Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Vận dụng các phương pháp tích cực trong giảng dạy TTHCM đem lại thành công trong hội giảng của khoa GDCT&TC

Đổi mới phương pháp giảng dạy là một yêu cầu bức thiết nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nhận thức được yêu cầu đó, mỗi giảng viên khoa GDCT&TC đã luôn chú trọng sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. Trong kỳ Hội giảng diễn ra ngày 9/6/2018 của trường Đại học Sao Đỏ, giảng viên Đặng Thị Dung của khoa đã đạt được giải nhất khi vận dụng các phương pháp tích cực trong giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh.
          Phương pháp dạy học tích cực là cách thức dạy học theo lối phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Giảng viên là người giữ vai trò hướng dẫn, gợi ý, tổ chức, giúp cho người học tự tìm kiếm, khám phá những tri thức mới theo kiểu tranh luận, hội thảo theo nhóm.Tham dự Hội giảng cấp cơ sở năm học 2017 – 2018 với nội dung của học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh, bên cạnh phương pháp truyền thống đã có những phương pháp dạy học tích cực được giảng viên Đặng Thị Dung áp dụng như:
          Phương pháp vấn đáp: Là quá trình tương tác giữa giảng viên và sinh viên, được thực hiện thông qua hệ thống câu hỏi và câu trả lời tương ứng về một chủ đề nhất định do gảng viên đặt ra. Gợi mở vấn đáp giúp lôi cuốn sinh viên tham gia vào bài học, làm cho không khí lớp học sôi nổi, sinh động, kích thích hứng thú học tập và lòng tự tin của sinh viên, rèn luyện cho sinh viên năng lực diễn đạt sự hiểu biết của mình và hiểu ý diễn đạt của người khác.
          Các câu hỏi vấn đáp được sử dụng tường minh, theo hướng gợi mở được kiến thức cho sinh viên. Clip, hình ảnh trực quan được lựa chọn kỹ và làm công phu, đẹp mắt trong powerpoint đã giúp cho sinh viên đươc trực tiếp xem trận địa đánh địch của làng xã ở Việt Nam với nhiều cách đánh sáng tạo, thiên biến vạn hóa đã góp phần làm tiêu hao sinh lực địch và các hình ảnh thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Hơn thế nữa, giảng viên còn phát huy được khả năng về công nghệ thông tin của sinh viên khi yêu cầu sinh viên thực hiện một bài thuyết trình vận dụng các phần mềm đã học để vẽ thêm và xử lý phim 3D nhằm làm rõ tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam thông qua chiến dịch Điện Biên Phủ.
          Phương pháp thảo luận nhóm: Là phương pháp dạy học trong đó sinh viên dưới sự hướng dẫn của giảng viên làm việc cùng nhau trong những nhóm nhỏ để hoàn thành mục đích học tập chung của cả nhóm đặt ra.Mỗi thành viên trong nhóm học tập này vừa có trách nhiệm tự học tập, vừa có trách nhiệm hỗ trợ các thành viên khác trong nhóm hoàn thành mục tiêu học tập chung của cả nhóm.Học tập trong môi trường nhóm sẽ thúc đẩy sự tích cực suy nghĩ của cá nhân, tạo sự gắn kết trong một tập thể.
          Phương pháp thảo luận nhóm cũng đã phát huy được vai trò của sinh viên trong quá trình thảo luận. Các em đã trình bày được các nội dung theo sự gợi ý của giảng viên. Qua đó, sinh viên nhận thấy tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là một kho tàng lý luận mà còn có giá trị hiện thực to lớn đối với hiện tại cũng như trong tương lai
          Phương pháp trực quan: Dạy học trực quan (hay còn gọi là trình bày trực quan) là phương pháp sử dụng những phương tiện trực quan, phương tiện kỹ thuật dạy học nhằm tạo cho sinh viên những biểu tượng và hình thành các khái niệm trên cơ sở trực tiếp quan sát hình ảnh, tư liệu.Hình ảnh được giữ lại đặc biệt vững chắc trong trí nhớ là hình ảnh chúng ta thu nhận được bằng trực quan. Vì vậy, cùng với việc góp phần tạo biểu tượng và hình thành khái niệm, phương pháp trực quan còn phát triển khả năng quan sát, trí tưởng tượng, tư duy và ngôn ngữ của sinh viên.
          Phương pháp trải nghiệm qua tổ chức trò chơi: Phương pháp trò chơi là phương pháp tổ chức cho sinh viên tìm hiểu một vấn đề, thực hiện một nhiệm vụ học tập hay thể nghiệm những hành động, những thái độ, những việc làm thông qua một trò chơi học tập. Bằng trò chơi, việc học tập được tiến hành một cách nhẹ nhàng, sinh động, không khô khan nhàm chán.
          Phương pháp tổ chức trò chơi “Ngược dòng lịch sử” cũng được giảng viên sử dụng rất thành công, không khí trong trò chơi sôi nổi, giúp thay đổi không khí lớp học. Đồng thời giúp cho sinh viên nhớ lại được các kiến thức lịch sử và chứng minh tinh thần yêu nước, đoàn kết là những truyền thống quý báu của dân tộc ta đã được Hồ Chí Minh kế thừa và phát huy.
Phương pháp tổ chức trò chơi “Ngược dòng lịch sử" trong bài giảng của cô Đặng Thị Dung
          Như vậy,với việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực trong bài giảng cùng với giọng nói truyền cảm kết hợp với ngôn ngữ cơ thể phù hợp đã làm cho bài giảng rất xúc động và đạt được mục tiêu của bài giảng. Kết quả, bài giảng của giảng viên Đặng Thị Dung khoa Giáo dục Chính trị và Thể chất có số điểm cao nhất 18,37 điểm, với kết quả đó, cô Đặng Thị Dung đã đạt giải Nhất trong kỳ Hội giảng năm học 2017 - 2018 của trường Đại học Sao Đỏ. 
Cô Đặng Thị Dung đã đạt giải Nhất trong kỳ Hội giảng năm học 2017 - 2018

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Tình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây