Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người trước hết thể hiện ở cách tiếp cận mang tính cách mạng – sáng tạo của Người về vấn đề này. Xuất phát từ lợi ích của dân tộc ta và các dân tộc bị áp bức, từ chọn lọc, kế thừa và phát triển các giá trị nhân quyền của nhiều học thuyết, nhiều nền văn hóa, nhiều hệ tư tưởng, nhất là từ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người góp phần phát triển lý luận nhân quyền của nhân loại trong thời đại ngày nay.
          Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người có quá trình hình thành và phát triểngắn liền với hoạt động thực tiễn sinh động và phong phú của Người.
          Người sinh ra và lớn lên trong điều kiện nước mất nhà tan, nhân dân sống cảnh lầm than nô lệ dưới ách áp bức bóc lột của Thực dân Pháp. Hàng ngày, Người chứng kiến biết bao tội ác vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người do thực dân gây ra, Người rất thấu hiểu nỗi nhục của người dân bị mất nước, mất quyền tự do. Do đó, ngay từ nhỏ đã hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cứu nước, cứu dân của Người. Trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh luôn có ý thức rằng, không có độc lập tự do thì nhân dân lao động không có quyền làm người. Khác với các bậc tiền bối yêu nước đi trước, Người không sang phương Đông mà sang phương Tây, nơi nổi tiếng với hai bản tuyên ngôn: Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 1776 và bản tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của nước Pháp 1789, để xem người dân Mỹ và Pháp họ sống tự do như thế nào. Khi đặt chân đến nước Mỹ, tham quan tượng “Nữ thần tự do”, Người đã nhận xét sâu sắc sự khác biệt về quyền con người trong xã hội được xây dựng trên cơ sở phân chia giầu nghèo, những người da trắng và da màu. Cuộc hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh giúp Người quan sát, nhận biết sâu sắc hơn về chế độ chủ nghĩa tư bản và chế độ thuộc địa trên thế giới. Người nhân thấy chủ nghĩa tư bản đế quốc ở đâu cũng giống nhau về bản chất “ăn cướp”, “hiếp dâm” và “giết người”. Năm 1919 các nước thắng trận trong thế chiến thứ nhất họp tai Vecxây (Pháp) nhằm chia lại thị trường thế giới. Thay mặt những người Việt Nam yêu nước, Người gửi tới Hội nghị bản yêu sách 8 điểm lên chính phủ Pháp đòi những quyền cơ bản của con người: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí… cho nhân dân An Nam và không được Pháp chấp nhận nhưng có tiếng vang lớn đến người Việt Nam trong và ngoài nước.
          Kế thừa và phát huy những tư tương tiến bộ của nhân loại, Người đã vạch ra những nội dung cơ bản về quyền con người đó là quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, coi đây là điều thiêng liêng, hòa hợp với lẽ tự nhiên và bất khả xâm phạm. Quyền con người không phải thần linh, thượng đế sinh ra, không phải bề trên ban phát mà được biểu hiện thành quyền tồn tại, quyền được sống bằng sức lao động của mình. Quyền của con người phải được thể hiện qua các hoạt động thực tiễn cách mạng với những việc làm cụ thể thiết thực. Ngay sau ngày đọc bản tuyên ngôn độc lập, Người đã đề ra những việc cần phải thực hiện ngay.
  1. Làm cho dân có ăn
  2. Làm cho dân có mặc
  3. Làm cho dân có chỗ ở
  4. Làm cho dân có học hành
          Hồ Chí Minh rất quan tâm đến tự do, gắn liền tự do với sự ấm no, hạnh phúc, gắn tự do với độc lập, đề ra những nhiệm vụ cấp bách: Cứu đói, chống đói, xóa bỏ những thứ thuế vô lý, ban hành quyền tự do dân chủ cho nhân dân, tiến hành tổng tuyển cử, thực hiện nam, nữ bình quyền, triển khai xây dựng Nhà nước thể hiện quyền làm chủ của nhân dân ngay sau khi nước nhà giành độc lập.
          Đảng ta đang tiếp tục phát huy tư tưởng nhân quyền trong quá trình đổi mới đất nước, thể hiện trên cơ sở chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước; căn cứ thực trạng và những vấn đề đang đặt ra trong bảo đảm quyền con người và có tính đến những vấn đề lớn về nhân quyền trên thế giới. Do đó, quan điểm chỉ đạo công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xác định theo hướng: Nhân dân là chủ thể của quyền và bảo đảm quyền con người là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Quyền con người vừa có tính phổ biến vừa có tính đặc thù và trong xã hội cơ bản được thể hiện ở tính nhân loại gắn với tính giai cấp và tính dân tộc. Bảo đảm quyền con người theo phương châm thực hiện các giá trị nhân quyền phổ quát trên cơ sở chủ quyền quốc gia và gắn với các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Quyền con người không đồng nhất với quyền công dân, gồm cả quyền tập thể và quyền cá nhân, quyền gắn liền với nghĩa vụ, giới hạn quyền do luật định, trên cơ sở xác định rõ chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền. Từng bước bảo đảm sự bình đẳng giữa các quyền, có ưu tiên quyền sống, quyền phát triển và quyền của các nhóm yếu thế. Quyền con người được bảo đảm bằng chế độ dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
          Điều kiện pháp lý cho công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay tùy thuộc vào việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với 5 đặc điểm: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; sự bình đẳng của mọi người trong thụ hưởng và phát triển quyền, trước tiên và chủ yếu trong việc tham gia vào công tác quản lý nhà nước và xã hội; sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.Giải pháp bảo đảm quyền con người ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm: Sử dụng ngày càng phổ biến và sâu rộng cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương và chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước. Bảo đảm một cách thực tế các quyền con người, nhất là quyền sống, quyền phát triển và quyền của các nhóm yếu thế, trên cơ sở từng bước bảo đảm quyền con người./.

Tác giả bài viết: NCS. Nguyễn Thị Hải Hà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây