Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc - Ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Người là cống hiến đặc sắc, có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn hết sức quan trọng. Có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng.
          Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Chúng đã thi hành chính sách cai trị thực dân: độc quyền về kinh tế, chuyên chế về chính trị và nô dịch về văn hóa. Với truyền thống yêu nước, nhiều phong trào đấu tranh đã diễn ra theo nhiều khuynh hướng khác nhau nhưng đều thất bại, một trong những nguyên nhân là các phong trào diễn ra lẻ tẻ, chưa đoàn kết được toàn dân trong cuộc đấu tranh chống lại giặc ngoại xâm.
          Trong bối cảnh đêm tối của đất nước, Nguyễn Tất Thành quyết ra đi tìm đường cứu nước. Tháng 7/1920, đọc được Luận cương của Lênin, Người đã tìm thấy con đường cứu nước là con đường cách mạng vô sản. Lực lượng của cuộc cách mạng vô sản này là toàn dân với nòng cốt là liên minh công-nông-trí thức. Từ đó, Người đã tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước và xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc - nguồn ánh sáng mở ra các thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
          Đối với Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là vấn đề có ý nghĩa lâu dài, quyết định thành công của cách mạng và là một mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Chủ thể của khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm toàn thể nhân dân, tất cả những người Việt Nam yêu nước. Đoàn kết là có một lực lượng vô địch, cách mạng là công việc chung của dân chúng chứ không phải là công việc của một vài người, vì thế, phải đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài.
Bác Hồ thăm nông dân gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên năm 1954
          Người cũng đưa ra các điều kiện để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ, đoàn kết được mọi giai cấp, tầng lớp: phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, đoàn kết của dân tộc; phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người; phải có niềm tin vào nhân dân. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc chỉ trở thành lực lượng to lớn, có sức mạnh khi được tập hợp, tổ chức lại thành một khối vững chắc, đó là Mặt trận dân tộc thống nhất.
          Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, nhân dân ta đã đồng lòng, chung sức đấu tranh chống kẻ thù và đã giành được những kết quả to lớn. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã mở ra một bước ngoặt trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do. Truyền thống đoàn kết tiếp tục được phát huy trong cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp (1945 - 1954) và đế quốc Mĩ 1954 - 1975 chấm dứt ách thống trị của thực dân - đế quốc trên đất nước ta. Đồng thời, thắng lợi trong công cuộc đổi mới năm (1986) đã từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc hoàn toàn phù hợp.
          Ngày nay, tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh tiếp tục được vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã thực hiện được vai trò tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống, góp phần xây dựng sự đồng thuận trong xã hội, tạo động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng văn minh.
          Đặc biệt, trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước, hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết của toàn dân càng phải được phát huy. Mọi tầng lớp nhân dân đã cùng chiến sĩ lực lượng vũ trang, lực lượng y tế từ y tá, bác sĩ, nhân viên; lực lượng thanh niên xung kích… đã ra quân đồng loạt, bất kể ngày đêm để truy vết, ngăn chặn sự lây lan; các lực lượng chính trị nòng cốt ở mọi ngành, mọi giới đã góp sức, góp tiền để tiếp tế nhu yếu phẩm cho đồng bào ở khu vực phong tỏa, hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ sự lây nhiễm cho lực lượng đang túc trực ở tâm dịch; những bếp lửa ấm tình đồng bào được duy trì để tiếp cơm nước cho chiến sĩ, dân, quân ở mặt trận phòng, chống dịch…
          Trước diễn biến mới của dịch bệnh, trong nhiều ngày qua Trường Ðại học Sao Đỏ đã thực hiện tinh  thần đoàn kết, tương thân, tương ái ủng hộ bằng vật chất và tinh thần cho các vùng tâm dịch trên cả nước
Trường Đại học Sao Đỏ chung tay cùng Bắc Ninh chống dịch Covid-19
          Đồng thời, toàn trường cũng tích cực, chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch: Tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh đến từng cán bộ, giảng viên, sinh viên; tiếp tục triển khai giảng dạy trực tuyến đảm bảo tiến độ học tập của sinh viên; sản xuất dung dịch rửa tay khô và phát khẩu miễn phí cho cán bộ, giảng viên; đặc biệt hướng dẫn, nhắc nhở sinh viên thực hiện tốt việc phòng chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế tại địa phương mình sinh sống.
          Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam, là một giá trị tinh thần to lớn, kế thừa truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tinh thần đoàn kết là cội nguồn của mọi thành công:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.
Thành công, thành công, đại thành công”.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, sđd, tập 10, tr.607

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Tình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây