Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020)

Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.
          Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12/1976 đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Hay đánh giá của đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, ba cái móc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng mùa xuân 1975, đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới”.         
         Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.
Bộ Chính trị chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn
          Vào cuối năm 1974 – đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng ta, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Nhưng Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Răng-đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.
Bộ đội Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất.
          Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập.
          Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên CNXH. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.
Bộ đội tiến vào treo cờ giải phóng trên Dinh Độc Lập
          Đại thắng mùa xuân năm 1975, như nhận định của Đảng ta là một sự kiện quan trọng có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc, làm nức lòng bạn bè và nhân dân tiến bộ khắp năm châu bôn biển. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại đại hội lần thứ IV cũng chỉ rõ: “Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta đã đập tan cuộc phản công lớn nhất của tên đế quốc đầu sỏ chĩa vào các lực lượng cách mạng kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đẩy lùi trận địa của chủ nghĩa đế quốc, mở rộng trận địa của CNXH, phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy, làm yếu hệ thống đế quốc chủ nghĩa, tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của các trào lưu cách mạng thời đại, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng trăm triệu người trên khắp trái đất đang đấu tranh vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và CNHX”.
          Cách mạng thế giới, đặc biệt phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, bao giờ cũng quanh co phức tạp nhưng không ngừng phát triển. Gần bốn thập kỷ qua, trong cục diện quốc tế đã mở ra một thời kỳ mới mà nhân dân tiến bộ gọi là “thời kỳ sau Việt Nam”. Việt Nam - ngọn cờ tiên phong, ngọn cờ vẫy gọi những người lao động nghèo khổ và các dân tộc bị áp bức trên thế giới đang đầy rẫy bất công và bạo ngược.
          Đã 45 năm trôi qua, là khoảng thời gian cần thiết để chúng ta nhận ra ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng 30/4/1975. Với mỗi người Việt Nam, đó là một ngày lịch sử trọng đại, ngày mà chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, đất nước sạch bóng quân xâm lược, hoà bình trở lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam, non sông nối liền một dải. Những thế hệ ông cha ta trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt đã thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, đã cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hoà bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc. Với thế hệ trẻ của đất nước tinh thần chiến thắng 30/4 của ông cha ta đang cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Ý chí quyết chiến quyết thắng thôi thúc chúng ta không cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển. Tính sáng tạo, táo bạo, bất ngờ, tranh thủ thời cơ giúp chúng ta biến thách thức thành cơ hội, xoay chuyển tình thế, vượt lên khó khăn, ổn định nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay và bài học từ phát huy sức mạnh hoà hợp và đoàn kết toàn dân tộc mách bảo chúng ta tiếp tục có những chính sách khuyến khích hiền tài, khơi nguồn lực của toàn xã hội, chăm lo tốt hơn nữa những vấn đề an sinh xã hội.
          Càng trân trọng và tự hào về ngày chiến thắng lịch sử 30/4, thế hệ trẻ trường Đại học Sao Đỏ hôm nay ý thức được trách nhiệm của mình là gìn giữ những thành quả cách mạng vĩ đại đó, mỗi thầy, cô và sinh viên nhà trường phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh, xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ và dân tộc Việt Nam. Với nhận thức ấy, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, các thế hệ trường Đại học Sao Đỏ luôn xung kích, tình nguyện bằng nhiệt huyết và sức trẻ của mình, chung tay góp sức cùng đồng bào vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới. Đã và đang miệt mài học tập trên giảng đường, thi đua học tập, lao động, sản xuất, chinh phục những tiến bộ khoa học  - công nghệ, với một khát vọng cháy bỏng là xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng giàu mạnh hơn.
Sinh viên ĐH Sao Đỏ tình nguyện vệ sinh môi trường
         Hòa chung không khí những ngày lịch sử 30/4 của cả dân tộc, mỗi người Việt Nam nói chung và mỗi sinh viên trường Đại học Sao Đỏ nói nói riêng cần phát huy tinh thần quyết thắng 30/4, chúng ta sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn. Luôn nỗ lực hết mình, đem tất cả tinh thần, trí tuệ, sức trẻ, lòng nhiệt huyết, tài năng và sự sáng tạo viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, làm nên những Đại thắng mùa Xuân mới trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh./.

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Thu Hường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây