Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên hướng đến ngày Môi trường thế giới 5/6

Ngày nay, những dấu hiệu suy thoái môi trường đã ngày một rõ ràng hơn, những tác động của nó ngày càng lớn hơn, những dịch bệnh do môi trường ô nhiễm đem lại ngày càng rõ ràng và con người ngày càng phải bỏ ra chi phí lớn hơn để khắc phục nạn ô nhiễm môi trường này và con người đã bắt đầu ý thức được về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống.
          Trong cuộc họp của Hội nghị Liên Hợp quốc về Con người & Môi trường tổ chức tại thủ đô Stockholm - Thụy Điển, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc cũng đã được thành lập vào ngày 5/6/1972. Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã quyết định chọn Ngày Môi trường Thế giới 5/6 từ năm 1972 và giao cho Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) có trụ sở tại Nairobi, Kenya, tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Mục đích của Ngày Môi trường Thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường. Mỗi năm, Liên Hợp Quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Bắt đầu từ năm 1987, để khuyến khích tinh thần và trách nhiệm bảo vệ môi trường, Liên Hợp quốc đã phát động thêm lễ trao giải thưởng Global 500 cho những người có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường.
[05 06 2018 08 56 34]logo chung the gioi (1)
 Logo chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2018 (Ảnh: Bộ TN&MT)
          Chủ đề ngày môi trường thế giới năm nay là: “Chống lại ô nhiễm chất thải nhựa – Nếu bạn không tái sử dụng thì hãy từ chối sử dụng” là lời kêu gọi cùng nhau hành động để chống lại một trong những thách thức lớn về môi trường. Lễ kỷ niệm ngày môi trường thế giới 2018 sẽ được tổ chức vào ngày 5/6, tại Ấn Độ nhằm kêu gọi mọi người cân nhắc cách thay đổi cuộc sống hàng ngày như thế nào để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường tự nhiên, động vật hoang dã và sức khỏe của chúng ta.
          Từ năm 1982, Việt Nam cũng đã hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới trong phạm vi cả nước. Lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới năm nay sẽ được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn. Ngày Môi trường Thế giới “chính là sự kiện của người dân” với các hoạt động đa dạng, phong phú như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp, các buổi hoà nhạc xanh, các cuộc thi tại trường học, trồng cây, chiến dịch tái chế chất thải và làm sạch môi trường.
Ngày Môi trường thế giới năm 2018 với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” (Ảnh: Bộ TN&MT)
          Giáo dục bảo vệ môi trường đối với sinh viên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi những chủ nhân tương lai của đất nước phải biết, hiểu đầy đủ về quê hương đất nước mình, biết giữ gìn, bảo vệ và duy trì sự phát triển môi trường sống của mình cũng như toàn xã hội. Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên chúng ta cần thực hiện một số giải pháp cơ bản:
          * Tổ chức chiến dịch môi trường: Hình thức chiến dịch không chỉ tác động đến sinh viên mà tới cả cộng đồng. Chính trong các hoạt động này, sinh viên có cơ hội khẳng định mình trong cộng đồng, qua đó hình thành và phát triển ý thức “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.
          * Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về môi trường cho sinh viên như:
          - Luật Bảo vệ môi trường
          - Hiểu biết của sinh viên về những vấn đề môi trường hiện nay: con người, tài nguyên, khai thác, sử dụng tài nguyên, những vấn đề về ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững, các biện pháp để hạn chế, khắc phục và duy trì ổn định, phát triển bền vững của môi trường 
          - Sự quan tâm của sinh viên với những vấn đề đã và đang nảy sinh hiện nay về môi trường, ô nhiễm môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường, giáo dục bảo vệ môi trường trong các trường học.
          * Tổ chức sân khấu hóa tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường: có thể thi đóng kịch với các nội dung như:
          - Tiểu phẩm tuyên truyền về môi trường xanh, sạch, đẹp
          - Tiểu phẩm nhằm phê bình, cảnh báo tác hại của việc sử dụng các loại chất hoá học cho cây trồng, vật nuôi và môi trường sinh thái…
          - Tiểu phẩm về thời trang, hoá trang…nhằm tuyên truyền về việc tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng.
          - Tiểu phẩm về khai thác tài nguyên: nước, đất, rừng, thú hoang dã…làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sự phát triển bền vững
          - Tiểu phẩm về sự phát triển công nghiệp, đô thị hoá, phát triển của giao thông làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, làm mất tính ổn định của môi trường.
          * Tổ chức các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường trong khuôn viên nhà trường, nơi ở, nơi cư trú: Đây là hoạt động cần thực hiện thường xuyên trong tuần, trong tháng cùng với các hoạt động lao động khác nhằm hình thành ‎ý thức, thói quen cho sinh viên giữ gìn vệ sinh trường, lớp, nơi ở sạch đẹp, thoáng mát. Sinh viên được chia thành từng đội, nhóm thực hiện công việc đã được phân công có sự giám sát, đánh giá xếp loại sau từng buổi hoạt động của các thành viên tổ vệ sinh môi trường. Cụ thể như:
          - Chăm sóc cây xanh, cây cảnh trong khuôn viên nhà trường: Làm cỏ, cắt tỉa lá vàng, cành khô, vun đất, cho phân bón…
          - Quét dọn và thu gom rác thải trong và ngoài khuôn viên nhà trường: sân trường, đường đi, khu vui chơi giải trí, quanh khu làm việc, trước cổng trường, vỉa hè dọc hành lang của trường,…
          - Quét dọn phòng học, lau chùi bàn ghế, bảng của phòng học,…
          Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói riêng đã trở thành vấn đề thời sự cấp bách đối với mọi quốc gia, mọi cộng đồng trên hành tinh để đảm bảo rằng, tất cả các quốc gia và các dân tộc được hưởng một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn. Đây là vấn đề sống còn của nhân loại. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên trong hệ thống giáo dục ở nhà trường là mục tiêu cần được chú ý và ưu tiên.
 
 

Tác giả bài viết: Ths. Trần Thị Ngọc Yến

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây