Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên Việt Nam hiện nay theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh được Unesco tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Người là tấm gương sáng, mẫu mực về tác phong, đạo đức, lối sống thanh cao, giản dị... Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nhằm xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay là việc làm thiết thực giúp sinh viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, lối sống để trở thành những người có đức, có tài, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, bền vững.

          Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lối sống văn hóa được thể hiện trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt hàng ngày như cách ăn mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc… Cốt lõi của lối sống văn hóa là thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, tiến bộ. Đó là lối sống nhằm phát huy cao độ những giá trị tốt đẹp, bền vững của ông cha ta để lại như lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết cộng đồng, đức tính cần cù, giản dị, coi trọng đạo lý, nghĩa tình…

         Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống văn hóa mới, trong rất nhiều văn kiện của Đảng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Trong rất nhiều văn kiện của Đảng qua các thời kỳ, đặc biệt đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, xem đây là đối tượng quyết định tương lai của đất nước, cần được giáo dục, bồi dưỡng toàn diện. Nội dung trong giáo dục, bồi dưỡng con người nói chung, thế hệ trẻ nói riêng, đó là “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”. Những quan điểm, đường lối của Đảng là những định hướng quan trọng trong xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viêntrong giao đoạn hiện nay.

           Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, các thế hệ sinh viên Việt Nam đã thể hiện vai trò xung kích trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Sự tác động của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay một mặt, tác động tích cực đến việc làm thay đổi lối sống khép kín sang lối sống cởi mở, năng động, tự lập, dám chịu trách nhiệm,…. Song cũng từ tác động đó, một bộ phận sinh viên bước chân vào giảng đường cao đẳng, đại học tỏ ra không quan tâm đến bài vở, họ muốn bù đắp lại khoảng thời gian không được “thoải mái tự do” ở phổ thông. Một số sinh viên bỏ học, ký nợ để “sống chung” với game, lô đề, cờ bạc, ăn chơi xa đọa, rượu chè, thậm chí cả hút, chích,… Hiện tượng “sống thử” cũng đang tồn tại khá phổ biến trong đời sống sinh viên…. Thực trạng trên đang đặt ra vấn đề cần thiết phải xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên để họ thực sự trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước.

          Để xây dựng lối sống văn hóa mới cho sinh viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sinh viên cần học tập, thấm nhuần tư tưởng văn hóa của chủ tịch Hồ Chí Minh và tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện, như:

         Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên. Tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đẩy mạnh hoạt động dạy và học kỹ năng mềm cho sinh viên. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Đảng và Bác Hồ, các gameshow với các chủ đề liên quan đến giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên, tổ chức các buổi tọa đàm, mời các chuyên gia về nói chuyện chuyên đề… Đẩy mạnh các hoạt động “về nguồn” cho sinh viên, như cho sinh viên tham quan các di tích lịch sử, nhà bảo tàng, đặc biệt là những địa danh gắn liền với các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc để sinh viên hiểu thêm về truyền thống vẻ vang của dân tộc, phát huy truyền thống đó trong điều kiện mới hiện nay.

         Thứ hai, tạo môi trường giúp sinh viên tập trung học tập, nghiên cứu khoa học và phát triển tài năng, như: Xây dựng và đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ ngành học, môn học. Tổ chức kỳ thi Olympic các môn khoa học, cuộc thi nghiên cứu khoa học và sáng tạo khoa học công nghệ, tổ chức các cuộc thi robocon giữa các khoa trong nhà trường. Tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú lành mạnh cho sinh viên qua các sân chơi, như các hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ, Thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ sống đẹp”, “Sống và làm việc theo pháp luật”; xây dựng chế độ tự quản trong sinh viên, đăng ký thực hiện các quy chế về nếp sống văn hóa, lành mạnh trong nhà trường, trong ký túc xá trên địa bàn mà sinh viên đang cư trú, xây dựng phong trào thi đua: phòng sạch, đẹp, văn minh cho sinh viên nội trú. Tổ chức và rèn luyện cho sinh viên tinh thần đọc sách, như cuộc thi: “sách với sinh viên”, phong trào: “mỗi tuần một cuốn sách”,…Đẩy mạnh các hoạt động xã hội thiện nguyện trong sinh viên. Các hoạt động này cần tập trung vào việc chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ gia đình thương binh liệt sĩ, những người tàn tật khó khăn, ủng hộ đồng bào lũ lụt,….

          Xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên không phải là công việc của một cá nhân, một tổ chức, mà là mục tiêu cả của dân tộc, do vậy cần có chiến lược, thực hiện tốt tổng thể những giải pháp nhằm thúc đẩy việc xây dựng lối sống văn hóa cho sinh viên đáp ứng đòi hỏi của xã hội, phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi và nhu cầu của chính sinh viên, từ đó sẽ phát huy tối đa sức mạnh của các giá trị truyền thống dân tộc, tạo nền tảng vững chắc để sinh viên đủ trí tuệ, bản lĩnh tiếp nhận và chuyển hóa các giá trị truyền thống dân tộc cũng như tinh hoa của nhân loại trong xây dựng lối sống, giúp sinh viên khẳng định được giá trị của bản thân, phấn đấu vì tương lai tươi sáng của đất nước.

Tài liệu tham khảo

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.2.

Tác giả bài viết: TS. Phùng Thị Lý

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây