Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Bộ môn Giáo dục chính trị tổ chức Seminar tháng 01/2018 với chủ đề: “Bản chất của tiền công và biểu hiện của nó trong thực tiễn”

Ngày 2/01/2018 Bộ môn giáo dục chính trị đã tổ chức Semimar với nội dung “Bản chất của tiền công và biểu hiện của nó trong thực tiễn”. Buổi Seminar được tổ chức tại phòng hội thảo khoa Ôtô, thành phần tham dự về phía khoa có TS. Phạm Thị Hồng Hoa – Trưởng khoa, NCS. Phạm Xuân Đức – Phó trưởng khoa, trưởng Bộ môn và 12 thầy cô là giảng viên trong Bộ môn tham dự.
          Cũng như những buổi seminar trước đây, NCS. Phạm Xuân Đức – Phó trưởng khoa, trưởng Bộ môn đã nêu rõ sự cần thiết của việc tổ chức hội thảo chuyên môn, cũng như nêu rõ mục đích, yêu cầu đối với buổi Hội thảo. Đặc biệt cần làm rõ sự cần thiết việc nghiên cứu về sự biểu hiện của tiền công trong thực tiễn hiện nay. 
[03 01 2018 09 55 12]img 2453
NCS. Phạm Xuân Đức – Phó Trưởng khoa GDCT&TC phát biểu khai mạc
          Tại buổi Seminar định kỳ tháng 01/2018 NCS. Vũ Văn Đông và ThS. Nguyễn Mạnh Tưởng được phân công đã làm rõ các nội dung: thứ nhất, Bản chất của tiền công. Thứ hai, Hai hình thức của tiền công. Thứ ba, Tiền công danh nghĩa và tiền công thực tế. Thứ tư, Những biểu hiện của tiền công trong thực tiễn ở Việt Nam. Cụ thể:
          Thứ nhất, bản chất của tiền công:
          Trong xã hội tư bản, ngưòi công nhân làm việc cho nhà tư bản một thời gian nhất định, tạo ra số sản phẩm nhất định và được nhà tư bản trả cho một số tiền nhất định gọi là tiền công. Hiện tượng đó làm cho người ta lầm tưởng rằng tiền công là giá cả của lao động. Sự thật thì tiền công không phải là giá trị hay giá cả của lao động, vì lao động không phải là hàng hoá. Sở dĩ như vậy là vì:
          Thứ nhất: Nếu lao động là hàng hoá, thì nó phải có trước, phải được vật hoá trong một hình thức cụ thể nào đó. Tiền đề để cho lao động vật hoá được là phải có tư liệu sản xuất. Nhưng nếu người lao động có tư liệu sản xuất, thì họ sẽ tự tiến hành sản xuất ra sản phẩm và mang bán hàng hoá do mình sản xuất ra, chứ không bán “lao động”.
          Thứ hai: Việc thừa nhận lao động là hàng hoá dẫn tới một trong hai mâu thuẫn về lý luận sau đây:
         - Nếu lao động là hàng hoá và nó được trao đổi ngang giá, thì nhà tư bản không thu được lợi nhuận giá trị thặng dư); điều này phủ nhận sự tồn tại thực tế của quy luật giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản.
          - Còn nếu “hàng hoá lao dộng” được trao đổi không ngang giá để có giá trị thặng dư cho nhà tư bản, thì phải phủ nhận quy luật giá trị.
          Vậy, bản chất của tiền công trong chủ nghĩa tư bản là hình thức biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động, hay giá cả của sức lao động, nhưng lại biểu hiện ra bề ngoài thành giá cả của lao động.
         Thứ hai, hai hình thức của tiền công:
         Tiền công theo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin được biểu hiện qua hai hình thức:
          Thứ nhất: Tiền công tính theo thời gian là hình thức tiền công tính theo thời gian lao động của công nhân dài hay ngắn (giờ, ngày, tuần, tháng).
          Thứ hai: Tiền công tính theo sản phẩm là hình thức tiền công tính theo số lượng sản phẩm đã làm ra, hoặc số lượng công việc đã hoàn thành trong một thời gian nhất định.
          Mỗi một sản phẩm được trả công theo một đơn giá nhất định, gọi là đơn giá tiền công. Để quy định đơn giá tiền công, người ta lấy tiền công trung bình một ngày của một công nhân chia cho số lượng sản phẩm của một công nhân sản xuất ra trong một ngày lao động bình thường.
          Tiền công tính theo sản phẩm, một mặt, giúp cho nhà tư bản trong việc quản lý, giám sát quá trình lao động của công nhân dễ dàng hơn, mặt khác, kích thích công nhân lao động tích cực, khẩn trương tạo ra nhiều sản phẩm để thu được lượng tiền công cao hơn.
          Thứ ba, tiền công danh nghĩa và tiền công thực tế:
         Trong quá trình phân tích hình thức biểu hiện của tiền công trong chủ nghĩa tư bản Mác cũng đã làm rõ bản chất của tiền công danh nghĩa và tiền công thực tế, cụ thể:
          Thứ nhất: Tiền công danh nghĩa là số tiền mà người công nhân nhận được do bán sức lao động của mình cho nhà tư bản.
          Thứ hai: Tiền công thực tế là tiền công được biểu hiện bằng số lượng hàng hóa tư liệu tiêu dùng và dịch vụ mà người công nhân mua được bằng tiền công danh nghĩa của mình.
          Tiền công danh nghĩa là giá cả hàng hóa sức lao động. nó có thể tăng lên hay giảm xuống tuỳ theo sự biến động trong quan hệ cung - cầu về hàng hóa sức lao động trên thị trường. Trong một thời gian nào đó, nếu tiền công danh nghĩa vẫn giữ nguyên, nhưng giá cả tư liệu tiêu dùng và dịch vụ tăng lên hay giảm xuống thì tiền công thực tế giảm xuống hay tăng lên.
          Thứ tư, những biểu hiện của tiền công trong thực tiễn ở Việt Nam:
          Một là, Mức lương của một số ngành trong thực tiễn ở Việt Nam;
          Hai là, Mức tăng lương ở Việt Nam từ 2001 đến 2017;
Ba là, Mối quan hệ giữa mức tăng lương và chỉ số giá tiêu dụng tương ứng trong thực tiễn;
         Bốn là, Khảo sát con số cụ thể ở một số doanh nghiệp sử dụng hình thức tiền công theo thời gian và một số doanh nghiệp trả lương theo sản phẩm. 
ThS. Nguyễn Mạnh Tưởng trình bày nội dung tại buổi Seminar tháng 01/2018
          Sau phần trình bày các thầy cô giảng viên trong bộ môn đã tham gia thảo luận, trao đổi ý kiến về bản chất của tiền công, thực chất lao động và sức lao động trong quá trình thuê mướn và sử dụng lao động trong xã hội tư bản, các hình thức biểu hiện của tiền công cũng như tiền công danh nghĩa và tiền công thực tế. Đặc biệt các giảng viên cũng rất quan tâm tới nội dung sự biểu hiện của tiền công thông qua hai hình thức cả về mặt thời gian và sản phẩm, cũng như giá cả tiền công thực tế của người lao động ở Việt Nam hiện nay.
          Sau một thời gian thảo luận rất tích cực và sôi nổi buổi Seminar đã thành công tốt đẹp, NCS. Phạm Xuân Đức đã kết luận về sự cần thiết việc nghiên cứu bản chất của tiền công và biểu hiện của nó trong thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy học phần Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin do Bộ môn quản lý và nhấn mạnh:
          Thứ nhất: Buổi Seminar đã làm rõ được bản chất của tiền công theo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và biểu hiện của các hình thức tiền công cũng như tiền công danh nghĩa và tiền công thực tế trong thực tiễn.
          Thứ hai: Buổi Seminar đã làm rõ những nội dung trên là rất cần thiết trong giảng dạy bộ phận cấu thành thứ hai: Kinh tế chính trị trong học phần Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin.
          Thứ ba: Trong buổi Seminar các thầy cô tham gia cũng đã có những quan điểm thống nhất 4 nội dung đã được trình bày và thảo luận, đặc biệt trong giảng dạy cần liên hệ với ngành nghề của các em để sinh viên hiểu rõ được biểu hiện của tiền công trong ngành nghề mình.
          Thứ tư: Sau khi thống nhất các nội dung, NCS. Phạm Xuân Đức – Phó Trưởng khoa, trưởng Bộ môn cũng đã kết luận và lưu ý cho các thầy, cô giảng dạy học phần Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin cần tiếp tục nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu để tìm hiểu những biểu hiện của lý luận trên trong thực tiễn để từ đó áp dụng trong giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy học phần.
          Có thể khẳng định, buổi Seminar tháng 01 đã trở thành buổi sinh hoạt học thuật thường niên trong năm học 2017 – 2018 của Bộ môn. Đây cũng là buổi sinh hoạt chuyên môn bổ ích để các thầy cô trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, học tập chuyên đề theo nội dung tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn chuẩn bị cho thực tiễn giảng dạy các nội dung trong học phần Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin trong năm học tiếp theo. Qua buổi Seminar cũng đã giúp giảng viên được cập nhật kiến thức thực tiễn áp dụng trong thực tiễn giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn, làm cho sinh viên hiểu hơn về các nội dung của bài học./.
03 01 2018 09 56 26img 2458
Toàn cảnh buổi Seminar tháng 01/2018

Tác giả bài viết: Vũ Văn Đông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây