Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Đảng Cộng sản Việt Nam – 88 năm một chặng đường lịch sử vẻ vang

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng. 88 năm lãnh đạo cách mạng của dân tộc, Đảng ta đã khẳng định được vai trò sứ mệnh lịch sử đối với cách mạng Việt Nam.

          Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang giai đoạn tư bản độc quyền. Các nước tư bản vừa tăng cường bóc lột nhân dân lao động trong nước vừa xâm lược và áp bức nhân dân các dân tộc thuộc địa. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, chủ nghĩa Mác - Lênin từ lý luận đã trở thành hiện thực, mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, gắn liền với các cuộc cách mạng chống đế quốc, giải phóng dân tộc. Sự ra đời của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) vào tháng 3/1919 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đối với Việt Nam, Quốc tế Cộng sản có vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
          Tại Việt Nam, năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam, biến một quốc gia phong kiến thành thuộc địa nửa phong kiến. Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng đều không mang lại kết quả. Phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, ngày 5/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Người đã đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã phát hiện ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa. Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6/1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, với tên gọi mới là Nguyễn Ái Quốc, Người gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Vécxây. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin và từ tư tưởng đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Từ đây, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đối với phong trào cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, vạch phương hướng chiến lược cách mạng Việt Nam và chuẩn bị điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã viết nhiều bài báo, tham gia nhiều tham luận tại các đại hội, hội nghị quốc tế, viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tổ chức ra các tờ báo Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Tiền phong, nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Năm 1927, Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản tác phẩm “Đường cách mệnh” (tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc ở lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên). Đó là sự chuẩn bị về đường lối chính trị tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ. Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (năm 1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) và gửi cán bộ đi học tại trường Đại học Phương Đông (ở Liên Xô trước đây) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Nhờ hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà những điều kiện thành lập Đảng ngày càng chín muồi.
          Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào cộng sản ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 7/2/1930. Hội nghị đã quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, ngày 24/2/1930 là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng. 
          Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng Cộng sản duy nhất tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và hành động của phong trào cách mạng cả nước, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam và hệ tư tưởng Mác-Lênin đối với cách mạng Việt Nam. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử cực kỳ trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.

[01 02 2018 10 56 47]21phienkhaimac

Đại hội Toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Nguồn Tạp chí Cộng Sản)

          88 năm lãnh đạo cách mạng của dân tộc, Đảng ta đã khẳng định được vai trò sứ mệnh lịch sử đối với cách mạng Việt Nam. Càng trong những hoàn cảnh khó khăn, bước ngoặt lịch sử thì bản lĩnh, trí tuệ, ý chí của Đảng càng tỏa sáng; đường lối, chủ trương của Đảng càng thể hiện sự đúng đắn, khoa học, bám sát thực tiễn đất nước và đòi hỏi bức thiết của nhân dân. Từ đó Đảng ta đã đưa dân tộc đi từ thắng lợi này tới thăng lợi khác, mở đầu cho chặng đường hào hùng ấy là cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945, đến thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954, kháng chiến chống đế quốc Mỹ 1954 - 1975 và những thành tựu vĩ đại trong công cuộc xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước từ 1976 đến nay. Mỗi khi tình hình cách mạng có sự biến động, phát triển, Đảng đều chủ động điều chỉnh, hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối, phương thức lãnh đạo, đề ra chủ trương, giải pháp, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đảng viên, huy động sức mạnh toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức để lãnh đạo hoàn thành mục tiêu cách mạng đề ra. Điều đó đã thể hiện bản lĩnh của một Đảng được tôi luyện trong các phong trào đấu tranh cách mạng, đủ khả năng giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
          Tiếp nối truyền thống vẻ vang, tự hào của Đảng, đội ngũ đảng viên và giảng viên của Đại học Sao Đỏ nói riêng phải luôn giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức; tuổi trẻ Đại học Sao Đỏ hôm nay sống có lý tưởng và đạo đức cách mạng; có lối sống văn hoá; có ý chí tự tôn, tự cường dân tộc, có trình độ học vấn, giỏi về chuyên môn, nghề nghiệp; có sức khoẻ tốt; có năng lực, tiếp cận và sáng tạo công nghệ mới, có ý chí chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tác giả bài viết: Ths. Trần Thị Ngọc Yến

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây