Vai trò của quần chúng nhân dân trong thành công của cách mạng tháng 8 năm 1945
- Thứ bảy - 11/08/2018 08:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 đã dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quyết định nhất vẫn là: “sức mạnh của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Sức mạnh đó đã được Đảng ta phát huy để trở thành sức mạnh nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và kẻ xâm lược, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, các Triều đại của dân tộc ta đã biết khơi dậy lòng yêu nước, tập hợp nhân dân tạo thành lực lượng có sức mạnh vô cùng lớn để chống thiên tai, địch họa, giữ vững sự trường tồn của dân tộc. Để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của các thế lực xâm lược. Phát huy tinh thần đó Đảng ta đã vận dụng sáng tạo truyền thống của dân tộc và thấm nhuần sâu sắc, vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng vào cách mạng nước ta một cách phù hợp với thực tiễn. Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã nhận thức rõ sứ mệnh lịch sử mà dân tộc giao phó: Lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Thực hiện sứ mệnh cao cả đó, Đảng ta đã chú trọng công tác tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa trên nền tảng khối liên minh công - nông vững chắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc đã được phát huy cao độ đặc biệt trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945 đập tan chế độ thực dân, phong kiến, xây dựng nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Để huy động sức mạnh của toàn dân tộc Đảng ta đã chủ động tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân thành lập Mặt trận Việt Minh. Ngay sau đó các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh như: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc đã được thành lập và phát triển nhanh chóng ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong lúc cao trào kháng Nhật đang sục sôi khí thế thì nạn đói đang diễn ra nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Đảng lại kịp thời đưa ra khẩu hiệu: “Phá kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói”. Khẩu hiệu hợp lòng dân đó đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng, đưa hàng triệu quần chúng vào cao trào khởi nghĩa, đánh đổ chính quyền phát xít và tay sai.
Đúng như nhận định của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, ngày 14-8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến. Đảng ta đã phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Đáp lại lời kêu gọi đó, đồng bào cả nước đã đồng loạt đứng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền ở khắp các địa phương mà khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội là một điển hình về phát huy sức mạnh của nhân dân. Để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, tại Hà Nội đã tổ chức hoạt động quyên góp, ủng hộ quỹ mua vũ khí, thuốc chữa bệnh... được đông đảo công nhân hưởng ứng; thậm chí, một số cai, ký cũng tìm đến Việt Minh.
Đến sát ngày khởi nghĩa, tổ chức Công nhân cứu quốc đã có hàng trăm hội viên chính thức và hàng vạn quần chúng cảm tình sẵn sàng hành động theo lời kêu gọi của Việt Minh. Cuối tháng 7, đầu tháng 8-1945, cao trào chống Nhật, cứu nước do Đảng lãnh đạo dâng lên mạnh mẽ ở nhiều nơi. Tự vệ Cứu quốc đã nắm lấy tổ chức Thanh niên bảo an do Nhật lập ra, để hoạt động... Sôi nổi nhất là phong trào không nộp thuế, nộp thóc cho phát xít Nhật và chính quyền bù nhìn; phong trào phá kho thóc của Nhật; cảnh cáo bọn Việt gian, thuyết phục nhà giàu, kỳ hào, hương lý lấy thóc cứu đói,...
Để trừng trị một số tên Việt gian phản động làm mật thám cho Nhật, cảnh cáo bọn chạy theo Nhật, Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo thành lập Đội trừ gian (tháng 4-1945). Đội có những hoạt động tích cực, phối hợp với tự vệ chiến đấu, trừng trị những phần tử tay sai đắc lực của Nhật, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong khí thế cách mạng của quần chúng lên cao chưa từng thấy, công tác binh, địch vận đã lôi cuốn cả một bộ phận cảnh sát và bảo an ngả theo cách mạng. Cuộc “phản mít tinh” ngày 17-8 biến thành cuộc tuần hành thị uy trên đường phố của hàng vạn quần chúng Hà Nội với khí thế cách mạng chưa từng thấy đã làm cho phát xít Nhật bối rối không dám can thiệp, quân đội của chúng án binh bất động. Sau Hà Nội nhân dân các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá... cũng đã đồng loạt đứng lên, càng góp phần thúc đẩy phong trào chuẩn bị khởi nghĩa và khởi nghĩa ở các địa phương trên cả nước một cách mạnh mẽ.
Sáng ngày 19-8, Hà Nội chìm trong màu sắc đỏ rực của cờ cách mạng. Theo kế hoạch đã định, hàng vạn nông dân và dân nghèo được tập hợp thành đội ngũ kéo về trung tâm thành phố. Sau đó, cuộc mít tinh khổng lồ của gần 20 vạn người chuyển thành biểu tình thị uy của quần chúng, có các đơn vị tự vệ, tuyên truyền xung phong dẫn đầu, chia thành hai khối lớn chiếm các vị trí theo kế hoạch đã định. Một khối quần chúng chiếm phủ Khâm sai, đã giành được thắng lợi mau lẹ, một khối chiếm trại bảo an, lực lượng tự vệ nhanh chóng chiếm các vị trí quan trọng trong trại. Chúng ta thực hiện đấu tranh vừa kiên quyết vừa mềm dẻo và trước áp lực của quần chúng, đến 5 giờ chiều ngày 19-8, quân Nhật buộc phải rút lui khỏi Hà Nội. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội nhanh chóng lan ra khắp cả nước và cách mạng tháng 8 đã đã giành thắng lợi. Qua đó chứng minh chân lý đã được chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định: “quần chúng là người làm nên lịch sử”.
Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ-Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội ngày 19-8-1945 (Nguồn Báo Hà Nội mới)
Cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra trong điều kiện thuận lợi đó là thời cơ đã chín muồi. Tuy nhiên, chính khí thế của quần chúng, biểu hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc đã làm cho các thế lực phản động khiếp sợ. Sức mạnh của nhân dân trong cách mạng tháng 8 là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức thành một đội quân chính trị và vũ trang, với quyết tâm một lòng đấu tranh giành lại chính quyền đưa nước ta ra khỏi cuộc đời nô lệ, cả dân tộc đi lên CNXH.
Như vậy, có thể khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi đã mở ra một thời đại mới cho dân tộc ta – thời đại đấu tranh giữ vững chính quyền, thống nhất, độc lập, cả nước tiến lên CNXH. Thắng lợi ấy có nhiều nguyên nhân, xong vai trò của quần chúng vẫn là một bài học vô cùng to lớn, nó khẳng định trong mọi thời kỳ sức mạnh của quần chúng nhân dân là sức mạnh vô địch dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là một bài học kinh nghiệm quý báu để Đảng và dân tộc ta tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thành công trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975). Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay Đảng ta cần tiếp tục vận dụng phù hợp vào điều kiện mới, nhằm thực hiện thắng lợi cách mạng XHCN ở Việt Nam hiện nay./.