Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Sinh viên trường Đại học Sao Đỏ với văn hóa đọc sách

Hiện nay, các trường đại học ở Việt Nam trong đó có trường Đại học Sao Đỏ đang triển khai mạnh mẽ phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ và đổi mới phương pháp dạy – học theo hướng lấy người học làm trung tâm, giảm thời gian lý thuyết, tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên. Để thực hiện nhiệm vụ này, trường Đại học Sao Đỏ phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó vấn đề hiện đại hóa hoạt động thông tin, thư viện, phát triển văn hóa đọc được quan tâm vì đây là yếu tố quyết định thúc đẩy quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên.
          Việc xây dựng văn hóa đọc cho sinh viên trong trường đại học chính là một trong những hoạt động, điều kiện quan trọng để giúp cho sinh viên tiếp cận với tri thức, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc đổi mới phương pháp dạy - học, kỹ năng tự học và học tập suốt đời của mỗi người. Trong đó, văn hóa đọc ở đây chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở; phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Để việc đọc sách thật sự hiệu quả thì mỗi cá nhân cần phải luyện cho mình văn hóa đọc; một trong những con đường để hình thành văn hóa đọc đó chính là việc lựa chọn sách sao cho phù hợp.
          Hiện nay, trường Đại học Sao Đỏ cũng đã tạo môi trường đọc khá thuận lợi cho sinh viên với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối đồng bộ và hiện đại. Số lượng giáo trình, sách tham khảo khá đa dạng về chủng loại, phong phú về nội dung đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đọc của cán bộ và sinh viên. Nhận thức của của sinh viên về vấn đề đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường được quan tâm. Nhà trường cũng đã có nhiều hình thức hoạt động để tuyên truyền, quảng bá văn hóa đọc cho sinh viên, góp phần tạo thói quen đọc sách và từng bước hình thành văn hóa đoc trong nhà trường.
          Tuy nhiên, một thực trạng đáng báo động trong những năm gần đây đó là xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách của sinh viên. Theo Bộ văn hóa thể thao và du lịch tỷ lệ sách bình quân/đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn. Số lượng sinh viên sử dụng thời gian đọc sách mỗi ngày từ 30 phút trở lên là 86,32%, 1 giờ trở lên là 71,42%, 3 giờ trở lên là 12,15%.
           Theo khảo sát tại trường Đại học Sao Đỏ cách thức đọc của 400 bạn sinh viên ngẫu nhiên. Tỷ lệ này khá đồng đều với 40% lựa chọn cách mượn từ người thân, ban bè hay thư viện; 18% mượn sách về đọc và 42% lựa chọn cách đọc online hoặc tải ebook. Khảo sát mức độ đọc thường xuyên của sinh viên trường Đại học Sao Đỏ: Có 50% các bạn sinh viên đọc các ấn phẩm và sách; 39% sinh viên thường xuyên đọc; 7% sinh viên hiếm khi đọc và 2% sinh viên không thường xuyên đọc. Mức độ thường xuyên tới thư viện qua khảo sát 400 bạn sinh viên tại trường Đại học Sao Đỏ có 42% thường xuyên học tập hay tra cứu tại thư viện; 9% hiếm khi vào thư viện; 49% thỉnh thoảng và 0% không bao giờ vào thư viện.
          Do đặc thù là sinh viên đang trong quá trình đào tạo và đăc thù về ngành nghề được đào tạo, sinh viên trường Đại học Sao Đỏ chủ yếu lựa chọn đọc các ấn phẩm giáo trình có liên quan tới bài giảng và nghành nghề đã chọn và các ấn phẩm khoa học phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên.
          Tuy nhiên, văn hóa đọc trong sinh viên bị suy giảm và có nhiều thay đổi. Bên cạnh những tấm gương có ý chí phấn đấu trong học tập, ham đọc sách, nghiên cứu tài liệu và sử dụng thư viện tích cực, một trong những biểu hiện của sự hạn chế về văn hóa đọc của sinh viên là tình trạng phần lớn sinh viên chỉ học và đọc khi các kỳ thi đã tới gần, học đối phó - học để thi. Tài liệu, sách, báo, sinh viên chỉ đọc khi giảng viên yêu cầu làm tiểu luận, bài tập lớn, hay thuyết trình về một đề tài hoặc chỉ phục vụ cho kỳ thi, tức là chỉ khi bị áp chế, bắt buộc, sinh viên mới có ý thức đọc mang tính tức thời. Cách học đó khiến người học không tạo được tính chủ động tích cực trong học tập, nghiên cứu và thói quen đọc sách, mà đọc theo nhu cầu hoặc sở thích. Chính vì vậy, sinh viên trở nên thụ động trong việc đọc và nghiên cứu tài liệu, sách, báo để tìm trong đó những kiến thức phục vụ cho việc tự học và nghiên cứu khoa học. Có thể nói sự thụ động trong văn hóa đọc đã và đang làm nghèo tri thức, tâm hồn và văn hóa của sinh viên.
          Có thể nói mặc dù có sự quan tâm đầu tư của nhà trường cho hệ thống thư viện  trong những năm gần đây còn gặp nhiều khó khăn như: Nguồn lực thông tin vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu ngày càng đa dạng của sinh viên; chưa xây dựng được chiến lược phát triển văn hóa đọc; công tác tuyên truyền hướng dẫn và phát động phong trào đọc sách trong sinh viên chưa thường xuyên.
          Để góp phần vào việc phát triển văn hóa đọc cho sinh viên trường Đại học Sao Đỏ kết quả tốt nhất, tiếp thu được nội dung cốt lõi của cuốn sách. Để đạt được mục tiêu đó, có thể đề xuất, hướng dẫn sinh viên cách đọc để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường giai đoạn hiện nay như sau:
          Thứ nhất, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách cho sinh viên hưởng ứng Ngày Đọc sách Việt Nam 21/4 hàng năm.
          Khẳng định vai trò của sách và văn hóa đọc, hưởng ứng ngày đọc sách 21/4/2018 sinh viên trường Đại học Sao Đỏ rất tích cực lên thư viện và tìm hiểu thêm các sách báo nhằm mở rộng, nâng cao hiểu biết của mình. Đồng thời qua việc đọc sách sẽ giúp sinh viên trường Đại học Sao Đỏ khẳng định mình luôn tích cực và xây dựng văn hóa đọc thành truyền thống và bản sắc riêng.
          Đó có thể là các hoạt động như: triển lãm sách, báo, tạp chí; tổ chức hội nghị bạn đọc; thi đọc sách, thuyết trình, giới thiệu về sách; phối hợp với các nhà xuất bản, nhà sách tặng sách và bán sách trợ giá, giảm giá cho sinh viên…
image002 1
Sinh viên đọc sách tại thư viên 
          Thứ hai, hướng dẫn và tạo điều kiện cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu có hiệu quả thông qua việc đọc sách.
          Để thực hiện đổi mới phương pháp dạy - học, mỗi giảng viên phải xây dựng và hình thành thói quen đọc cho sinh viên; giảm thời lượng dạy học, yêu cầu sinh viên phải đọc giáo trình, tài liệu tham khảo để bổ sung, tích lũy kiến thức. Qua đó giúp sinh viên biết lựa chọn nội dung cần đọc; biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân; biết tiếp thu nội dung đã đọc; biết vận dụng các kỹ thuật đọc như ghi chép, tóm tắt nội dung…; biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đọc. Thư viện trường cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền để cho sinh viên các khóa học ngay khi vào trường những nội dung liên quan đến hoạt động của thư viện và văn hóa đọc trong nhà trường như: hệ thống dữ liệu của thư viện bao gồm sách truyền thống và sách điện tử; phương pháp đọc sách hiệu quả; phương pháp tra cứu tài liệu…
          Thứ ba, quan tâm đầu tư trang, thiết bị, sách, giáo trình, tài liệu tham khảo cho hệ thống thư viện. Hiện nay, thư viện trường đang đứng trước vấn đề hết sức khó khăn trong lựa chọn, bổ sung sách, giáo trình do mâu thuẫn không thể tự giải quyết giữa kinh phí hoạt động được cấp còn eo hẹp với nguồn tài nguyên thông tin trong và ngoài nước ngày càng có xu hướng tăng nhanh hàng năm.
          Việc phát triển văn hóa đọc cho sinh viên trong trường Đại học Sao Đỏ chính là một trong những hoạt động, điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy – học, giúp cho giảng viên, sinh viên đối với sách, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội./.

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Thu Hường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây