Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch vững mạnh chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ di sản tư tưởng của Người. Với Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng là một nhiệm vụ tất yếu, thường xuyên để Đảng hoàn thành vai trò chiến sĩ tiên phong trước giai cấp, dân tộc, nhân dân. Vận dụng tư tưởng của Người vào công tác xây dựng Đảng hiện nay sẽ góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.
          Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.Những nội dung trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam mà Người đề ra, nếu được toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là những người cán bộ, đảng viên nghiên cứu và học tập chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc làm cho toàn Đảng trở thành một khối thống nhất về nhận thức và tư tưởng, làm cơ sở cho sự thống nhất về hành động, đủ sức lái con thuyền cách mạng Việt Nam tiến về phía trước, vượt qua được những khó khăn thử thách.
          Công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh gồm những nội dung sau:
          Một là, Xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận: Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động
          Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Người viết: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công tác thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Trong các bài giảng huấn luyện cho cán bộ cách mạng từ năm 1925 đến năm 1927 (sau được in thành tác phẩm Đường cách mệnh) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.Nhưng, Người cũng phát hiện ra rằng “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn cán bộ, đảng viên “học tập lý luận thì nhằm mục đích để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc để tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng”.
          Hai là, thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng
          Nguyên tắc tập trung, dân chủ: Đây là nguyên tắc rường cột, quan trọng nhất để xây dựng Đảng chặt chẽ, vững chắc, phát huy được sức mạnh tổng hợp. Theo Người, “dân chủ” và “tập trung” luôn luôn đi đôi với nhau. Giữa “dân chủ” và “tập trung” có mối quan hệ khăng khít với nhau, đó là hai vế của một nguyên tắc. Thực hiện nguyên tắc này, nghĩa là phòng và chống các biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, thói hách dịch, chụp mũ, trù dập. Đồng thời cũng cần đề phòng và chống những biểu hiện của dân chủ “quá trớn”.
          Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: Người cho rằng, đây là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách cần phải luôn đi đôi với nhau.Thực hiện nguyên tắc này trong công tác xây dựng Đảng phải chú ý khắc phục những biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, đồng thời phải chống lại tình trạng dựa dẫm tập thể, khống dám quyết đoán và chịu trách nhiệm.
          Nguyên tắc tự phê bình và phê bình: Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí để rèn luyện Đảng viên nhằm làm cho mỗi người tốt hơn, tiến bộ hơn, và tăng cường đoàn kết trong nội bộ. Mục đích của tự phê bình và phê bình là để làm cho phần tốt trong mỗi người nảy nở như hoa mùa xuân, làm cho mỗi tổ chức tốt lên, phần xấu bị loại bỏ, vươn tới một sự hoàn thiện.Người cũng yêu cầu: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
          Kỷ luật nghiêm minh, tự giác: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu không có kỷ luật, “Đảng sẽ xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ”. Có kỷ luật nghiêm minh, tự giác, Đảng ta sẽ có một sức mạnh vô cùng to lớn: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ và đảng viên”. Theo Người, bên cạnh việc chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng, cần biến kỷ luật thành ý thức và hành động tự giác trong mỗi người cán bộ, đảng viên.
          Đoàn kết, thống nhất trong Đảng: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Người khẳng định: “Với sự đoàn kết nhất trí và lòng cương quyết quật cường của Đảng, của Chính phủ và của toàn dân, chúng ta nhất định khắc phục được mọi khó khăn để đi đến hoàn toàn thắng lợi”.
          Theo Người, muốn đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, tu dưỡng đạo đức cách mạng, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và các biểu hiện tiêu cực khác, phải yêu thương lẫn nhau, “sống có tình, có nghĩa”.
          Ba là, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân
          Trong một bài viết trên báo Sự thật số 120, ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định:Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
          Như vậy, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Dựa vào dân, gắn bó mật thiết với nhân dân là điều kiện tồn tại và phát triển của Đảng. Mục tiêu lãnh đạo của Đảng chính là đem lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân. Muốn vậy, Đảng phải trở thành “người đầy tớ” của nhân dân. Để tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên đi sâu vào đời sống quần chúng nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân nhưng tuyệt đối không được theo đuổi quần chúng.
          Bốn là, quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài
          Theo Người, Đảng ta cần quan tâm tới việc xây dựng, phát hiện và sử dụng cán bộ: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Tuy nhiên, Người cũng yêu cầu, “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với công việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô bô la la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí của một người cán bộ tốt, đó là người cán bộ đó phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó, đạo đức là gốc, Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
          Năm là, thường xuyên chỉnh đốn và đổi mới Đảng
          Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bởi lẽ, bên cạnh số đông đảng viên ưu tú, thì vẫn còn không ít đảng viên chưa thật sự trong sạch, vững mạnh. Chỉnh đốn để gột rửa tất cả những lỗi lầm, sai trái. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”. Người chỉ rõ: “Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp uỷ đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố đảng về tư tưởng, về tổ chức”.
          Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, bên cạnh những thời cơ mới, vận hội mới, dân tộc ta cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Vai trò lãnh đạo của Đảng càng phải được khẳng định, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cần được nâng cao hơn bao giờ hết để xứng tầm với các yêu cầu, nhiệm vụ mà lịch sử dân tộc giao phó. Đại hội XII (năm 2016), Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Sự nhấn mạnh này không chỉ đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng, còn xuất phát từ thực tiễn tình hình, từ quyết tâm giải quyết triệt để một vấn đề cấp bách hiện nay, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
          Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong giai đoạn tớicông tác xây dựng đảng cần tập trung vào các mặt sau:
          - Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị: Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
          - Tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng, lý luận: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao tính chiến đấu và hiệu quả của công tác tư tưởng. Đổi mới công tác tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
          - Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức và công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đảng viên: cần hoàn thiện công tác tổ chức, công tác cán bộ. Xây dựng Đảng về tổ chức là xây dựng hệ thống tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội) từ Trung ương đến cơ sở thật sự khoa học, tinh gọn, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, bản lĩnh và năng lực để luôn có nhận thức đúng, nhanh nhạy, sáng tạo...
          - Xây dựng Đảng về đạo đức: Trong giai đoạn hiện nay nội dung này hết sức quan trọng, vì đạo đức là một bộ phận của hình thái ý thức xã hội, đạo đức cộng sản quyết định bản chất cách mạng của Đảng Cộng sản.
          - Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng: Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ. Chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống.
           - Nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân: Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ Đảng - Dân. 
- Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí: đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là trách nhiệm và nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị. 
          Tóm lại, xây dựng Đảng là nhiệm vụ cơ bản thường xuyên, cũng là nhiệm vụ then chốt trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của toàn Đảng, toàn dân ở mọi cấp, mọi ngành và của bản thân mỗi Đảng viên, đồng thời phải có chủ trương, biện pháp thích hợp, phải tìm ra được yếu tố tác động để có biện pháp phòng ngừa và giải quyết chính xác. Đặc biệt cần có sự vận dụng linh hoạt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để công tác xây dựng Đảng đạt hiệu quả cao nhất.
 

Tác giả bài viết: ThS. Phạm Xuân Đức

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây