Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Lịch sử hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam

          Lịch sử 73 năm chiến đấu, xây dựng và triển thành của quân đội ta gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Một đội quân được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, đã từng là những đội Tự vệ Đỏ trong cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh (1930 – 1931), đội du kích Bắc Sơn, Nam Kỳ, Ba Tơ, Cao Bắc Lạng, Cứu quốc quân đến Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trong cao trào (1939 – 1945). Một đội quân lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã nối tiếp nhau bao thế hệ cầm súng chiến đấu, cùng toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập thống nhất và bảo vệ vững chắc bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam XHCN và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang đối với cách mạng hai nước Lào và Campuchia anh em.
          Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là của đội quân chủ lực của Mặt trận Việt Minh từ tháng 12 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945. Đây là tổ chức quân sự được xem là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày thành lập Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là ngày 22 tháng 12, sau này đã được chọn làm ngày truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
          Giữa năm 1944, tổ chức Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh ở vùng Cao- Bắc- Lạng, tận dụng lợi thế do Pháp, Nhật gìm nhau ở Đông Dương, dù đã có những đội du kích vũ trang, nhưng hoạt động tuyên truyền chính trị của cán bộ Việt Minh vẫn chưa hoàn toàn kết hợp được với hoạt động vũ trang, khi đó vẫn mang nặng tính địa phương, thiếu thống nhất, nên chưa phát huy tác dụng gây dựng cơ sở lan rộng, nhất là với những vùng vẫn còn nằm trong vùng kiểm soát của người Pháp.
          Trong bối cảnh đó, Bác Hồ nhận định nếu chỉ có tuyên truyền chính trị sẽ khó thành công, vì vậy tháng 12-1944, Bác đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, một lực lượng vũ trang chủ lực, nòng cốt lấy từ các cán bộ chính trị, đội viên du kích năng nổ. Bản chỉ thị lịch sử này là một văn kiện có tính chất cương lĩnh quân sự của Đảng, đề cập một cách toàn diện đường lối, phương châm tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang cách mạng. Trong điều kiện lịch sử đương thời, bản chỉ thị nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”.
          Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 22-12-1944 tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập gồm 3 tiểu đội, với 34 chiến sĩ được chọn lọc từ những chiến sĩ du kích Cao - Bắc - Lạng do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (Nguồn Báo Quân đội)
          Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch, tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) quản lý. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo.
          Chỉ có 34 người, với 34 khẩu súng các loại nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao-Bắc-Lạng, Cứu quốc quân,... là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi.
          Chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17 giờ chiều 25-12-1944) và sáng hôm sau (7 giờ ngày 26-12-1944) đột nhập đồn Nà Ngần, tiêu diệt gọn 2 đồn địch, giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.
          Hai trận đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần thắng lợi đã mở đầu truyền thống truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội ta. Tiếp đó Quân đội ta giành được thắng lợi trong các chiến dịch: Việt Bắc thu đông 1947, Biên giới thu đông 1950, đặc biệt chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 kết thúc cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược. Với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, 11h30 ngày 30.4.1975 một lần nữa Quân đội ta giành chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu kết thúc cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ của quân và dân ta.
          Từ ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân luôn phát triển và trưởng thành. Ngày 22-12-1944 được xác định là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội của dân, do dân, vì dân; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc. 
Mai2
Lễ duyệt binh kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN 22/12 (Nguồn Báo Quân đội)
          Trải qua 73 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cùng với những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, quân đội ta đã xây đắp nên những truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Ngày 22-12-1989, lần đầu Ngày hội quốc phòng toàn dân được tổ chức tại các địa phương, từ đó đến nay ngày 22-12 hàng năm đã thật sự trở thàng ngày hội lớn của cả dân tộc, nhằm truyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; cổ vũ động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạng Có thể nói, đây là ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “ Bộ đội Cụ Hồ”, thể hiện nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

Tác giả bài viết: Phạm Thị Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây