Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Việt Nam nâng cao vai trò trong khối các nước Đông Nam Á

ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực liên Chính phủ bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á ( thêm 5 nước là Brunei, Campuchia, Lào, Miama và Việt Nam). Ngày 28/7/1995 Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp vô cùng tích cực
          Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) ra đời đáp ứng đòi hỏi sự vận động của thực tiễn chính trị khu vực và tác động của bối cảnh quốc tế trong nửa cuối thập niên 60 thế kỷ XX: Nội bộ các nước Đông Nam Á diễn biến phức tạp, cuộc chiến tranh ở Việt Nam - Đông Dương diễn ra ác liệt, nước Anh rút khỏi phía Đông Kênh Xuy-ê, Tổng thống Pháp tuyên bố “trung lập hóa Đông Nam Á”. Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc tác động đến nhiều nước Đông Nam Á, Liên Xô tích cực vận động để hình thành hệ thống an ninh châu Á. Trước tình hình đó, một số nước đã chuyển hướng liên kết với nhau và dẫn đến việc thành lập ASEAN vào ngày 8/8/1967 tại Băng Cốc (Thái Lan) gồm 5 thành viên đầu tiên: Inđônêxia, Malaixia, Singapore, Thái Lan, Philíppin.
          Mục tiêu của Hiệp hội được xác định là: thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực; thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực bằng việc tôn trọng công lý và nguyên tắc pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc; thúc đẩy cộng tác tích cực và giúp đỡ lẫn nhau trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, kỹ thuật, khoa học và hành chính; duy trì sự hợp tác chặt chẽ và cùng có lợi với các tổ chức quốc tế và khu vực có những mục tiêu giống nhau; giúp đỡ nhau dưới nhiều hình thức đào tạo và cung cấp các phương tiện nghiên cứu trong các lĩnh vực giáo dục, chuyên môn, kỹ thuật; cộng tác có hiệu quả hơn để sử dụng tốt hơn nền nông nghiệp và các nghành công nghiệp của nhau, mở rộng mậu dịch, cải thiện các phương tiện giao thông, liên lạc và nâng cao mức sống của nhân dân. ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận ở mọi cấp và về mọi vấn đề; ba năm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh một lần; bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng kinh tế mỗi năm họp một lần; ủy ban thường trực ASEAN luân phiên dưới sự chủ tọa của bộ trưởng ngoại giao nước đăng cai hội nghị. Ban thư ký thành lập năm 1976, đặt trụ sở ở Giacácta ( Inđônêxia) do một quan chức cấp bộ trưởng được Hội nghị thượng đỉnh bổ nhiệm làm Tổng thư ký thường trực đứng đầu với nhiệm kỳ 5 năm. Ngoài ra, ASEAN còn ba ủy ban hợp tác chuyên ngành (Khoa học-kỹ thuật, văn hóa thông tin, phát triển xã hội) và hai cơ quan hợp tác về môi trường và ma túy.
          Qua quá trình phát triển, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực liên Chính phủ bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á ( thêm 5 nước là Brunei, Campuchia, Lào, Miama và Việt Nam). Ngày 28/7/1995 Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp vô cùng tích cực:
          Thứ nhất, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy kết nạp các nước Lào, Miama và Campuchia vào ASEAN, đưa ASEAN trở thành tổ chức đại diện cho toàn khu vực. Từ đó đã chấm dứt thời kỳ chia rẽ giữa các nhóm nước, đồng thời mở ra giai đoạn hợp tác hữu nghị cùng phát triển ở khu vực.
          Thứ hai, tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội tháng 12/1998. Góp phần quan trọng vào việc đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác giữa các nước ASEAN.
          Thứ ba, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 và ARF, tổ chức và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 34, Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 8…đã đạt được những kết quả quan trọng, đưa ra những quyết sách phù hợp với lợi ích của khu vực.
          Thứ tư, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực. Việt Nam cùng các nước trong ASEAN đã ký với Trung Quốc tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (2002).
           Thứ năm, từng bước chủ động và tham gia tích cực, hiệu quả trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành của ASEAN, từ hợp tác kinh tế đến khoa học - công nghệ, môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa - thông tin…như: Tuần lễ khoa học và công nghệ ASEAN(1998), Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN(1998), Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN(2000), Hội nghị tay nghề ASEAN(2004)…
          Bên cạnh đó, khi tham gia ASEAN đã giúp nước ta củng cố môi trường hòa bình, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, tăng cường vị thế của nước ta trên trường quốc tế. ASEAN là thị trường xuất nhập khẩu và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tiên của nước ta, do vậy nước ta có được nhiều đối tác quan trọng, thiết lập được khu vực mậu dịch tự do, thúc đẩy thương mại và đầu tư, kết nối tốt hơn với các nền kinh tế phát triển trong và ngoài khu vực; tạo ra được nhiều cơ chế hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với nhiều chương trình, dự án hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho nước ta. Đồng thời, tham gia ASEAN đã đem lại động lực thúc đẩy cải cách trong nước, phát triển nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ trong công tác đối ngoại…tạo dựng được nền tảng vững chắc cho các bước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
          Như vậy, trong quá trình tồn tại và phát triển, ASEAN đã trở thành một hiện tượng có sức hấp dẫn bởi tính năng động, ổn định, liên tục tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao…Việt Nam tham gia ASEAN đã có những đóng góp tích cực cho Hiệp hội đồng thời cũng đã nâng vị thế của Việt Nam lên tầm cao mới trong khu vực và thế giới.

Tác giả bài viết: Đặng Thị Dung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây