Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ và công tác phát triển phụ nữ trường Đại học Sao Đỏ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng, nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Là một lực lượng lao động xã hội đông đảo, phụ nữ Việt Nam ngày nay đã tỏ rõ vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Nhận thức đúng đắn vai trò của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ trường Đại học Sao Đỏ đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để đưa ra những chỉ đạo nhằm phát triển công tác phụ nữ trong Nhà trường, góp phần xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển.
          Hồ Chí Minh tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời thấm nhuần truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, Người đặc biệt quan tâm đến vai trò của người phụ nữ. Qua nhiều bài nói, bài viết của Người đã khẳng định phụ nữ đã góp phần to lớn vào sự thành công của cách mạng và sự phát triển của đất nước. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người khẳng định: “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào không có đàn bà con gái tham gia. Cách mệnh Pháp có những người như cô học trò Sáclốt Coócđây rút dao đâm chết người Tể tướng hung bạo, như bà Luy Misen ra giúp tổ chức Paris Công xã. Khi Nga cách mệnh, đàn bà ra tình nguyện đi lính; sau tính lại lính cách mệnh đàn bà chết 1.854 người. Nay cách mệnh Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế, cũng vì đàn bà con gái hết sức giùm vào. Vậy nên muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước”. Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bảo vệ đất nước chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Phụ nữ Ấn Độ vùng lên trong sự đô hộ của Anh. Phụ nữ Trung Quốc tham gia cuộc cách mạng năm 1912. Phụ nữ Triều Tiên đã và đang đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc. Phụ nữ Nhật Bản đã buộc Chính phủ phải hủy bỏ đạo luật cấm phụ nữ tham gia đời sống chính trị.
          Khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ quốc tế, Người cũng khẳng định vai trò của phụ nữ Việt Nam. Người nói: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ Quốc tế chỉ bảo”. Sau này, tại lễ kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1966), Bác nói: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
          Thật vậy, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Họ đã cùng với đồng bào và nhân dân cả nước đánh đuổi chủ nghĩa thực dân, phong kiến làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khi đã giành được chính quyền, phụ nữ tham gia gánh vác công việc, họ đã giúp đỡ chiến sĩ, tăng gia sản xuất; chống nạn mù chữ; tham gia tổng tuyển cử; tham gia Tuần lễ vàng; thực hiện lối sống mới,…Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phụ nữ cả nước đã đứng lên, hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc oanh liệt 9 năm cả nước trường kỳ kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phụ nữ Việt Nam đã gan dạ tham gia giao liên, liên lạc, xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch, nuôi giấu cán bộ, bám đất, bám dân, kiên cường chiến đấu, nhiều chị em đã tham gia “Đội quân tóc dài”, đội “Nữ du kích”, “Nữ biệt động”,…làm nổi bật lên hình ảnh người phụ nữ anh hùng, bất khuất nơi tuyến đầu Tổ quốc. Bên cạnh đó, phụ nữ miền Bắc với tinh thần quyết tâm chiến đấu trở thành hậu phương vững chắc đã tham gia phong trào“Ba đảm đang”, tích cực tham gia sản xuất, đảm đang trong công việc gia đình, khuyến khích chồng con tham gia kháng chiến. Đồng thời, với ý chí quật cường “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, phụ nữ Việt Nam cũng đã tình nguyện tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến,… làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, phụ nữ Việt Nam cũng đã chung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung xây dựng đất nước. Với vai trò to lớn trên tất cả các lĩnh vực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho những người phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
          Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu thông qua Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Nữ công Nhà trường, công tác cán bộ nữ trường Đại học Sao Đỏ đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”,  “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “xây dựng văn hóa ứng xử - giao tiếp”… Công tác tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phụ nữ cũng được đẩy mạnh như: Giáo dục nâng cao kiến thức về giới, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình… Với đức tính cần cù, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cao, lao động sáng tạo, nữ cán bộ, công nhân viên trong Nhà trường luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, luôn nhiệt tình xây dựng nét đẹp văn hóa công sở, duyên dáng trong giao tiếp, thanh lịch trong cách ăn mặc, chăm sóc sức khỏe bản thân, tích cực xây dựng hình mẫu người phụ nữ hiện đại.
Nữ công nhân viên chức Nhà trường tích cực tham gia các phong trào văn hóa - thể thao
Nữ công nhân viên chức Nhà trường tích cực tham gia các phong trào thi đua
“Dạy tốt – học tốt”
Nữ cán bộ, giảng viên trong Nhà trường đạt danh hiệu nữ công xuất sắc
Kỷ niệm 109 năm ngày Quốc tế phụ nữ, gặp mặt cán bộ nữ tiêu biểu Bộ Công thương
          Ngày nay, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Với truyền thống vẻ vang, nữ cán bộ viên chức Trường Đại học Sao Đỏ luôn nỗ lực vươn lên, đoàn kết, xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng Trường Đại học Sao Đỏ ổn định và phát triển, xứng đáng với truyền thống của phụ nữ Việt Nam: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Tác giả bài viết: Ths. Đặng Thị Dung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây