ khốn khổ, phải mang nặng gông xiềng đi quét đường chỉ vì tội không nộp nổi thuế. Họ và trẻ em còn bị đầu độc bởi thuốc phiện, rượu và chế độ ngu dân. Người khái quát: "Người ta thường nói " chế độ thực dân là ăn cướp". Chúng tôi xin thêm là hiếp dâm và giết người" [1, tr. 436]. Hồ Chí Minh đã thật lòng xót thương các bà mẹ, những người vợ, người chị, người em bị bọn thực dân cướp mất người thân ném vào các cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa bằng những lời lẽ chứa chan chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa quốc tế. Từ đó, Người tìm ra được quy luật tồn tại và diệt vong của chủ nghĩa thực dân. Người kết luận: mọi áp bức nô dịch đối với phụ nữ và trẻ em ở các thuộc địa của chủ nghĩa thực dân không phải chỉ do các quan niệm lỗi thời, lạc hậu, tư tưởng phong kiến, mà chủ yếu là do ách áp bức dân tộc và giai cấp của chủ nghĩa tư bản. Hồ Chí Minh đưa ra một quy luật phổ biến và coi đó là xu thế tất yếu của tiến bộ xã hội và tiến bộ lịch sử: Sự nghiệp giải phóng phụ nữ phải gắn liền và là một bộ phận của sự nghiệp ba giải phóng: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội. Chỉ khi nào quy luật này được thực hiện thì phụ nữ mới có thể tham gia vào lao động, sản xuất xã hội, mới được pháp luật công nhận và bảo vệ, sự bất bình đẳng đối với phụ nữ mới được xóa bỏ tận gốc. Ở Việt Nam cũng vậy, phụ nữ là một bộ phận của dân tộc, nếu dân tộc không được độc lập tự do thì phụ nữ cũng mất hết quyền tự do. Chỉ khi nào dân tộc được giải phóng, phụ nữ mới được giải phóng.
          Hai là, cần đánh giá đúng đắn vị trí, vai trò, khả năng của phụ nữ, đưa phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội bằng hệ thống pháp luật và những chính sách cụ thể.
          Trong lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử dân tộc nói riêng, không ít các nhà hiền triết, các nhà chính trị tiên tiến, những giáo chủ và cả các đấng minh quân đã biểu hiện thái độ tiến bộ nhất định trước nỗi đau và bất hạnh của phụ nữ, nhưng chỉ dừng lại ở sự cảm thông hoặc thuyết giáo an ủi cho số phận của phụ nữ. Do điều kiện lịch sử, họ bất lực trước những yêu cầu mà vấn đề giải phóng phụ nữ đòi hỏi. Vì vậy, người phụ nữ phải cam chịu khổ đau với ảo tưởng, sau này sẽ được trở về ẩn dật dưới bóng từ bi của đức Phật hay núp dưới bàn chân của Chúa. Ở các nước tư bản, giai cấp tư sản luôn tự hào với nền dân chủ "văn minh", "tự do, bình đẳng bác ái", nhưng không một nhà nước tư sản nào, kể cả những nước cộng hòa dân chủ nhất dám tuyên bố xóa bỏ mọi áp bức và bất bình đẳng đối với phụ nữ. Trực trạng đó do chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và áp bức giai cấp quy định.
          Trong nhận thức của Hồ Chí Minh, lịch sử là do nhân dân lao động sáng tạo nên, trong đó phụ nữ là một lực lượng to lớn. Phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Người nói: "Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia… Vậy nên muốn thế giới cách mệnh thành công thì phải vận động đàn bà, con gái công nông các nước" [2, tr. 219]. Với Hồ Chí Minh, lời nói, tư tưởng và hành động luôn luôn thống nhất với nhau. Không chỉ cảm thương với nỗi đau của họ, Hồ Chí Minh đã nhận thức sức mạnh của phụ nữ, vạch ra biện pháp giải phóng phụ nữ và cũng chính Người trực tiếp thực hiện sự nghiệp đó. Người tâm niệm: Thực hiện giải phóng phụ nữ phải gắn với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước và giải phóng phụ nữ là sự nghiệp của chính bản thân phụ nữ. Ngoài hai biện pháp nêu trên, Hồ Chí Minh khẳng định: để thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng phụ nữ, cần phải có sự tham gia của toàn xã hội. Toàn xã hội phải hợp sức lại tiêu diệt tận gốc những tư tưởng cổ hủ, gia trưởng trong người đàn ông, tiêu diệt tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu trong đầu mọi tầng lớp, giai cấp xã hội cả nam và nữ, nó trở thành một vấn đề tâm lý có tính chất toàn xã hội. Chính vì vậy chỉ khi nào kết hợp được sự đồng lòng quyết tâm của các chủ thể trên mới xóa bỏ được các hủ tục mà lịch sử để lại.
          Cụ thể ở Việt Nam, để phát huy vai trò của những người phụ nữ Việt Nam, trong các thời kỳ cách mạng, Người luôn kêu gọi và có biện pháp tổ chức để phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội bằng hệ thống pháp luật và những chính sách cụ thể. Vì vậy, họ cũng có những đóng góp không nhỏ, họ là những Bà Trưng, Bà Triệu ở thời đại Hồ Chí Minh, đã làm sáng lên lẽ sống của các thế hệ phụ nữ Việt Nam và góp phần to lớn viết tiếp bản anh hùng ca bách chiến bách thắng của dân tộc. Đất nước được độc lập, thân phận của phụ nữ đã thay đổi. Họ càng có điều kiện tham gia việc xã hội. Góp phần vào củng cố cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, 48% phụ nữ trong tổng số cử tri đã đi bầu cử Quốc hội ngày 6-1-1946. Điều đặc biệt là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, 10 đại biểu phụ nữ đã trúng cử vào Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Dưới chế độ mới, những người phụ nữ luôn luôn vươn tới sự tiến bộ về mọi mặt để cống hiến nhiều hơn cho xã hội và giành được quyền bình đẳng với nam giới. Phụ nữ tăng gia sản xuất, thực hiện tiết kiệm, học tập, sáng tác, tham gia quản lý sản xuất, có nhiều sáng kiến trong lao động và nghiên cứu khoa học.  Họ có mặt trên khắp các mặt trận, các ngành, các cấp và bất cứ ở lĩnh vực nào, phụ nữ cũng có những thành tích không kém nam giới. Điều đó khẳng định vai trò và khả năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đồng thời cũng chứng tỏ chỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, vai trò và khả năng của phụ nữ mới được phát huy đầy đủ; phụ nữ mới có điều kiện để cống hiến cho xã hội. Mỗi bước đổi thay của đất nước, mỗi bước tiến bộ của xã hội, mỗi bước cải thiện của đời sống hàng ngày, đều có sự đóng góp tích cực của phụ nữ.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hết sức đề cao vai trò người phụ nữ ở hậu phương- một nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Phụ nữ ở hậu phương phải chịu bao gian nan vất vả, vừa phải tăng gia sản xuất để đảm bảo cuộc sống và cung cấp cho tiền tuyến, vừa phải đảm đang công việc gia đình cho chồng, con đi đánh giặc, vừa phải nuôi dạy con cái, đủ khả năng tiếp bước con đường cách mạng của cha anh. Chị em phải chịu đựng thiếu thốn, mất mát về tình cảm vợ - chồng, mẹ - con, anh -em. Biết bao bà mẹ, người vợ đã hiến dâng cho Tổ quốc những người thân yêu nhất của mình và âm thầm chịu đựng thiệt thòi do hoàn cảnh éo le của thời chiến cũng như hậu chiến. Quý trọng, khâm phục, biết ơn những bà mẹ, người vợ Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc, mỗi chiến công của quân dân trên cả 2 miền đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của họ. Họ xứng đáng là anh hùng của những anh hùng đất Việt. Chính vì vậy, Người không chỉ nhắc nhở cả xã hội phải biết ơn các bà mẹ ở hai miền Nam – Bắc, đã sinh ra và nuôi dưỡng những người con ưu tú của dân tộc, mà nhân danh Chủ tịch nước, Người đã nói những lời tri ân họ bằng tình cảm chân thành: " Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc…Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, các bà mẹ cùng vợ của các liệt sĩ" [3, tr. 195].
          Giải phóng phụ nữ là điểm nhấn trong tư tưởng nhân văn ngời sáng và cũng là một cống hiến của Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. Tư tưởng đó bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, đáp lại nguyện vọng tha thiết của phụ nữ và yêu cầu khách quan của vấn đề giải phóng phụ nữ Việt Nam trong những năm nửa đầu thế kỷ XX. Vì vậy, tư tưởng đó đã được đón nhận, phụ nữ Việt Nam đã có quyền bình đẳng một cách căn bản, nguyện vọng của chị em đã được thỏa mãn một phần đáng kể. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, phụ nữ Việt Nam đã phát huy vai trò khả năng của mình chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc nhằm trước hết giải phóng dân tộc, tiếp tục giải phóng giai cấp và xã hội. Những thành tích mà phụ nữ Việt Nam đạt được, những đóng góp to lớn của họ trong chiến đấu và lao động; trong xây dựng gia đình và xây dựng xã hội đã đền đáp phần nào sự quan tâm của Hồ Chí Minh đối với phụ nữ; đáp lại niềm tin yêu và kỳ vọng của Người vào phụ nữ Việt Nam, mong muốn họ có một địa vị xứng đáng ở trong nước và trên thế giới. Ngày nay, công cuộc đổi mới đang phát triển mạnh mẽ, sự hội nhập đang diễn ra trên toàn cầu. Để mọi người trong đó có phụ nữ có quyền tham gia lựa chọn cơ hội, định hướng tương lai phát triển tài năng trí tuệ của mình, cần phải vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ hơn lúc nào hết.
Tài liệu tham khảo:
  1. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 
  3. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Tác giả bài viết: TS. Phùng Thị Lý

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây