Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Những nội dung cần lưu ý trong Luật tố cáo và Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật rộng dãi trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền và giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật trong đội ngũ cán bộ viên chức, giảng viên và sinh viên trong toàn trường. Đồng thời thực hiện thông báo số 084/TB - ĐHSĐ ngày 24/9/2019 về việc nội dung Luật tố cáo và Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, về việc triển khai phổ biến những điểm mới của Luật tố cáo và Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 có những điểm đáng chú ý với những nội dung như:
          Ngày 12/6/2018, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Tố cáo, luật gồm 9 chương và 67 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật có một số điểm mới cơ bản sau:
         1. Bổ sung quy định về tố cáo nặc danh: Tiếp nhận, xử lý tố cáo nặc danh là nội dung mới được bổ sung tại Điều 25, Luật Tố cáo năm 2018.
          - Không xử lý đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật Tố cáo (Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền).
          - Tiếp nhận, thanh tra, kiểm tra đối với tố cáo thuộc trường hợp nêu trên nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh.
          2. Rút gọn trình tự giải quyết tố cáo: Tại Điều 28 Luật Tố cáo năm 2018, trình tự giải quyết tố cáo được rút gọn lại chỉ còn 04 bước, thay vì 05 bước như quy định trước đây. 04 bước gồm: Thụ lý tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.
          3. Rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo năm 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Trong khi đó Luật Tố cáo năm 2011 quy định thời hạn là 60 ngày, vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kề từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.
          4. Cho phép rút tố cáo: Điều 33, Luật Tố cáo năm 2018 quy định:
          - Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.
          - Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì phần còn lại được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật này; trường hợp người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 34 của Luật này. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người tố cáo rút tố cáo thì tố cáo vẫn tiếp tục được giải quyết theo quy định của Luật này. Người đã rút tố cáo không được hưởng quyền và không phải thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 9 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
          - Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết.
          - Người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
          -  Quy định rõ về bảo vệ người tố cáo: Điều 47 Luật Tố cáo năm 2018, quy định rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ người tố cáo: Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo và người thân của họ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
          - Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo
          Trước đây, Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về điều này, trong khi đó Luật Tố cáo năm 2018 cho phép người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợt kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan hoặc đợt kết quả giám định bổ sung, giám định lại. Việc đình chỉ giải quyết tố cáo được thực hiện khi: Người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo; người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo; vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền… (Điều 34).
          Luật phòng, chống tham nhũng 2018 được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2019. Luật gồm có 10 chương, 96 điều. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có nhiều điểm mới so với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Trong đó, có một số điểm mới đáng chú ý, đó là:
          - Thứ nhất, mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập: Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.Theo đó, các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập được mở rộng bao gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
          - Thứ hai, bổ sung một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai: Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó, ngoài việc phải kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây (nhà, quyền sử dụng đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật), Luật mới quy định bổ sung tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; đồng thời, các đối tượng kê khai phải kê khai tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.
          - Thứ ba, quy định cụ thể về phương thức, thời điểm kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung quy định về kê khai bổ sung: Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 36 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018. Đồng thời, Khoản 2 Điều 36 quy định kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên.
          - Thứ tư, quy định cụ thể việc công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập: Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 39 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó, Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Luật cũng quy định cụ thể việc công khai đối với Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân; Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.
          - Thứ năm, quy định cụ thể hơn về việc xử lý đối với trường hợp kê khai không trung thực: Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó, ngoài việc kế thừa quy định xử lý đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực; Luật mới quy định người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp nêu trên mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.
         - Thứ sáu, Luật quy định một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hoá và đề cao vai trò người đứng đầu: Nội dung này được quy định cụ thể tại Chương IV gồm các điều từ Điều 70 đến Điều 73, quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng. Bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
          - Thứ bảy, Luật quy định một chương riêng về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước: Nội dung này được quy định cụ thể tại Chương VI gồm các điều từ Điều 78 đến Điều 82, bao gồm các quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng; áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; phát hiện tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
          Việc xây dựng Luật tố cáo năm 2018 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật tố cáo năm 2011; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo của công dân là quyền con người, đồng thời Luật tố cáo mới nhằm tiếp tục quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Về Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 có những sửa đổi về phạm vi tham nhũng; khái niệm tham nhũng; tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc phân cấp về thẩm quyền quản lý tài sản kê khai của công chức; việc tặng quà, nhận quà tặng; việc thanh toán qua tài khoản; kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát thu nhập,…
          Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo của cán bộ, giảng viên trong khoa nói riêng và của cán bộ CNV giảng viên nhà trường nói chung; Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến trong nhân dân chấp hành tốt pháp luật khiếu nại, tổ cáo; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, góp phần ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo, góp phần giữ gìn ANCT và TTATXH.
 

Tác giả bài viết: ThS. Phạm Thị Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây