Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Kỷ niệm 63 năm ngày giải phóng thủ đô Hà Nội (10/10/1954 – 10/10/2017)

Sáng 10/10/1954, nhân dân Hà Nội đón chào các đoàn quân tiến vào Thủ đô bằng những tiếng reo hò, lời ca và những tràng vỗ tay không dứt. Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân. Nhân dân lao động vĩnh viễn xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi đi vào xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.
          Trong không khí vui mừng của ngày lễ lịch sử, đồng chí Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Thành phố Hà Nội đã vinh dự đọc lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô. Trong lá thư đó, Người dặn dò nhân dân: “Hãy đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn vinh”.
giai phong thu do 1
Đoàn quân chiến thắng trở về tiến vào Thủ đô (Nguồn: báo quân đội)
          Sau chín năm kháng chiến trường kỳ với ý chí không gì lay chuyển được và tinh thần chiến đấu, ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ. Hà Nội khẩn trương chuẩn bị cho việc tiếp quản với bao công việc phức tạp và khó khăn cả về chính trị, văn hóa, tư tưởng. Theo nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, tư lệnh sư đoàn Quân Tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Ủy ban quân chính có nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố. Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật của Chính phủ đề ra, phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại. Sau quá trình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao ở Hội nghị Phù Lỗ đòi Pháp rút khỏi Hà Nội đúng thời hạn, đảm bảo an toàn về tài sản, tiếp quản trong trật tự, ngày 30-9-1954, hai bên đã ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 2-10 ký tiếp Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. 15 giờ ngày 10-10-1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức, cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu. Trong thư gửi đồng bào Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”.
Nhân dân Thủ đô vui mừng, phấn khởi đón chào đoàn quân chiến thắng trở về (nguồn: Báo quân đội)
          Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Không chỉ nhân dân ta chào mừng ngày thủ đô giải phóng, mà tất cả các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng đều phấn khởi, cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về sự kiện lịch sử đó.
          Sự hi sinh anh dũng của thế hệ cha anh đã xua đi màn đêm khói lửa, bom đạn của chiến tranh để mang bầu trời xanh của hòa bình, độc lập và tự do cho đất nước. 63 năm giải phóng thủ đô Hà Nội - “thành phố vì hòa bình”, người dân Thủ đô cũng như cả nước nghĩ về không khí hào hùng của thời khắc lịch sử không chỉ với lòng tự hào và biết ơn khôn xiết mà cả những trăn trở phải làm gì để xây dựng một Hà Nội giàu đẹp văn minh hiện đại? Trong thời bình, trách nhiệm của mỗi con người Việt Nam và nhất là thế hệ trẻ không chỉ là bảo vệ đất nước, mà trọng trách lớn lao còn là xây dựng nước nhà theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Mỗi thanh niên, sinh viên phải tôi luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng; cần ra sức học tập, cần cù, sáng tạo, rèn luyện về tri thức, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ để trở thành con người “vừa hồng, vừa chuyên”. Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái và nhân đạo cao cả, vun đắp truyền thống yêu nước nồng nàn. Phát huy tích cực, trách nhiệm vai trò xung kích của thanh niên trong xây dựng nếp sống văn minh mới, đi đầu trong các phong trào thanh niên, tình nguyện, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam.

Tác giả bài viết: Ths. Trần Thị Ngọc Yến

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây