Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Một số yêu cầu giảng dạy các học phần lý luận chính trị ở Trường Đại học Sao Đỏ trong điều kiện tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục đại học. Bên cạnh những yếu tố tích cực do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, thì các thế lực thù địch lại đang lợi dụng những thành tựu tiên tiến của cách mạng khoa học công nghệ để tăng cường các hoạt động chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, việc nghiên cứu, giảng dạy các học phần lý luận chính trị ở Việt Nam, trong đó có trường Đại học Sao Đỏ giúp chúng ta sẽ tận dụng tốt thời cơ để đột phá, phát huy vai trò của các môn lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay, góp phần tạo ra thế hệ trí thức đủ tâm, đủ tầm, đủ bản lĩnh chính trị để xây dựng, phát triển đất nước, và nhận diện, ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu của các thế lực thù địch.
         Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ ảo, kỷ nguyên số và sự phát triển như vũ bão của công nghệ mới, đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục đại học. Bên cạnh những yếu tố tích cực do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, thì các thế lực thù địch lại đang lợi dụng những thành tựu tiên tiến của cách mạng khoa học công nghệ để tăng cường các hoạt động chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ việc phân tích những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với việc nghiên cứu, giảng dạy các học phần lý luận chính trị ở Việt Nam, trong đó có trường Đại học Sao Đỏ giúp chúng ta sẽ tận dụng tốt thời cơ để đột phá, phát huy vai trò của các môn lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay, góp phần tạo ra thế hệ trí thức đủ tâm, đủ tầm, đủ bản lĩnh chính trị để xây dựng, phát triển đất nước, sớm bắt kịp sự phát triển của kỷ nguyên 4.0.
          Hiện nay, đội ngũ giảng viên giảng dạy các học phần lý luận chính trị ở Trường Đại học Sao Đỏ có 15 giảng viên (có 03 giảng viên kiêm nhiệm). Trong quá trình giảng dạy các học phần này, giảng viên là chủ thể của hoạt động dạy, giữ vai trò chủ đạo với chức năng tổ chức, điều khiển, hướng dẫn hoạt động học cho sinh viên nhằm đảm bảo cho sinh viên thực hiện đầy đủ và có chất lượng cao những yêu cầu được quy định phù hợp với mục tiêu môn học. Với sứ mạng trang bị cho người học thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, xây dựng ý thức công dân, năng lực làm chủ trong các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, các môn lý luận chính trị có vị trí quan trọng trong chương trình đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, việc thực hiện sứ mạng đó đang gặp không ít khó khăn, thách thức đối với việc giảng dạy các môn lý luận chính trị ở trường Đại học Sao Đỏ. Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động giáo dục lý luận chính trị trong các trường Đại học hiện nay nói chung, Đại học Sao Đỏ nói riêng ở nước ta đang đặt ra những yêu cầu bức thiết cần phải giải quyết, đó là:
          Thứ nhất, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị phải luôn nêu cao tính Đảng và tư duy lý luận:
          Có thể nói, điều kiện tiên quyết đối với một người giảng viên lý luận chính trị phải có tính Đảng cao. Nhiệm vụ của người giảng viên lý luận chính trị là truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng; củng cố niềm tin trong sinh viên về tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta. Trong quá trình giảng dạy, người giảng viên lý luận chính trị đã trở thành một chiến sĩ tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa. Chỉ có kiên trì tính Đảng cao, người giảng viên lý luận chính trị mới trở thành “người truyền lửa” cho sinh viên, giúp sinh viên có niềm tin vào những giá trị tốt đẹp. Hơn nữa, với tính Đảng cao, người giảng viên lý luận chính trị luôn biết đấu tranh bảo vệ lẽ phải, đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng sai lầm, lệch lạc. Tính Đảng cao giúp giảng viên lý luận chính trị trung thực với những nội dung mà mình giảng dạy, không tô hồng cũng như không vì một lý do nào đó mà bôi đen, xuyên tạc.
          Thứ hai, người giảng viên lý luận chính trị phải không ngừng trau dồi kiến thức sâu rộng:
          Xây dựng, bồi dưỡng cho sinh viên thế giới quan, phương pháp luận khoa học, niềm tin cộng sản, lý tưởng, đạo đức cách mạng. Đây là cơ sở khoa học giúp cho sinh viên có năng lực giải quyết những vấn đề chính trị thực tiễn đúng quy luật, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong quá trình học tập. Vì vậy, việc làm chủ kiến thức, tinh thông các môn lý luận chính trị trước hết là phải hiểu đúng, hiểu sâu sắc bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phải hiểu sâu sắc bản chất cách mạng, khoa học, lập trường, tính cách mạng và khoa học của từng nguyên lý, quy luật, khái niệm, phạm trù và toàn bộ học thuyết, tư tưởng trong sự vận động, phát triển, chuyển hóa lẫn nhau, gắn với thực tiễn cách mạng; hiểu giá trị trường tồn của học thuyết trong tính chỉnh thể của nó, đồng thời hiểu một số những quan niệm đã bị lịch sử vượt qua, những quan niệm cần bổ sung, phát triển; hiểu biết thấu đáo về lý luận và thực tiễn trong nước và thế giới để phân tích, chứng minh và có quan điểm chính kiến rõ  ràng. Để làm được điều đó thì bản thân mỗi giảng viên lý luận chính trị phải thường xuyên tự bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức cần thiết cho mình, tích cực trong nghiên cứu khoa học. Thế giới thay đổi từng ngày, mỗi sự kiện, hiện tượng trong thế giới ngày nay cũng luôn thay đổi. Người giảng viên lý luận chính trị không thể nằm ngoài những sự kiện chính trị sôi động đó nên bản thân họ phải thường xuyên cập nhật những tri thức, thông tin mới là điều hết sức cần thiết.
          Thứ ba, người giảng viên lý luận chính trị phải luôn đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực theo hướng tiếp cận năng lực khoa học và phẩm chất nghề nghiệp tương lai của sinh viên:
          Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người giảng viên cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp để nhằm góp phần tạo ra những “sản phẩm” chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Trong đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực theo hướng tiếp cận năng lực khoa học và phẩm chất nghề nghiệp tương lai của sinh viên yêu cầu mỗi giảng viên phải gắn nội dung lý luận với kiến thức về công nghệ mới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay của từng ngành, từng lĩnh vực để đưa vào bài giảng, từ đó, có thể đưa ra các ví dụ thiết thực phù hợp với chuyên ngành của sinh viên, kích thích sự tư duy, nghiên cứu, tìm hiểu của sinh viên về bài học. Đồng thời, người giảng viên lý luận chính trị cần phải phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo của sinh viên trong quá trình lĩnh hội tri thức. Điều đó có thể thực hiện được thông qua việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực như phương pháp nêu vấn đề, vấn đáp, đàm thoại, thảo luận nhóm, trực quan và sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn các phương pháp với nhau tùy điều kiện cụ thể. Giảng viên cần có phương pháp xây dựng các tình huống đòi hỏi sự tìm tòi, đào sâu suy nghĩ, phát triển và mở rộng kiến thức của sinh viên. Ngoài ra, giảng viên cần phải kết hợp sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại trong quá trình giảng dạy. Để phương tiện dạy học phát huy hiệu quả, giảng viên cần có sự đầu tư ứng dụng các phần mềm tin học như tạo ra các mô hình, sơ đồ hóa kiến thức, sưu tầm phim, các hình ảnh liên quan đến nội dung bài học,… làm cho giờ dạy trở nên sinh động hơn.
IMG 2410
Khoa GDCT&TC, Trường Đại học Sao Đỏ tổ chức hội thảo đổi mới phương pháp theo hình thức học tập Ngoại khóa cho sinh viên học tập các học phần lý luận chính trị
         Thứ tư, người giảng viên lý luận chính trị phải luôn đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá một cách hiệu quả theo hướng đánh giá năng lực tư duy của sinh viên:
          Một là, việc đánh giá kết quả học tập cần phải được tiến hành một cách thường xuyên trong suốt quá trình học tập, bao gồm điểm kiểm tra thường xuyên, điểm thảo luận, điểm chuyên cần,… Để thực hiện tốt điều này, giảng viên cần chuẩn bị hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, trả lời ngắn, các chủ đề bài tập nhóm,… để có thể chủ động kiểm tra, đánh giá kết quả một cách thường xuyên.
          Hai là, không chỉ đánh giá về kiến thức mà còn đánh giá về năng lực tự học, khả năng tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Trong quá trình lên lớp, giảng viên không chỉ thuần túy trao đổi với sinh viên những kiến thức trong giáo trình mà ở mỗi chương, mỗi nội dung bài học, giảng viên nên có những câu hỏi gợi mở, liên hệ với thực tiễn, đưa ra những bài tập tình huống nhằm giúp sinh viên làm quen với việc phân tích và giải quyết vấn đề, vận dụng thực tiễn, v.v.
          Ba là, cần đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá nhằm đảm bảo tính hiệu quả, hiện thực: Việc kiểm tra, đánh giá có thể được tiến hành bằng nhiều hình thức khác nhau cho những đối tượng sinh viên khác nhau. Chẳng hạn, trong quá trình kiểm tra thường xuyên, giảng viên có thể thường kiểm tra bằng nhiều hình thức khác nhau: trắc nghiệm, trả lời ngắn, tự luận, vấn đáp, báo cáo nhóm,… thậm chí trong các bài báo cáo nhóm, giảng viên cho sinh viên chất vấn trực tiếp để được tính điểm tích lũy. Đối với đề thi kết thúc học phần, việc chọn đề đóng hay mở cũng vậy, phải tùy vào từng đối tượng sinh viên cụ thể chứ không nên cứng nhắc một hình thức thi đối với mọi đối tượng sinh viên.
          Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến môi trường giáo dục của đại học, nó đặt ra những yêu cầu mới cho giáo dục lý luận chính trị trong các trường đại học nói chung, trường Đại học Sao Đỏ nói riêng.Trước những thời cơ và thách thức đó, giảng viên lý luận chính trị trường Đại học Sao Đỏ cần rèn luyện bản lĩnh, luôn luôn sáng tạo và không ngừng đổi mới để đem lại hiệu quả dạy học tốt nhất. Ngoài việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, các giảng viên lý luận chính trị trường Đại học Sao Đỏ cần phải chú trọng bồi dưỡng năng lực sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu giáo dục – đào tạo trong điều kiện kết nối toàn cầu để có thể tiếp cận những tri thức khoa học do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Hiền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây