Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Kinh tế Việt Nam sau 12 năm gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO 11/01/2007-11/1/2019)

Nhìn lại chặng đường 12 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, đặc biệt là về kinh tế, đạt được thành tựu đó là nhờ chính sách đổi mớiđúng đắn của Đảng, nhà nước ta. Việc gia nhập WTO được coi là cơ hội “mở cánh cửa lớn” để Việt Nam bước vào “sân chơi” toàn cầu.
         Sau nhiều năm cố gắng  ngày 7-11-2006 WTO triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng tại Geneva để chính thức kết nạp Việt Nam vào WTO. Ngày 7/11/2006, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy đã ký vào Nghị định thư gia nhập của Việt Nam kết thúc 12 năm tiến hành hàng loạt các cuộc đàm phán song phương, đa phương và tham vấn kể từ khi đệ đơn gia nhập vào năm 1995.
         Ngày 11-1-2007 WTO nhận được được quyết định phê chuẩn chính thức của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Kể từ đây, Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ thứ 150 của WTO.
         Sau khi gia nhập WTO từ năm 2007 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,29%/năm.
          GDP bình quân đầu người tăng từ 833 USD vào năm 2007 lên  2.540 USD vào năm 2018.
         Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
         Từ khi trở thành thành viên của WTO, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đều đạt từ 12-14%/năm và chỉ có dấu hiệu giảm sút trong thời gian ngắn gần đây. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 cũng tăng gấp 3,6 lần so với năm 2007. Đây là những con số cho thấy khi tham gia vào WTO, nền kinh tế Việt Nam đã không bỏ lỡ những cơ hội có được từ sự kiện mang tính lịch sử này.
          Ngoài ra, sau 12 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã thu hút hơn 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD. Đặc biệt, nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới đã chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon…
          Đến nay đã có 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương giữa Việt Nam với các đối tác lớn trên thế giới được chính thức ký kết, hoặc kết thúc đàm phán như: FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)...; trong đó có những FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
          Bên cạnh các FTA đã được ký kết hoặc đã kết thúc đàm phán, Việt Nam còn đang tiếp tục đàm phán thêm 4 FTA; trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - được dự đoán là một FTA thế kỷ, quy định các hoạt động thương mại của toàn vùng ASEAN.
          Các FTA đang mở ra không gian cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác trên thế giới, bao gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20. Tính đến năm 2018 Việt Nam có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu từ vào Việt Nam.
          Sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam đã biết tận dụng cơ hội khi vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Qua đó, phần nào học hỏi, chuyển giao được công nghệ và kỹ năng quản lý từ các tập đoàn lớn đến từ các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản…
          Hơn nữa, áp lực cạnh tranh từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới này cũng giúp các doanh nghiệp trong nước trưởng thành hơn rất nhiều. Không ít doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để đẩy mạnh hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu.
          Nhờ nỗ lực của cả tập thể mà 12 năm qua, hàng hóa sản phẩm của Việt Nam đã vươn ra nhiều thị trường trên thế giới; trong đó chinh phục được cả những thị trường khó tính như Australia, New Zealand, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản.
          Việt Nam đã khai thác được nhiều lợi thế so sánh về chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động. Các ngành hàng mà Việt Nam chiếm ưu thế lần lượt là điện tử, dệt may, nông sản.
          Việc tham gia WTO không chỉ đánh dấu sự phát triển quan trọng của Việt Nam thông qua khung khổ hội nhập với kinh tế toàn cầu và thế giới, mà còn là nền tảng hướng tới phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, bền vững.
         Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu mà nền kinh tế Việt Nam đạt được sau 12 năm gia nhập WTO,hạn chế của nền kinh tế vẫn còn ở việc tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp nhà nước chậm, nhiều nơi vẫn dở dang. Lực lượng lao động tuy đông nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế về trình độ ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, năng suất lao động…
          Một trong những hạn chế của hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là tình trạng thành tích xuất khẩu luôn nằm ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
          Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã mang hàm lượng công nghệ cao hơn, sản phẩm đa dạng hơn và tìm kiếm được nhiều thị trường xuất khẩu hơn, song hàng hóa xuất khẩu mang nội hàm trong nước chưa cao. Việt Nam rất cần những yếu tố, động lực về chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và chú trọng vào phát triển công nghiệp phụ trợ.
          Việt Nam cần những cải cách đột phá, đặc biệt là khắc phục những mặt trái của cơ chế một cửa, đổi mới bộ máy hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, tăng cường và nâng cao hiệu quả việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, minh bạch, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.
          Để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển hội nhập chung với nền kinh tế thế giới và khu vực, trong đó có các nước trong tổ chức WTO, chúng ta phải phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế. Vấn đề cốt lõi là tái cơ cấu các doanh nghiệp, các dịch vụ cơ sở hạ tầng theo hướng tập trung những dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, và phát triển logistics xanh. Đặc biệt, trong thời gian tới cần nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ để Việt Nam sớm có những đột phá về khoa học công nghệ, tạo ra những mặt hàng, những sản phẩm kỹ thuật cao mang lại giá trị cao trong xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh với thị trường thế giới.

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Mạnh Tưởng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây