Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con người và sự vận dụng của Đảng ta

Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người được biểu hiện đa dạng, phong phú trong từng việc làm, cử chỉ và mối quan tâm của mỗi con người. Tất cả đều toát lên tình yêu vô hạn, sự tôn trọng, thái độ bao dung và niềm tin tuyệt đối vào con người. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng ta ngay khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi thì “Đầu tiên là công việc đối với con người”, tức là phải có chính sách xã hội đối với con người. Thực hiện theo di chúc của Người, Đảng, Nhà nước ta coi đây là những nhiệm vụ trọng tâm đã và đang thực hiện trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay.
          Theo Hồ Chí Minh, con người nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người".
          Nói về quyền con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng hai bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, trong bản tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 Người đã khẳng định lại quyền con người Việt Nam trước anh, em, bạn bè thế giới: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Người muốn khẳng định nhân dân Việt Nam hoàn toàn tán đồng và có chung ý tưởng với nhân loại về quyền bình đẳng, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người; và lẽ dĩ nhiên, nhân dân Việt Nam cũng có những quyền đó như nhân dân Mỹ và nhân dân Pháp.
          Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh con người là vốn quý nhất: “Dân là vốn quý nhất, có dân là có tất cả”, “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, nhân tố con người là nguồn lực quan trọng nhất, nguồn lực của mọi nguồn lực.
BacHo DongBao 13
Chủ tịch Hồ Chí Minh cả cuộc đời vì mục tiêu  giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
          Suốt cả cuộc đời của chủ tịch Hồ Chí Minh đều phấn đấu vì mục tiêu cao cả đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Ham muốn tốt bặc của Người là làm sao đất nướt ta hoàn toàn được độc lập nhân dân ta hoàn toàn được tự do, để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cúng được học hành. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng đời sống mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội đều bắt đầu từ con người, từ việc phát huy nhân tố con người. Ngày 10/1/1946, tại cuộc họp của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch hóa kiến quốc, Hồ Chí Minh yêu cầu làm ngay: “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để cho dân tin, dân theo, dân ủng hộ, để nhân tố con người được phát huy thì phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, quyền lợi của con người phải được bảo vệ và ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật; nhưng điều cơ bản theo Hồ Chí Minh là phải hiện thực hóa nó qua những cuộc vận động, các phong trào cách mạng để đảm bảo quyền dân chủ.
          Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn coi nguồn lực con người là “nguồn lực của mọi nguồn lực”, là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất quyết định thành công của công cuộc đổi mới đất nước ta hiện nay. Khẳng định vai trò của con người, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do, trong bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách để khơi dậy và phát huy sức mạnh to lớn đó và nhờ đó mà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ý chí và nghị lực của con người Việt Nam chúng ta đã giành được độc lập, thống nhất đất nước.
          Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Đảng ta đã chú trọng: “Phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, hướng sự sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới” và chăm lo bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người, trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; phát huy mọi tiềm năng thế mạnh của con người để vừa tập trung cao cho phát triển kinh tế, vừa tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo cơ sở nền tảng vững chắc bảo vệ thành quả của cách mạng trong điều kiện mới.
          Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta khẳng định: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”. vấn đề “phát triển con người toàn diện” được Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 - 2020 và “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển”.
          Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và vai trò đặc biệt quan trọng của việc phát huy nhân tố con người, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước ta hiện nay.
          Như vậy, từ tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta trong việc phát huy nhân tố con người. Với phương châm đổi mới xuất phát từ con người và vì con người, con người là chủ thể của sự nghiệp đổi mới, hiện nay chính sách của Đảng ta đã và đang chăm lo cho cuộc sống con người, tạo những điều kiện tốt nhất để mỗi người có thể thể hiện tối đa năng lực của mình trong thực tế cuộc sống, trong lao động, sản xuất, trong mọi hoạt động sáng tạo, tất cả cùng phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Tác giả bài viết: Nguyễn Mạnh Tưởng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây