Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Tết nguyên đán – Nét đẹp của người dân Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử và văn hóa

Tết Nguyên Đán (người dân còn gọi là Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền) là lễ quan trọng nhất của người dân Việt Nam nói riêng và một số quốc gia Đông Á nói chung. Đây là dịp để các gia đình sum họp bên nhau để cùng đi tảo mộ, hướng về tổ tiên, cùng thăm hỏi người thân, và mừng tuổi nhau.
          Tết Nguyên Đán (người dân còn gọi là Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền) là lễ quan trọng nhất của người dân Việt Nam nói riêng và một số quốc gia Đông Á nói chung. Đây là dịp để các gia đình sum họp bên nhau để cùng đi tảo mộ, hướng về tổ tiên, cùng thăm hỏi người thân, và mừng tuổi nhau,... Trước ngày Tết, là những ngày mọi nhà chuẩn bị, sửa soạn chào đón một năm mới gặp nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi, mọi ngưới khỏe mạnh, con cháu học hành tấn tới. Mở đầu cho những chuẩn bị ấy là những ngày lễ như: "Tết Táo Quân" (23 tháng chạp âm lịch) hay còn gọi là “tết ông Công, ông Táo” và "Tất Niên" (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch tùy vào  năm đó tháng chạp đủ hay thiếu ngày) là thời khắc gia đình quay quần ăn bữa cơm năm cũ để chuẩn bị chào đón năm mới.
          Cùng với quá trình phát triển của lịch sử, văn hóa ngày tết Nguyên đán ở Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn hóa Trung Quốc. Cũng vì lẽ đó mà ngày nay nhiều người vẫn lầm tưởng Tết Nguyên Đán của người Việt bắt nguồn từ văn hóa Tết Nguyên Đán Trung Quốc. Thực ra tết Nguyên Đán Trung Quốc bắt đầu xuất hiện vào thời tam hoàng ngũ đế và được thay đổi liên tục qua từng thời kỳ. Từng triều đại, từng đời vua kế vị đều chọn cho mình những thời điểm khác nhau làm ngày Tết Nguyên Đán. Mãi đến khi Hán Vũ Đế (140 TCN) quyết định đặt lại tháng Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng, thời điểm Tết Nguyên Đán được giữ nguyên đến tận bây giờ.
          Theo các nhà nghiên cứu lịch sử và các di chỉ, các câu truyện dân gian để lại thì “Tết Nguyên đán” của Việt Nam lại cho thấy khía cạnh khác. Năm 2879 TCN, trong quá trình họ Hồng Bàng xây dựng nước Văn Lang, dân ta đã biết sinh hoạt trong một cộng đồng và ăn Tết. Mặt khác, với đặc điểm là một nền văn minh lúa  nước, gắn liền với cây lúa nên gạo được coi là thứ quý giá nhất đã được chọn làm bánh chưng, bánh dày dùng trong việc thờ cúng tổ tiên vào dịp Tết Nguyên Đán. Đây cũng chính là một minh chứng cho thấy văn hóa Tết của người Việt đã sớm được hình thành.
          Công việc sửa soạn cho ngày Tết của người Việt thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, là ngày mà người Việt cúng ông Táo. Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng. Ông Táo được cúng vào trưa hoặc chiều ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm.
          Ngày Tất niên là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên. Buổi tối ngày này, người ta làm cỗ cúng tất niên. Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày mồng 1 tháng Giêng, giờ Tý (tức là 12 giờ đêm), là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết đó chính là Giao thừa. Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà để tiễn thần cai quả năm cũ và đón thần cai quản năm mới.
          Ngày Tết đối với người dân Việt Nam mang một ý nghĩa thiêng liêng không chỉ biểu trưng cho Ngày đoàn tụ hằng năm mỗi khi Tết đến, mọi người đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết. Ông bà, cha mẹ, con cái lại được gặp nhau cười nói vui vẻ, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,... "Về quê ăn Tết", đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Mà nó còn biểu chưng cho Ngày làm mới Tết Nguyên Đán là thời điểm chia tay một năm cũ để bắt đầu một năm mới, vì vậy mà mọi thứ phải được làm mới trong mỗi gia đình. Những tháng cận Tết, đi đâu cũng thấy người ta sơn sửa lại nhà cửa, quét vôi, trang trí lại căn nhà. Đồ đạc trong nhà được lau chùi cẩn thận. Người lớn trẻ con tắm rửa sạch sẽ, mặc những bộ quần áo mới. Vì Người Việt Nam tin rằng những cái mới đó sẽ mang đến cho mọi người may mắn, niềm tin và sự lạc quan vào cuộc sống Và nó còn biểu chưng cho ngày tạ ơn và ngày của hi vọng. Ngày tạ ơn vì tết là dịp để con cháu trong nhà bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn đối với ông bà cha mẹ. Ấm cúng nhất là khoảng khắc khi gia đình ngồi lại bên nhau, con cháu lần lượt từng đứa gửi đến ông bà, cha mẹ những lời chúc thắm đượm tình cảm. Mọi người quây quần bên nhau, chú ý lắng nghe từng câu từ chữ mà bồi hồi xúc động. Ngày của hi vọng vì tết là lúc chúng ta bước sang một năm mới, ai ai cũng mong rằng mình sẽ gặp được nhiều điều may mắn. Mùa xuân là mùa của niềm vui và cũng là mùa của hi vọng. Mọi người cầu chúc cho nhau mọi điều tốt lành trong năm mới sắp tới.
hinh anh ngay tet nguyen dan y nghia nhat 600x400
Hình ảnh gia đình sum họp trong ngày tết (Ảnh minh họa)
          Ngày Tết Nguyên Đán Việt Nam mang những nét riêng đặc trưng văn hóa của một dân tộc, là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của ông cha ta từ xưa truyền lại cho con cháu. Tết Việt còn là sự thích nghi với nhịp sống hiện đại khi nó mang những hơi thở của sự sung túc, đủ đầy và nhộn nhịp của nét văn hóa hiện đại. Tuy vậy, trong ngày Tết vẫn còn nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn mà chúng ta còn giữ gìn và cần tiếp tục phát huy để Tết Nguyên Đán mãi là nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam như trong câu tục ngữ Việt Nam còn ghi lại:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
 
 

Tác giả bài viết: Vũ Văn Đông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây