Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Truyền thống tôn sư trọng đạo với giáo dục văn hóa cho sinh viên hiện nay

Từ xưa đến nay, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” là đạo lý mang đậm giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam. Truyền thống này đã được ông cha ta tạo dựng, bồi đắp trở thành nét đẹp văn hóa trong mỗi tâm hồn người Việt. Trải qua thời gian, dù xã hội có phát triển và đổi thay thì truyền thống ấy vẫn là một nét đẹp được gìn giữ trong chuỗi các giá trị truyền thống ở nước ta.
          Trong xã hội xưa, thầy giáo được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo thầy mà trở thành người có đức, có nhân, có tài để đứng ra giúp nước. Vì thế, ngày xưa, chỉ có thầy mới thực sự là người có thể dạy chữ cho con em nhân dân, giúp cho con em họ thành người có ích cho xã hội. Từ bao đời nay, nhân dân ta vẫn truyền nhau câu ca: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
          Trong xã hội xưa, cái nghĩa “Tôn sư trọng đạo” được gắn với tính mô phạm, khuôn phép, nhân cách, đạo đức. Vì thế, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò chứ không thể có bất cứ một yếu tố nào chi phối giá trị này. Muốn được học trò tôn kính, thầy phải giữ đúng chữ “đạo thầy”, thầy phải là biểu tượng của nhân cách cao đẹp, đạo đức chuẩn mực và tài trí hơn người. Về phía học trò, cũng phải giữ đúng “đạo học trò”, biết nghe lời thầy, biết chăm chỉ học tập và biết ứng xử cho phải đạo. Nếu phạm lỗi phải biết kính cẩn xin lỗi và sửa chữa lỗi lầm.
          Trong xã hội ngày nay, người thầy vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội. Mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người nhưng có lẽ không gì có thể thay thế được vị trí của người thầy. Trong xã hội hiện đại hiện nay, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp, gieo mầm thiện để nhân lên những điều thiện trong tâm căn mỗi học trò. Thầy là người truyền lửa ham học cho học trò, khơi lên trong các em những ước mơ, hoài bão để thổi bùng lên những khát vọng cao đẹp trong tương lai. Thầy là người định hướng tri thức để học trò khám phá, tìm tòi tri thức.
          Vì thế, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong xã hội ngày nay vẫn còn nguyên giá trị về sự kính trọng người thầy, coi trọng sự học và những lời dạy của cha ông xưa vẫn không hề cũ đối với các thế hệ học trò. Tuy nhiên, cái nghĩa “Tôn sư trọng đạo” ngày nay có phần thay đổi so với xưa kia. Ở xã hội ngày nay, khoảng cách giữa thầy và trò không cách xa như trước. Thầy và trò gần gũi, thân thiện hơn. Mối quan hệ giữa thầy và trò không còn bị chi phối bởi những giáo lý nghiêm ngặt như trong xã hội xưa mà có phần được giảm nhẹ, giảm hóa những quy định về lễ nghĩa. Vì thế, học trò ngày nay thể hiện sự kính trọng thầy bằng nhiều cách khác nhau chứ không bó hẹp như xưa.
          Người thầy trong xã hội ngày nay vẫn phải là chuẩn mực của đạo đức, nhân cách và trí tuệ. Đặc biệt, khi xã hội phát triển, khoa học công nghệ đạt được những thành tựu to lớn, khi thế giới bước vào thời đại công nghệ 4.0 thì người thầy phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để bắt kịp với thời đại, đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nếu không, có thể thầy sẽ thua học trò và khi ấy, hình ảnh thầy trong tâm hồn học trò không còn thiêng liêng như trước nữa.
          Để giáo dục truyền thống tôn sư trong đạo trong văn hóa sinh viên thì điều quan trọng là phải có người làm gương, nhất là những người lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, các thầy cô là tấm gương mẫu mực cho các em noi theo.
          Giáo dục cho sinh viên nhận biết được những giá trị sống: công dưỡng dục của bố mẹ, sự dạy dỗ, giáo dục của người thầy, các em phải biết ơn các công lao đó để các em ghi tâm khắc cốt. Có như vậy sau này các em trưởng thành để có được như ngày hôm nay là nhờ bố mẹ, thầy cô giáo. Khi đi bất kỳ nơi đâu các em đều nhớ về bố mẹ, thầy cô qua các hành động như: gọi điện về, đến nhà hỏi thăm động viên là những món quà vô giá dâng lên thầy cô.
          Giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo trong văn hóa sinh viên về cách ăn mặc, giao tiếp, ứng xử giữa con người với con người điều này ông cha ta đã đúc kết: “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đây là một việc làm rất quan trọng, làm sao cho các em mặc vừa đẹp lại vừa kín đáo, nói năng, giao tiếp đúng mực, lịch sự biết kính trên nhường dưới, lễ phép với bố mẹ và thầy cô giáo, hòa đồng với bạn bè, không văng tục, chửi bậy. Ăn ở gọn gàng, sạch sẽ, vệ sinh ngăn nắp, tránh xa nạn “sống thử” để bảo đảm môi trường sống trong sạch của sinh viên.
          Đối với mỗi sinh viên cần phải tự xây dựng cho mình một ý thức học tập, lối sống lành mạnh, tránh xa các tụ điểm phức tạp hay các dịch vụ nhạy cảm là mầm mống nảy sinh những tội ác; dũng cảm, đoàn kết lẫn nhau để chống nạn bạo lực học đường, xây dựng nét đẹp văn hóa học đường của sinh viên.
          Mỗi sinh viên phải thường xuyên tự rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao năng lực và phẩm chất để không chỉ biết tiếp thu mà còn biết phát huy những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong bối cảnh mới. Đồng thời phải biết đấu tranh chống lại những vấn đề tiêu cực, phản văn hóa trong đạo đức, lối sống và nếp sống của sinh viên hiện nay.
          Sinh viên Việt Nam là những trí thức của đất nước, không ai hết mà chính họ sẽ là những người đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc CNH, HĐH đất nước. Thế kỷ XXI là thế kỷ của văn minh trí tuệ, của sự phát triển khoa học kĩ thuật, nên rất cần có những con người trẻ tuổi, có trình độ và năng lực sáng tạo cao, phải biết giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp với sự tiếp nhận, thích nghi cái mới của xã hội hiện đại để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Mạnh Tưởng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây