Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018

Nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền và nâng cao ý thức pháp luật cho sinh viên, đồng thời giúp các giảng viên thường xuyên cập nhật những văn bản pháp luật mới vào quá trình giảng dạy học phần Pháp luật đại cương. Từ ngày 01/01/2018 có một số chính sách pháp luật có hiệu lực mới, cụ thể:
          1. Tăng lương tối thiểu vùng
          Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 141/2017/ NĐ- CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ ngày 1/1/2018 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.760.000 đến 3.980.000 đồng/tháng đối với lao động làm việc theo hợp đồng.
          Cụ thể, mức 3,98 triệu đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp trên địa bàn thuộc vùng I; mức 3,53 triệu đồng/ tháng trên địa bàn vùng II; mức 3,09 triệu đồng/ tháng trên địa bàn vùng III và mức 2,67 triệu đồng/ tháng áp dụng với doanh nghiệp trên địa bàn vùng IV( quy định cũ lần lượt là 3,75 triệu đồng/tháng; 3,32 triệu đồng/tháng; 2,9 triệu đồng/tháng và 2,58 triệu đồng/tháng)
Tiền lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ năm 2018 (Ảnh minh họa)
          2. Điều chỉnh chế độ hưu trí mới
          Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016: Từ 1/1/2018, lao động nam đạt 31 năm đóng BHXH và lao động nữ 30 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu tương đương 75% mức đóng BHXH hàng tháng.​
Việc đáp ứng mức lương hưu 75% theo lộ trình tới năm 2022, như sau: Từ năm 2019, nam giới phải đủ 32 năm tham gia BHXH, năm 2020 đạt 33 năm, năm 2021 đạt 34 năm và từ năm 2022, nam giới phải có 35 năm đóng BHXH.
Với nữ giới, sau 1/1/2018 áp dụng đồng loạt quy định hưởng lương hưu ở mức 75% khi đủ 30 năm tham gia BHXH, không cần lộ trình tăng dần như nam giới.
          Việc tính tuổi hưu như trên căn cứ vào quy định hiện hành của Luật lao động: Nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và nữ ở tuổi 55.
          3. Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ
          Từ ngày 20/1/2018, Nghị định 140 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất, cán bộ khoa học trẻ chính thức có hiệu lực. Đối tượng áp dụng quy định này là sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc trong nước hoặc nước ngoài và người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ sau khi tuyển dụng được đặc cách cử tham dự kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức nếu được xếp loại ở mức hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liên tiếp; cán bộ khoa học phải có ít nhất một đề tài khoa học công bố trên các tạp chí.
          Tuy nhiên, trong thời gian 3 năm được tuyển dụng nếu có 2 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực… thì cơ quan, tổ chức bố trí công tác khác và thôi hưởng phụ cấp tăng thêm theo quy định. Trường hợp 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc.
          4. Bỏ án tử hình năm tội
          Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực 1/1/2018. Theo Bộ luật, nhiều tội danh bỏ án tử hình gồm: cướp tài sản; đầu hàng địch; chống mệnh lệnh; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. 11 tội danh cũng không còn trong Bộ luật Hình sự 2015 gồm kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; tảo hôn; đăng ký kết hôn trái pháp luật.
          5. Thu hồi ô tô hết thời hạn sử dụng
          Quyết định 16/2015 của Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, quy định từ 1/1/2018, ôtô, mô tô và xe gắn máy “hết đát” sẽ được thu hồi, xử lý. Quy định áp dụng với mọi tổ chức, cá nhân sử dụng ôtô, trừ ô tô của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi; ôtô chuyên dùng.
Xe ôtô đã hết hạn sử dụng (Ảnh minh họa)
          Điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ được thực hiện thống nhất theo loại sản phẩm, có thể không phụ thuộc vào nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất. Sản phẩm thải bỏ sau khi thu hồi phải được quản lý và xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
          6. Phạt người ngồi sau ô tô không thắt dây an toàn
         Từ ngày 1/1/2018, quy định “phạt tiền 100.000-200.000đ với người ngồi trên ô tô không thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây an toàn khi xe đang chạy” thuộc Nghị định 46, chính thức có hiệu lực. Quy định cũ chỉ bắt buộc lái xe và người ngồi cạnh lái xe phải thắt dây an toàn.
         7. Thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 RON 92
          Theo quyết định của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2018, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường, đồng thời thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm khí thải nhà kính, góp phần tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Xăng sinh học E95 (Ảnh minh họa)
          8. Siết định mức tiêu hao năng lượng áp dụng cho các sản phẩm giấy
          Theo Thông tư số 24/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương, từ ngày 10/1/2018 sẽ áp dụng quy định định mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất giấy giai đoạn đến hết năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 đối với các sản phẩm: Giấy bao bì: được sản xuất từ nguyên liệu là giấy tái chế; Giấy Tissue (giấy vệ sinh các loại): được sản xuất từ nguyên liệu là bột giấy nguyên thủy, giấy tái chế; Giấy in, giấy viết và giấy phô-tô copy: được sản xuất từ nguyên liệu bột giấy nguyên thủy, giấy tái chế không khử mực hoặc sản xuất theo quy trình tích hợp từ nguyên liệu gỗ.
          9. Bán cổ phần ưu đãi cho người lao động bằng 60% mệnh giá
          Đây là nội dung đáng chú ý được Chính phủ nêu tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa sẽ được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc với giá bán bằng 60% giá trị 01 cổ phần tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, người lao động phải nắm giữ số cổ phần bán với giá ưu đãi này và không được chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ thời điểm nộp tiền mua cổ phần ưu đãi.
          10. Vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng có thể bị phạt 1 tỷ đồng
          Có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
          Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng.
          Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
          11. Công trình vốn nhà nước phải sử dụng gạch không nung
          Thông tư 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng và có hiệu lực từ ngày 1/2/2018. Trong đó nêu rõ quy định những công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung. Cụ thể, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ như sau: Thành phố Hà Nội và TPHCM sử dụng 100%; các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ; các tỉnh vùng Đông Nam bộ: Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%; các tỉnh còn lại: Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.
          Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
          Như vậy, có thể khẳng định công tác phổ biến, tuyên truyền những văn bản pháp luật mới có hiệu lực từ 01/01/2018 là rất cần thiết. Nó không chỉ nhằm mục đích tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật cho sinh viên mà còn là giúp giảng viên tích cực liên hệ gắn lý luận với thực tiễn. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo học phần Pháp luật đại cương do khoa và bộ môn quản lý./.

Tác giả bài viết: ThS. Phạm Thị Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây