Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân

Trong di sản lý luận của chủ tịch Hồ Chí Minh, có rất nhiều tư tưởng chính trị có ý nghĩa cách mạng và thời đại sâu sắc, một trong những tư tưởng quan trọng đó là tư tưởng về mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước và quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.
          Tiếp thu quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính ra lịch sử; ngay từ rất sớm, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc về vai trò của nhân dân, lấy dân làm gốc, tin tưởng vững chắc vào sức mạnh to lớn, năng lực sáng tạo của quần chúng nhân dân. Để phát huy sức mạnh của nhân dân, Hồ Chí Minh khẳng định sự cần thiết phải có vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản vì Đảng là đội tiền phong chính trị của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân và hoạt động của Đảng chỉ vì mục đích cao nhất là đấu tranh cho độc lập dân tộc và sự tự do, hạnh phúc của nhân dân nhằm mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, hòa bình, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với Đảng, nhân dân tất cả các dân tộc trên thế giới.
          Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội và nhiệm vụ của giai cấp vô sản là phải giành lấy quyền lực Nhà nước từ tay giai cấp thống trị, sau đó dùng chính quyền đã giành được để thực hiện việc xây dựng Nhà nước mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin về xây dựng Nhà nước kiểu mới, Hồ Chí Minh luôn đặt nhiệm vụ cho Đảng ta phải xây dựng một nhà nước kiểu mới mà quyền lực chính trị tập trung và thuộc về nhân dân. Ngay sau khi cuộc cách mạng tháng tám năm 1945 thành công, chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt tay vào việc tổ chức và trực tiếp điều hành hoạt động của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử nước ta. Tư tưởng của Người về xây dựng Nhà nước mới gắn bó với nhân dân được thể hiện ở việc: coi quyền lực nhà nước là thống nhất ở nhân dân và chỉ ở nhân dân. Người nói:
Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân
Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra
Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên
Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đối với lợi ích của nhân dân, Nhà nước phải có trách nhiệm chăm lo như việc ăn, ở, mặc, học hành,… hàng ngày của nhân dân vì “dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Nhà nước dân chủ là nhà nước tiến bộ nhất trong lịch sử. Dân là chủ, địa vị cao nhất trong xã hội của nhân dân. Trong thời đại ngày nay, Nhà nước dân chủ được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, theo Hồ Chí Minh, nhà nước đó phải thật sự trong sạch và sáng suốt, phải dựa hẳn vào nhân dân. Vì vậy, Nhà nước và nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Đối với chính phủ: việc gì lợi cho dân thì làm, việc gì hại cho dân phải hết sức tránh. Đối với nhân dân: phải hết lòng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ chính phủ để chính phủ làm tròn bổn phận mà nhân dân giao cho.
          Những tư tưởng cơ bản về một đảng kiểu mới, một nhà nước kiểu mới, trong đó quyền lực tối thượng thuộc về nhân dân, mà nòng cốt là liên minh công – nông – trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Hồ Chí Minh vận dụng, chỉ đạo, xây dựng thành hiến pháp năm 1946 và những năm sau hòa bình lập lại (1954) ở miền Bắc và trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự kết tinh những giá trị truyền thống với hiện đại và chủ nghĩa Mác – Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh về một Đảng kiểu mới, về nhà nước của dân, do dân và vì dân, về vai trò của quần chúng nhân dân đến nay vẫn còn nguyên giá trị cho việc định hướng chính trị trong xây dựng, củng cố sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay./.

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Thị Hảo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây