Văn hóa của người Việt với ngày giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch)
- Thứ sáu - 12/04/2019 13:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương trở thành ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam để tưởng nhớ công ơn các vị vua Hùng đã có công đựng nước và giữ nước. Lễ được tổ chức hằng nằm vào ngày 10/3 âm lịch tại Đền Hùng – Việt Trí – Phú Thọ. Đến hẹn lại lên, đến ngày này người dân khắp nơi trên mọi miền đất nước và cả những Kiều bào nước ngoài quy tụ về đây để tưởng nhớ công ơn các vị vua đã có những chiến công lẫy lừng cho dân tộc.
Cổng chính đền Hùng(Nguồn Báo mới.vn)
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”
Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”
Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng thể hiện tâm thức và triết lý “con người có tổ có tông” của con người Việt Nam. Đây là tín ngưỡng có từ xa xưa và đã trở thành một trong những thành tố tạo nên bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn trường tồn và luôn chiếm giữ một vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần dân tộc.
Cùng với việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo và bảo vệ Đền Hùng, việc lưu giữ, thực hành nghi lễ thờ cúng và trao truyền cho các thế hệ sau các giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng được cha ông ta coi trọng, với sự tham gia của hàng triệu người với lòng thành kính. Cùng với thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tích hợp nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc để rồi lại lan tỏa, bồi đắp, góp phần tạo nên bản sắc độc đáo cho tinh thần Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
Việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng vương được Nhà nước, chính quyền địa phương tổ chức trang trọng, trong đó nghi lễ quan trọng nhất là Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền Thượng, thể hiện rõ sự tôn vinh công ơn các bậc tiền nhân có công dựng nước, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cùng với nghi lễ thờ cúng, hàng loạt các hoạt động văn hóa dân gian, như: trò chơi dân gian, rước kiệu truyền thống, thi nấu cơm, thi giã bánh giày, gói bánh chưng; tổ chức đánh trống đồng; tổ chức hát Xoan, hát Ghẹo, Hội trại văn hóa, thi bắn nỏ, thi đấu cờ tướng… được tổ chức từ khu vực Đền Hùng đến thành phố Việt Trì và các vùng phụ cận, tạo nên không gian văn hóa linh thiêng và sinh động.
Lễ hội Đền Hùng (Nguồn Báo mới.vn)
Để bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong giai đoạn mới, chúng ta cần nghiên cứu toàn diện, trên cơ sở tiếp cận mới, góc nhìn mới để có nhận thức thống nhất về thời đại Hùng Vương; nhận diện chính xác hệ giá trị văn hóa và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong thời đại ngày nay. Phải xây dựng chính sách chung cũng như đề án bảo vệ, phát huy vai trò của các giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống xã hội. Đẩy mạnh tuyên tuyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ và mọi người dân về các giá trị văn hóa đặc sắc và ý nghĩa của văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ để các cộng đồng thực hiện vai trò chủ thể của các hoạt động sáng tạo, duy trì và chuyển giao cho các thế hệ sau giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.Giỗ tổ Hùng Vương không phải chỉ đề cao niềm tự hào dân tộc mà còn nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc, nguồn cội của tổ tiên. Qua đó mỗi người không ngừng học tập, rèn đức luyện tài để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng với công lao của các thế hệ anh hùng dân tộc, với tổ tiên ta ngày trước.