Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam

Để đánh thắng được chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, sau ngày về nước, chủ tịch Hồ Chí Minh xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng Việt Nam là thành lập được một lực lượng quân đội chủ lực, dưới sự chỉ đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944 Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, vì vậy đối với nước ta ngày 22/12 là ngày kỷ niệm có một ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà đã trở thành Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
          Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượngvũ trang nhân dân Việt Nam, là đội quân sẵn sàng chiến đấu hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
          Tên gọi "Quân đội nhân dân" là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa"từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ". Một tên khác được nhân dân yêu mến đặt cho là "bộ đội cụ Hồ".
          Tháng 12/1944, chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...". Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944. Lễ thành lập được tổ chức tại khu rừng Sam Cao nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Ban đầu gồm 34 chiến sĩ trong đó có 3 nữ với 34 khẩu súng các loại do Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung; Hoàng Sâm  được chọn làm đội trưởng; Xích Thắng, tức Dương Mặc Thạch, làm chính trị viên, Hoàng Văn Thái phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến; Lâm Cẩm Như, tức Lâm Kính, phụ trách công tác chính trị; Lộc Văn Lùng tức Văn Tiên làm quản lý.
          Ngày 15 tháng 4 năm 1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa, Bắc Giang quyết định Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sát nhập với lực lượng Cứu quốc quân do Chu Văn Tấn chỉ huy, đổi tên thành Giải phóng quân, lực lượng quân sự chính của Việt Minh để giành chính quyền năm 1945. Lễ hợp nhất được tổ chức ngày 15 tháng 5 năm 1945 tại rừng Thàn Mát, xã Định Biên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên).
          Trận đánh đầu tiên của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là trận Phay Khắt và Nà Ngần ngày 25 và 26 tháng 12 năm 1944.
          Từ năm 1945, Giải phóng quân của Việt Minh là lực lượng nòng cốt quân đội quốc gia của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để đối phó với sức ép của quân Tưởng Giới Thạch đòi giải tán quân đội chính quy Việt Minh, tháng 11 năm 1945 Việt Nam giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn, còn gọi là Vệ quốc quân. Lúc này quân số khoảng 50.000 người, tổ chức thành khoảng 40 chi đội ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Một số chi đội đã "Nam tiến" để giúp quân dân miền Nam chống lại  quân Pháp đang tấn công trở lại ở Nam Bộ.
          Ngày 22 tháng 5 năm 1946, theo Sắc lệnh 71/SL của chủ tịch Hồ Chí Minh, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu. Quân đội tổ chức biên chế thống nhất theo đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn,... Cùng với việc xây dựng quân đội quốc gia, chủ tịch Hồ Chí Minh cùng chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, lực lượng bán vũ trang, bao gồm: dân quân ở nông thôn và tự vệ ở đô thị. Lực lượng này tồn tại trên toàn quốc, nhiều đội du kích nổi tiếng và còn dư âm đến tận bây giờ, tiêu biểu như du kích Nha Trang, du kích Ba Tơ, Bến Tre...
          Ngoài lực lượng Quân đội Quốc gia Việt Nam, tại miền Nam còn có các đơn vị quân sự khác do các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và các đảng phái quốc gia như Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng chỉ huy. Trong thời kỳ 1945-1950, có những người nước ngoài đã tình nguyện tham gia chiến đấu và các ngành khác như chỉ huy, tham mưu, kỹ thuật, huấn luyện, quân y, quân giới, tuyên truyền... Nhiều người được giao trọng trách và phong quân hàm sĩ quan cao cấp. Họ đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng quân đội Việt Nam trong thời kì non trẻ.
          Năm 1949, hoàn thiện tổ chức tiểu đoàn bộ binh. Đơn vị này gồm 3 đại đội bộ binh, một đại đội hỏa lực mạnh. Có súng máy hạng nặng và súng cối.
Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.
          Lịch sử 74 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của quân đội ta gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh quân đội nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng, không ngại khó khăn, gian khổ. Được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, trưởng thành qua các thời kỳ cách mạng. Một đội quân lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã nối tiếp nhau bao thế hệ cầm súng chiến đấu, cùng toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, trong đó có các chiến thắng vĩ đại như thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thắng lợi trong cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giành lại độc lập, tự do, thống nhất và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
          Phát huy thành tích to lớn đã đạt được trong 74 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng đổi mới theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tham gia xây dựng kinh tế đất nước và thực hiện tốt hơn chức năng làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, góp phần xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới, để xứng đáng với tên gọi quân đội nhân dân Việt Nam – quân đội cụ Hồ.

Tác giả bài viết: Ths: Nguyễn Mạnh Tưởng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây