Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Vận dụng tư tưởng “Học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dạy và học ở các trường đại học hiện nay

   Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc học tập. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập vào tháng 5 năm 1950, Người cho rằng: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy” [1; tr 361]. “Học” phải đầy đủ, toàn diện, sát thực tế; “Hành” phải linh hoạt, mềm dẻo. Người đã chỉ ra một cách cụ thể về việc vận dụng phương thức học đi đôi với hành. Đối với mỗi người “Ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo,...có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày. Đó là học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến...” [2; tr 527-528].
0311 bac Ho
   Quá trình dạy học trong các trường đại học là hoạt động nhận thức và thực hành của sinh viên do giảng viên tổ chức, điều khiển và hướng dẫn theo mục tiêu, chương trình của nhà trường xác định. Trong thời gian qua, quán triệt và thực hiện tư tưởng “Học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các trường đại học đặc biệt chú trọng đổi mới quá trình dạy và học theo hướng gắn lí thuyết với thực hành, lí luận với thực tiễn. Phần lớn giảng viên đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc tư tưởng đó trong mỗi bài giảng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhờ đó, đa số sinh viên đã có những chuyển biến tích cực trong quá trình học tập, rèn luyện, xác định đúng đắn động cơ, mục tiêu, thái độ và phương pháp học tập. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì một trong những điểm yếu của quá trình dạy học ở các trường đại học hiện nay là: nội dung còn mang nặng tính hàn lâm, phương pháp còn coi nhẹ tính thực hành; một số sinh viên chưa tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, chưa nỗ lực cao trong học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện; mức độ chuyển biến tiến bộ trong học tập và rèn luyện chậm, kết quả học tập còn hạn chế, thiếu bền vững. Đáng chú ý là, một bộ phận sinh viên chỉ học để thi, hoặc để có kết quả cao, tốt nghiệp khá giỏi cho dễ xin việc; đến trường, đến lớp cho “có lệ”, để điểm danh, để không phải học lại môn vì lí do “không bảo đảm thời gian học tập”. Ngoài thời gian ở trên lớp, sinh viên đi làm thêm, đi chơi, ít có sinh viên dành thời gian tự học, tự nghiên cứu, tự đào sâu suy nghĩ, tự rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp… Họ thiếu sự hứng thú, thiếu niềm say mê, không có sự khát khao khám phá chân trời tri thức, tìm tòi, sáng tạo nâng cao trình độ, năng lực. Kết quả là: một bộ phận sinh viên tốt nghiệp ra trường có trình độ, năng lực hạn chế, nhất là năng lực thực hành chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, mức độ hoàn thành nhiệm vụ không cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo của các nhà trường và chất lượng, hiệu quả công việc mỗi cá nhân cũng như các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Vì vậy, các nhà trường cần quán triệt sâu sắc tư tưởng “Học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tất cả các khâu, các bước của quá trình giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.
   Để vận dụng tư tưởng “Học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình dạy học, các trường đại học hiện nay cần nâng cao hiệu quả việc thực hiện một số giải pháp sau:
   Một là, nhà trường cần tiếp tục tập trung đổi mới về cách thức dạy và học theo hướng “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học... Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kĩ năng của người học” [3; tr 120]. Giảng viên cần chuyển từ vai trò người “truyền thụ kiến thức” sang vai trò người “dạy cách học”; người trực tiếp tổ chức hoạt động giáo dục, đào tạo. Mỗi giảng viên cần chuyển từ phương pháp giảng giải, “độc thoại” là chủ yếu sang sử dụng chủ yếu phương pháp tổ chức, dẫn dắt, định hướng quá trình học tập của người học và thúc đẩy động cơ, truyền cảm hứng cho người học, làm cho người học tự giác cao độ về việc học tập, tự tìm kiếm kiến thức bằng suy nghĩ, hành động của bản thân. Giảng viên trở thành người “đạo diễn”, “bạn đồng hành” “bình đẳng” cùng học trò trong quá trình đi tìm chân lí. Việc đổi mới cách thức giảng dạy của giảng viên sẽ buộc sinh viên phải thay đổi cách thức học tập, tăng cường hoạt động tự học, chuyển từ học thụ động sang tự học chủ động, phát triển năng lực của mình; tập trung đổi mới cách dạy của giảng viên, cách học tập của sinh viên; biến quá trình dạy học thành tự học, quá trình đào tạo thành tự đào tạo để phát triển năng lực của sinh viên, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
z4910315864274 bd5b0de9f18e838c03f48792fe7393f4
Sinh viên Trường ĐH Sao Đỏ tham gia tự học tại thư viện trường
   Hai là, nhà trường cần tăng cường dạy học thực hành và tập luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Việc học nắm vững lí thuyết chỉ là để biết, để nhận thức đúng bản chất hiện tượng, sự kiện. Vấn đề quan trọng hơn là cần hình thành các kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên để họ hành động cải tạo, phát triển trong hoạt động thực tiễn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Do đó, nhà trường cần tăng tỉ trọng thực hành trong chương trình đào tạo và từng môn học; tăng cường các hình thức và phương pháp dạy học thực hành, nhất là đưa sinh viên vào thực hành xử lí các tình huống thực tiễn trong quá trình dạy học thông qua bài tập tình huống. Mỗi sinh viên cần chuyển từ lối tư duy học để biết, để hiểu sang học để làm; từ cách học thụ động “thầy nói sao trò biết vậy” sang cách học chủ động, tích cực, sáng tạo, tự sinh viên phải tìm ra tri thức, tìm ra chân lí dưới sự hướng dẫn, tổ chức, giao nhiệm vụ của giảng viên.
z4748289677309 caff09c4b2f44d2abc36d2438fbf4ff8 1
SV thuyết trình theo chủ đề được giao nhiệm vụ
   Ba là, nhà trường cần đặc biệt coi trọng sử dụng, ứng dụng các phương tiện kĩ thuật, thiết bị dạy học hiện đại, góp phần phát triển năng lực thực hành cho sinh viên.
2
Sinh viên Khoa Ô tô trong giờ thực hành tại Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật Toyota - Trường Đại học Sao Đỏ
   Bốn là, nhà trường cần tăng cường đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên, nhằm đánh giá khách quan, chính xác kết quả học tập của họ trong từng môn học và trong toàn khoá học. Bộ phận quản lý chất lượng của nhà trường cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, các khâu, các bước trong quá trình giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
   Tư tưởng “Học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thành quả chắt lọc tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, có ý nghĩa lí luận và thực tiễn sâu sắc trong chỉ đạo sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người Việt Nam. Quán triệt và vận dụng tư tưởng đó, đòi hỏi cần sử dụng đồng thời các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường đại học. Mỗi giảng viên, sinh viên cần có nhận thức, thái độ và phương pháp đúng đắn trong dạy và học; thực sự coi việc học tập và làm theo tư tưởng “Học đi đôi với hành” của Bác Hồ là con đường đúng đắn để việc dạy, việc học của mỗi cá nhân có hiệu quả hơn.
   Tài liệu tham khảo
1. Ban Bí thư Trung ương Đảng (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.
2. Ban Bí thư Trung ương Đảng (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật.

Tác giả bài viết: TS. Phùng Thị Lý

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây