Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Quan điểm phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII và quá trình vận dụng vào thực tiễn của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra tại Hà Nội từ 25 tháng 1 đến ngày 01 tháng 2 năm 2021. Một trong những điểm nhấn rất quan trọng của Đại hội là xác định các quan điểm, chủ trương mới, toàn diện và sâu sắc về phát triển văn hóa, con người Việt Nam và được thực hiện trong thực tiễn nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước ta cường thịnh, phồn vinh và hạnh phúc.
 
Tinh1
Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
         Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi con người là vốn quý nhất, là mục tiêu, động lực của cách mạng, là yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt trong các kỳ đại hội, cũng như trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng. Tại Đại hội XII, Đảng đã gắn mục tiêu xây dựng văn hóa với xây dựng con người, vấn đề xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được đặt lên hàng đầu trong các nhiệm vụ về văn hóa.
          Đến Đại hội XIII không chỉ gắn mục tiêu văn hóa với con người mà Đảng còn khẳng định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”(1). Các giá trị văn hóa và con người Việt Nam đã làm nên nền tảng tinh thần vững chắc của dân tộc ta; trở thành nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng của phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. 
          Xuất phát từ những điều kiện tự nhiên, từ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, văn hóa và con người Việt Nam có những giá trị, phẩm chất độc đáo: là tinh thần yêu nước nồng nàn và nhân văn; chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh hùng trong chiến đấu; sáng tạo trong lao động sản xuất; là tinh thần cố kết cộng đồng, lòng khoan dung, cởi mở…Những giá trị văn hóa ấy đã gắn kết các cá nhân thành cộng đồng, cùng chung tay xây dựng đất nước. Thực tiễn đã chứng minh từ khi nước ta giành được độc lập, xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là hơn 35 năm đổi mới, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã được Đảng, cơ quan các cấp, địa phương và nhân dân phát huy, có những hình thức phát triển phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu của đất nước; văn hóa và giá trị văn hóa còn trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, kết hợp với du lịch, dịch vụ, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Hiệu quả cao nhất mà văn hóa và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam mang đến chính là nuôi dưỡng tình quê hương đất nước, ý chí khát vọng và tinh thần cống hiến của mỗi người dân ra sức thi đua lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu và công tác vì sự phát triển toàn diện của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự trường tồn của dân tộc.
          Tuy nhiên, văn hóa và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam vẫn còn những điểm cần chú ý trong đời sống thực tại của xã hội. Từ thực tiễn của đất nước, Đảng ta cũng đã nhìn nhận đánh giá thực tại của đất nước về văn hóa và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam: đó là sự xuống cấp khá nghiêm trọng về đạo đức xã hội trong một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ; đó là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu quan tâm, chia sẻ với cộng đồng, thiếu trách nhiệm với xã hội; tư tưởng ngại lao động, thích hưởng thụ, chạy theo lối sống thực dụng; lợi dụng văn hóa để hoạt động mê tín dị đoan để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là động lực cho phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần quán triệt và thực hiện một số nội dung sau:
          Một là, nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của các giá trị văn hóa, con người Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước. Con người vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, đồng thời cũng là mục tiêu của phát triển văn hóa. Vì thế, đầu tư cho văn hóa cũng chính là đầu tư cho con người. Thực tế qua thời gian phòng, chống đại dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả thiên tai, muốn thành công phải khơi dậy được tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay hành động, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân và các giá trị văn hoá dân tộc.
          Hai là, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam  đối với sự phát triển của đất nước là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị.
          Ba là, phát triển và phát huy đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực văn hóa trong quá trình phát triển đất nước.
          Bốn là, tập trung nguồn lực phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực văn hóa. Văn hóa và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam là một lĩnh vực phong phú, rộng lớn, nhưng cũng hết sức tinh tế, nhạy cảm. Vì vậy, công tác quản lý văn hóa, cụ thể là tập trung nguồn lực phát triển các giá trị văn hóa cũng cần phải có nhận thức, những kế hoạch hành động vừa mang tầm chiến lược, nhưng cũng hết sức cụ thể.
          Năm là, nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
          Đại hội XIII của Đảng đã xác định những quan điểm, chủ trương rất mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực. Đây là một nội dung quan trọng của đời sống xã hội, có vị trí, vai trò ảnh hưởng sâu sắc trong sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân, sự vững chắc của cộng đồng và rộng hơn là sự phát triển mỗi quốc gia. Những quan điểm này được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp, định hướng cụ thể trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
 
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. 1, tr. 25.

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Tình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây