Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Xây dựng gia đình văn hoá mới trong quá trình tiến lên CNXH ở Việt Nam hiện nay

Xây dựng gia đình văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng con người, xây dựng xã hội văn minh hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Trong chiến lược xây dựng CNXH ở nước ta hiện nay việc xây dựng gia đình văn hóa mới có ý nghĩa rất quan trọng. Hướng đến ngày gia đình Việt Nam 28/6, tác giả xin có một số trao đổi:
          Gia đình phát triển bền vững không chỉ là niềm hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà mà còn là nhân tố quan trọng góp phần giữ gìn sự phát triển lành mạnh, an toàn của xã hội và sự ổn định dân số của mỗi quốc gia. Gia đình văn hóa được đề ra để mỗi thành viên trong gia đình có sự cố gắng, nỗ lực trong mọi hoạt động, thay đổi trong tư duy và nhận thức để sống tốt hơn và có ích hơn. Từ đó xã hội mới ổn định và phát triển được. Có thể nói gia đình hạt nhân là những tế bào để hình thành nên một xã hội, một cộng đồng lớn. Gia đình có vai trò quan trọng và quyết định trực tiếp đến việc xây dựng và ảnh hưởng không nhỏ đến từng cá nhân. Gia đình là nơi nuôi dưỡng và giáo dục mỗi con người sống có ý thức, có đạo đức và có cống hiến cho xã hội. Xây dựng gia đình văn hóa từ lâu đã là một phong trào thi đua không chỉ giữa các gia đình mà còn trong các địa phương với nhau. Để xây dựng gia đình văn hóa thì mỗi cá nhân trong một gia đình phải sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội, bài trừ những hiện tượng xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Đặc biệt mỗi người cần thực hiện các nếp sống văn minh, thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội, làm những việc trong khả năng của mình để giúp ích cho gia đình, cộng đồng xung quanh.
          Xây dựng gia đình văn hóa không phải là việc chạy theo những lối sống mới, tân thời và bỏ quên những giá trị cũ. Xây dựng gia đình văn hóa cũng là việc phát huy tốt những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống từ bao năm nay, đi đôi với việc tiếp thu có nhận thức những phong trào, những xu hướng mới có chất lượng và có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng xã hội. Tiêu chuẩn của gia đình văn hoá gồm có:
          - Gia đình ấm no, hoà thuận, tiến bộ, khoẻ mạnh và hạnh phúc: Gia đình có kinh tế ổn định, hoà thuận có kỷ cương nề nếp, không có người mắc các tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn thuần phong mỹ tục, không sử dụng văn hoá phẩm thuộc loại cấm lưu hành, trẻ em đang độ tuổi đi học đều được đến trường, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học trở lên.
          - Các thành viên trong gia đình chăm lo rèn luyện sức khoẻ, giữ gìn vệ sinh và phòng bệnh.
          - Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân: Các thành viên trong gia đình thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và nếp sống văn hoá nơi công cộng.
          - Thực hiện kế hoạch hoá gia đình: Mỗi cặp vợ chồng sinh con không vi phạm chính sách kế hoạch hoá gia đình. Có kế hoạch phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, có kế hoạch tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm.
          - Đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư: Đoàn kết với cộng đồng dân cư, tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, khi khó khăn, hoạn nạn, tham gia hoà giải các mối quan hệ bất đồng trong địa bàn dân cư, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện nhằm xây dựng địa bàn dân cư ổn định, vững mạnh; vận động các gia đình khác cùng tham gia.
          Tuy nhiên, khi mặt trái của cơ chế thị trường cùng những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài tác động đến con người, trong tình hình hiện nay với lối sống thực dụng tôn thờ đồng tiền, các sản phẩm văn hóa độc hại bên ngoài tràn vào cùng với các tệ nạn xã hội đang tiến công mạnh mẽ vào các gia đình. Từ đó, tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục, nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng. Nhiều giá trị đạo đức gia đình đang xuống cấp. Các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha và đại dịch HIV/AIDS đang len lỏi thâm nhập vào các gia đình,... Ðặc biệt, bạo lực gia đình đang là vấn đề nổi cộm. Do đó, việc xây dựng gia đình văn hóa bền vững, hạnh phúc càng trở nên cấp bách. Bởi vì, gia đình là tế bào của xã hội, tế bào ấy có lành mạnh thì xã hội mới phát triển tốt đẹp. Nhận thức rõ vai trò to lớn của gia đình trong việc xây dựng con người, xây dựng xã hội mới Ðảng và Nhà nước đã khẳng định xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của thời đại. Chính phủ hiện đang xây dựng chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2020, thực hiện đề án Phát triển gia đình Việt Nam bền vững, ban hành các luật, các chính sách đối với gia đình.
          Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã có từ những năm 60 của thế kỷ XX, đến nay đã lan rộng khắp cả nước. Từ thực tế phong trào cho thấy, chỉ có phát huy tốt những giá trị của gia đình truyền thống, phong trào mới đi vào chiều sâu và có chất lượng, thật sự lôi cuốn nhiều gia đình tham gia. Từ đời này sang đời khác, ông cha ta đã tạo dựng một nền nếp gia phong như con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng chung thủy, anh em đoàn kết thuận hòa,... Ðó có thể xem là tinh hoa văn hóa của dân tộc. Gia phong đã trở thành nội dung cốt lõi của việc xây dựng gia đình văn hóa, từ đó gia đình mới trở thành một tế bào xã hội khỏe khoắn, lành mạnh, thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng  và bảo vệ Tổ quốc. Ở các tỉnh, thành phố, số lượng Gia đình văn hóa đạt tỷ lệ khá cao, thường là 50%, mặc dù đâu đó vẫn còn hiện tượng hình thức chủ nghĩa, chưa đúng thực chất. Các cuộc liên hoan, gặp mặt những Gia đình văn hóa toàn quốc và các địa phương thường xuyên được tổ chức đã thật sự nêu tấm gương sáng cho các gia đình và cho cộng đồng. Ở đó, gia đình nhiều thế hệ sống đầm ấm hạnh phúc, nuôi dạy con cháu thành đạt, giúp nước, giúp dân, các tấm gương hiếu đễ, tình nghĩa thủy chung, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Ở đó xuất hiện những giá trị nhân văn mới như bình đẳng trong gia đình, trong quan hệ vợ chồng, cha mẹ với con cái, hôn nhân tiến bộ cùng tồn tại bên trong nền nếp gia phong. Ðó là những bông hoa tươi đẹp trong bức tranh toàn cảnh gia đình Việt Nam.
Gia đình
Xây dựng gia đình văn hóa là động lực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội (nguồn Báo An ninh Hải Phòng)
          Như vậy, việc xây dựng Gia đình văn hóa đang đứng trước những thách thức lớn đòi hỏi không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động với phương châm xây đi đôi với chống và lấy xây làm chính. Trước hết, mỗi người cần nhận thức sâu sắc vai trò ý nghĩa của việc xây dựng gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình phải phát huy tốt những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống, giữ vững gia phong, làm tốt việc giáo dục con cái, trong đó người lớn luôn luôn gương mẫu để gia đình phát triển sức mạnh nội sinh, trở thành thành lũy ngăn chặn tiêu cực từ bên ngoài ùa vào.
          Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn cầu hóa hiện nay, Đảng ta càng nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của gia đình với tư cách là “tế bào” vững chắc của xã hội, là môi trường lành mạnh để xây dựng nguồn lực con người; coi xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Với tinh thần, nhận thức và biện pháp đó, chúng ta hy vọng trong thời gian tới vị trí, vai trò của gia đình ngày càng được khẳng định và các gia đình Việt Nam ngày càng “khỏe mạnh” hơn để giữ vững nền tảng xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đà cho Việt Nam “cất cánh” nhanh và bền vững./.

Tác giả bài viết: Phạm Thị Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây