Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Chọn ngành - Yếu tố quyết định công việc sau khi ra trường của học sinh, sinh viên

Trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ 4.0 phát triển rất mạnh mẽ đang có ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó giáo dục nghề nghiệp chịu sự tác động không nhỏ trong xu hướng và sự tác động ấy. Điều này đòi hỏi cần có những định hướng phù hợp cho học sinh, sinh viên có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, bởi điều này có yếu tố quyết định công việc sau khi ra trường của các em.
          Những năm gần đây các phương tiện thông tin truyền thông luôn đưa ra con số tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp luôn ở mức cao, điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới yếu tố lựa chọn học tập của học sinh sau tốt nghiệp THPT. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng đào tạo không có sự định hướng và nhu cầu thực tiễn của xã hội những năm vừa qua. Trong khi các ngành kỹ thuật luôn có nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng thì số lượng được đào tạo lĩnh vực này chưa đủ đáp ứng, bên cạnh đó chất lượng của một số cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, họ mới chỉ tập trung mở rộng quy mô đào tạo của mình.
          Theo kinh nghiệm của các nước phát triển đi trước, giai đoạn đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa các quốc gia này luôn chú trọng phát triển sản xuất thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, khi đó nhu cầu về đội ngũ chuyên gia, kỹ sư khối ngành kỹ thuật rất lớn. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của Việt Nam hiện nay, khi khu vực kỹ thuật luôn cần một lực lượng lao động rất lớn. Tuy nhiên, trong thực tiễn quá trình đào tạo khối ngành kỹ thuật như: Cơ khí chế tạo, tự động hóa, hàn công nghệ cao, công nghệ ô tô, công nghệ may, điện điện tử,... thường không phải khối ngành mà học sinh sau khi tốt nghiệp THPT lựa chọn nhiều. Điều này cho thấy sự lựa chọn của học sinh và các bậc phụ huynh vẫn muốn con em mình lựa chọn các ngành khoa học xã hội – nhân văn, khối ngành kinh tế - xã hội, vẫn biết các khối ngành này rất quan trọng đối với sự phát triển chung, song nhu cầu thực tiễn công việc là không nhiều do đó dễ hiểu khi một số lượng không nhỏ sinh viên sau khi ra trường không thể tìm được việc làm. Cùng với đó xu hướng thích sĩ diện, chạy theo xu hướng “Oai” khi con học tại các trung tâm lớn chứ chưa quan tâm tới ngành nghề của các em theo học có phù hợp với xu hướng và nhu cầu của xã hội hay không, đây là một thực tế dẫn đến số lượng sinh viên không có việc là sau khi ra trường luôn ở mức cao như những năm vừa qua.
          Trong những năm qua học sinh, phụ huynh học sinh luôn có cái nhìn chưa đúng và chưa phù hợp về các trường Đại học xa trung tâm do đó họ chưa thấy những lợi thế của các trường này, như trường Đại học Sao Đỏ với định hướng phát triển của lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm tới chất lượng đào tạo, đưa sinh viên thực tế tại các cơ sở sản xuất để nâng cao tay nghề, làm quen với thực tế sản xuất. Do đó, sinh viên trường này luôn có  tỷ lệ việc làm rất cao sau khi ra trường. Điều này được thể hiện qua kết quả thẩm định của đoàn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp ra trường đã và đang đi làm và số sinh viên chưa có việc làm để có những biện pháp phù hợp.
          Theo đó, sinh viên nhà trường có việc làm trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp theo từng ngành đào tạo như: Các ngành cơ khí chế tạo, tự động hóa, hàn công nghệ cao, công nghệ ô tô, công nghệ may, điện điện tử,... có việc làm đạt từ 85 - 90%. Mới đây nhất tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của sinh viên Đại học khóa 6 và Cao đẳng khóa 12 vừa tốt nghiệp ra trường tháng 7 năm 2018 cho thấy các em học khoa Cơ khí ra trường có việc làm ngay chiếm tới trên 95%, trong khi các em các ngành CN May và thời trang, Ôtô, Điện, Điện tử, Công nghệ thông tin, Việt Nam học, Ngôn ngữ Trung, Thực phẩm và hóa học, Điện, Tự động hóa, Cơ điện tử,... có việc làm ngay sau khi ra trường cũng từ 70% - 75% trở lên.
          Để có được kết quả như vậy lãnh đạo nhà trường đã có sự cam kết với xã hội và người học về xây dựng chương trình các ngành học gắn với nhu cầu nhân lực thực tế của vùng, địa phương và thị trường lao động, đẩy mạnh chính sách đào tạo gắn kết trực tiếp với nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Thậm trí ngay từ cuối năm thứ nhất với ngành Cao đẳng (Đào tạo 2 năm) và năm thứ 2 Đại học các em sinh viên đã được đi trải nghiệm tại các doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm và học tập để đáp ứng với nhu cầu của thực tiễn.
          Như vậy, cùng với nâng cao chất lượng đào tạo trường Đại học Sao Đỏ đã đi sâu vào chú trọng đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn nhằm giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo các tiêu chuẩn kiểm định tiệm cận với tiêu chuẩn khu vực và khảo sát, công bố và nâng cao tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
          Từ phân tích thực tiễn xu hướng lựa chọn ngành nghề, cũng như thực tiễn yêu cầu có thể khẳng định sự lựa chọn ngành học phù hợp rất quan đối với công việc và tương lai của học sinh, sinh viên sau khi ra trường. Các em học sinh và các bậc phụ huynh nên có cái nhìn toàn diện về nhu cầu thực tế của các ngành nghề, cơ sở đào tao phù hợp, không chạy theo xu hướng thích “Oai”, nhàn hạ bề ngoài của công việc để rồi lựa chọn các ngành nghề không gắn với nhu cầu của  xã hội dẫn đến không có việc làm sau khi tốt nghiệp, điều này không chỉ làm lãng phí thời gian, công sức, tiền của của gia đình, của bản thân các em học sinh, sinh viên mà còn gây tác động không nhỏ tới sự phát triển của đất nước./.

Tác giả bài viết: Vũ Văn Đông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây