Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Vai trò của giáo dục và đào tạo đối với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt nam hiện nay

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh: sự tồn, vong, suy, thịnh của một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhân lực của quốc gia đó. Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, xu thế toàn cầu hóa thì điều đó lại càng trở thành một chân lý.
          Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước, Đảng và Nhà nước ta trong suốt quá trình lãnh đạo đã luôn chú ý đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó nhấn mạnh đến vai trò quan trọng hàng đầu của giáo dục và đào tạo. Bởi lẽ:
          Thứ nhất, giáo dục và đào tạo giúp cho người học có tri thức, trình độ chuyên môn, trình độ tư duy đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
          Văn kiện hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Đảng ta khẳng định: Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận ưu tú nhất của nguồn nhân lực đất nước, bao gồm những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống; có trình độ học vấn, chuyên môn cao; có sức khỏe tốt (theo độ tuổi); luôn đi đầu trong lao động, sáng tạo khoa học, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vậy sự khác nhau căn bản, thể hiện khả năng “đầu tàu”, “mũi nhọn” và vai trò nòng cốt của nguồn nhân lực chất lượng cao so với toàn bộ nguồn nhân lực đất nước là ở năng lực tư duy lý luận. Nhiệm vụ hàng đầu của giáo dục và đào tạo là trang bị tri thức và trình độ chuyên môn, trình độ tư duy cho nguồn nhân lực theo mục tiêu, yêu cầu xác định. Trên cơ sở đó, năng lực tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của người lao động cũng ngày càng phát triển.
          Thứ hai, giáo dục và đào tạo giúp cho người học phát triển và hoàn thiện nhân cách, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao thể chất đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
          Nhân cách con người được hình thành, phát triển thông qua các mối quan hệ tác động giữa con người với thiên nhiên, với xã hội, với con người, đồng thời thông qua các mối quan hệ lao động, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo…., trong đó giáo dục và đào tạo giữ vai trò chủ đạo. Giáo dục và đào tạo xác định nội dung, chương trình nhằm đào tạo nên những con người theo các giá trị, chuẩn mực nhân cách nhất định và mỗi một thời kỳ lịch sử có những giá trị cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu thời kỳ ấy.
          Thứ ba, giáo dục và đào tạo giúp cho người học có được phương pháp làm việc khoa học và khả năng thích ứng nhanh với biến đổi của môi trường làm việc
          Giáo dục và đào tạo trực tiếp bồi dưỡng cho người học phương pháp làm việc khoa học và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của môi trường làm việc. Thông qua giáo dục và đào tạo, phương pháp làm việc khoa học của người học được hình thành và từng bước nâng cao.
          Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã hết sức quan tâm, chăm lo đến công tác giáo dục và đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đảng ta luôn nhấn mạnh: giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tại hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, Đảng ta một lần nữa đặt ra yêu cầu đối với giáo dục, đào tạo: "Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo…Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)".
          Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những năm qua, giáo dục và đào tạo ở nước ta đã thể hiện rõ vai trò của mình đối với việc phát triển nguồn nhân lực. Nhờ có quá trình giáo dục, đào tạo đã tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao có tri thức, đạo đức, trình độ chuyên môn, trình độ tư duy khoa học, kỹ năng, kỹ xảo phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước, đặc biệt là trong thời đại có sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình giáo dục, đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay cũng còn những yếu kém, bất cập. Những hạn chế này cần phải được xem xét, nghiên cứu để có những đổi mới trong công tác giáo dục và đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay, như:
          Một là, đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng gắn nội dung giáo dục và đào tạo với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
          
Giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải bám sát vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thoát ly nhu cầu kinh tế - xã hội hoặc không dựa chắc vào tình hình đặc điểm, nhiệm vụ cụ thể của kinh tế - xã hội đất nước thì giáo dục và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên thiếu thiết thực, thậm chí tốn nhiều công sức, tiền của, nhưng hiệu quả lại thấp, lãng phí.
         Hai là, đổi mới phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng gắn lý luận và thực tiễn, học đi đôi với hành.
          
Mục tiêu cơ bản của giáo dục và đào tạo cần đặt ra là phát triển năng lực, nhân cách người học, lấy chất lượng làm trọng tâm nhằm chuẩn bị và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển đất nước, trước tác động ngày càng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Yêu cầu này đòi hỏi phải chuyển từ giáo dục chủ yếu là truyền thụ tri thức sang hình thành nhân cách và năng lực cho người học là chính. Đổi mới phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Muốn thực hiện được giải pháp này, đòi hỏi người giảng viên làm công tác giảng dạy trước hết cũng phải là người có phông kiến thức thực tiễn rộng, thực hành thực tiễn chuyên môn chuẩn và chuyên nghiệp để tạo niềm tin cho người học. Đồng thời cần tạo môi trường học tập thoái mái, thân thiện, tích cực để người học tự tin thao đổi, thảo luận các nội dung học tập lý thuyết cũng như thực hành thực tập tay nghề ngay tại cơ sở đào tạo.
         Ba là, đổi mới mục tiêu giáo dục và đào tạo theo hướng kết hợp giáo dục kiến thức với giáo dục đạo đức, lối sống
          
Muốn phát triển nguồn nhân lực thực sự trở thành nhân lực chất lượng cao “vừa hồng”, “vừa chuyên” thì việc kết hợp giữa mục tiêu giáo dục kiến thức với giáo dục đạo đức, lối sống là nhiệm vụ cần có sự quan tâm đặc biệt của ngành giáo dục, đào tạo. Vấn đề này không chỉ bắt nguồn từ yêu cầu tự thân của giáo dục, đào tạo mà còn từ yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của nguồn nhân lực chất lượng cao trong điều kiện mới. Để làm tốt mục tiêu này, như tác giả Phạm Đức Duy chúng ta cần phải quán triệt quan điểm: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội. Đối với việc giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho người học, cần chú ý đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị gắn với giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, đào tạo cần thấm nhuần tinh thần kế thừa có chọn lọc tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại. Hướng người học đến nhận thức đúng về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tầm quan trọng của nó trong giai đoạn mới; Phát huy và bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc với những nội dung mới phù hợp với yêu cầu mới; tạo lập giá trị mới đáp ứng đòi hỏi của điều kiện mới – sự phát triển của kinh tế tri thức, yêu cầu của toàn cầu hóa và sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phong trào; tạo môi trường cho người học được giao lưu, học tập không chỉ với các trường đại học, cao đẳng trong nước trong nước mà còn là với các trường quốc tế để nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên Việt Nam.
          Các giải pháp trên có quan hệ chặt chẽ và thống nhất với nhau, cộng lực cùng nhau nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các giải pháp này, cần được vận dụng linh hoạt, cụ thể và phù hợp trong thực tiễn, đặc biệt trong các trường đại học nhằm phát huy cao nhất vai trò của giáo dục, đào tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
 

Tác giả bài viết: TS. Phùng Thị Lý

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây