Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Những quy định mới của pháp luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021

Sáng 10/7/2020, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCNVN về 10 luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Các luật này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021; Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021.
          Chủ tịch nước đã ký 10 Lệnh về việc công bố Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Trong số 10 luật được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV thông qua, có 5 luật mới lần đầu ban hành, gồm: Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Thanh niên 2020; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
congboluatmoi96502993 (1)
Toàn cảnh buổi họp báo công bố 10 luật mới có hiệu lực từ năm 2021. (Ảnh: Tuấn Nguyễn)
          Với 449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92.96%) sáng 18/6/2020 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số quy định mới, Luật này có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021. Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành. Văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo, niêm yết theo quy định và một số quy định mới như:
          1. Quy định về độ tuổi nghỉ hưu: Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu vừa được chính thức ban hành. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
          Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:
          Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
          Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường
          Nghị định cũng quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của người lao động theo khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động.
          2. Quy định mới về Nhà ở có hiệu lực từ ngày 01/01/2021
          Luật Đầu tư năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Cụ thể như sau:
          -  Đơn giản điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại
          - Bỏ điều kiện có vốn pháp định theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản và cho phép bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để thực hiện dự án. Như vậy, để làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại chỉ cần đáp ứng các điều kiện sau:
          + Doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
          + Có vốn ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để thực hiện đối với từng dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư
          3. Quy định mới về dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và lựa chọn chủ đầu tư dự án.
          - Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải được lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và pháp luật về xây dựng.
          - Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được thực hiện thông qua các hình thức sau đây:
          - Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
          - Đấu thầu dự án có sử dụng đất.
          - Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư được chấp thuận thì việc xác định chủ đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng. Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này.
          - Sửa đổi quy định liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở
         - Bỏ nội dung “Đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo Luật đầu tư thì phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Chính phủ” tại khoản 2 Điều 170 Luật Nhà ở năm 2014.
          - Điểm mới về trách nhiệm của Bộ Xây dựng
          Bỏ quy định về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc “công nhận cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư” tại khoản 7 Điều 175 Luật.
          4. Cấp giấy phép xây dựng
          - Từ ngày 1/1/2021, cấp giấy phép xây dựng trong 20 ngày
          - Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày (giảm 10 ngày so với quy định hiện hành) đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời.
          - Từ ngày 1/1/2021, cấp giấy phép xây dựng trong 20 ngày
          - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng kể từ ngày 01/01/2021; đây được xem là quy định thuận lợi cho chủ đầu tư, giúp quá trình xây dựng được diễn ra nhanh hơn.
          - Các trường hợp nêu sau sẽ được miễn giấy phép xây dựng:
          + Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp.
          + Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư xây dựng.
          5. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020
          Sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật. Đáng chú ý, luật sửa đổi thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, xã; bổ sung một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật mới.
          6. Luật thanh niên 2020
          Thay thế Luật thanh niên 2005, Luật này quy định về vai trò, quyền, nghĩa vụ của thanh niên; trách nhiệm của thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của tổ chức thanh niên và các tổ chức khác.
          7. Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020
          Lần đầu tiên xuất hiện trong hệ thống văn bản luật của Việt Nam, gồm 4 Chương, 42 Điều. Trong đó quy định về Nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
          8. Những điểm mới về tiền lương, thưởng có hiệu lực từ ngày 1/1/2021
          Mỗi lần trả lương phải có bản kê cụ thể các loại tiền lương, mở rộng cơ hội đàm phán về tiền lương ngừng việc từ nguyên nhân khách quan, trường hợp đi nghĩa vụ quân sự không được tạm ứng lương…
          Đây là những điểm mới so trong quy định về tiền lương được nêu tại Luật Lao động năm 2019 so với Luật Lao động năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Theo Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), Luật Lao động năm 2019 sẽ nhiều quy định mới liên quan tới nguyên tắc trả lương, tiền lương ngừng việc, tạm ứng tiền lương, tiền thưởng và cách chi thưởng…được thiết kế hợp lý và cập nhật với tình hình thực tế hơn. Tại Luật Lao động năm 2019, quy định: Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do 2 bên thỏa thuận và không bị tính lãi. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Tác giả bài viết: Phạm Thị Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây