Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Xây dựng nét văn hóa công sở trong cán bộ, giảng viên, công nhân viên trường Đại học Sao Đỏ

Thực hiện công văn đến số 988 ngày 30/9/2018 của Bộ Công Thương về việc Ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua ''Cán bộ, công chức, viên chức Bộ Công Thương thi đua thực hiện văn hoá công sở'' giai đoạn 2019-2025. Trường Đại học Sao Đỏ đã triển khai và thực hiện phong trào “Cán bộ, giảng viên, công nhân viên thực hiện văn hóa công sở” trong nhà trường.
          Với mục đích nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, công nhân viên trong nhà trường về văn hóa ứng xử, chuẩn mực trong giải quyết công việc, là công dân, gương mẫu trong gia đình và xã hội; góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên trong nhà trường hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của mỗi cán bộ, giảng viên, công nhân viên trong nhà trường.
          Nói đến văn hóa công sở tức là nói đến văn hóa của tổ chức đặc thù, có giới hạn không gian là các cơ quan nhà nước và đối tượng thực hành văn hóa công sở là cán bộ công chức. Văn hóa công sở được hiểu là hệ thống các giá trị, các quy tắc giao tiếp ứng xử, chuẩn mực đạo đức của cán bộ công chức, các phương thức, cách thức tổ chức quản lý  gắn với việc tìm kiếm các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công sở, những đặc trưng riêng trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước nói chung và tại mỗi công sở nói riêng.
          Văn hóa công sở là tổng hòa những giá trị hữu hình và vô hình bao gồm: Trình độ nhận thức, phương pháp tổ chức, quản lý, môi trường cảnh quan, những phương tiện làm việc, đạo đức nghề nghiệp, phong cách giao tiếp ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, lao động và sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố đó để xây dựng một môi trường công sở văn minh, lịch sự, hoạt động đúng pháp luật, hiệu quả cao. Xây dựng văn hóa công sở là xây dựng lề lối, nề nếp làm việc khoa học, có trật tự kỷ cương, tuân theo những nội quy, quy định chung nhưng không mất đi tính dân chủ. Nó đòi hỏi nhà lãnh đạo, quản lý cũng như các thành viên của cơ quan phải quan tâm đến hoạt động chung của cơ quan mình. Muốn như thế CBCC,VC phải tôn trọng kỷ luật cơ quan, phải chú ý đến danh dự của cơ quan trong cư xử với mọi người, đoàn kết và hợp tác trên những nguyên tắc chung.
          Văn hóa công sở chịu ảnh hưởng bởi những nét chung của văn hóa dân tộc và đặc điểm văn hóa riêng của từng địa bàn lãnh thổ, đồng thời vừa phải tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Trong mỗi công sở cũng có những nét riêng của công sở đó và mỗi thành viên lại có những phương thức làm việc riêng, tạo nét văn hóa riêng của mỗi cá nhân trong công sở.
          Hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang phát động cuộc vận động và học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là cuộc vận động có ý nghĩa sâu sắc trong giai đoạn đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập, trong công cuộc cải cách hành chính. Đây cũng chính là nội dung quan trọng nhất trong văn hóa công sở. Ý nghĩa của việc vận động thể hiện ở chỗ, mỗi cán bộ công chức không chỉ dừng lại ở việc học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng mà quan trọng hơn là phải tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh và theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trường ĐH Sao Đỏ tổ chức quán triệt Nghị quyết TW 10 khóa XII
          Thực tế việc thực hiện văn hóa công sở hiện nay ở các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp nói chung cũng như ở trong trường Đại học Sao Đỏ nói riêng đã quan tâm xây dựng văn hóa công sở theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Nghị định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế Văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, ... Nhà trường đã triển khai cụ thể hóa vào nội quy, quy chế và tổ chức thực hiện. Phần đông cán bộ, giảng viên, công nhân viên thực hiện tốt nếp sống văn hóa công sở, làm việc đúng giờ, khoa học, chuẩn mực trong giao tiếp, trang phục lịch sự, tận tụy với công việc,… Ngoài những mặt được, hiện nay vẫn tồn tại khá nhiều hạn chế trong thực hiện văn hóa công sở, như: Tình trạng cán bộ, giảng viên, công nhân viên  đi làm muộn, đi họp muộn, nói chuyện riêng, lướt website trong giờ họp, tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp, chưa giữ vệ sinh chung, thiếu ý thức trách nhiệm trong công việc được giao đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
2 3
Môi trường giáo dục thân thiện trong nhà trường
          Giao tiếp trong công sở là quá trình trao đổi thông tin, suy nghĩ, và bày tỏ tình cảm giữa các thành viên trong cơ quan nhà nước với nhau hoặc giữa cán bộ công chức với tổ chức và công dân nhằm thỏa mãn nhu cầu nhất định trong quản lý hành chính. Trường Đại học Sao Đỏ cũng đã và đang triển khai áp dụng giao tiếp trong công sở thực hiện 4 "xin"; 4 "luôn"; 4 "không", trong đó 4 "Xin" bao gồm: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; 4 "Luôn": Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ; 4 "Không": Không tụ tập, bàn tán, ăn vặt; không nói to gây tiếng ồn; không lập bàn thờ và nấu ăn trong bàn làm việc….
          Xây dựng nét văn hóa công sở cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên  trong nhà trường hiện nay cần quan tâm đến một số giải pháp, đó là:
          Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, giảng viên, công nhân viên về văn hóa công sở và tầm quan trọng của văn hóa công sở. Chú trọng đến công tác tuyên truyền miệng, gắn với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào thi đua xây dựng người cán bộ công chức “trung thành - tận tụy - sáng tạo - gương mẫu”. Phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ, giảng viên, công nhân viên.
         Thứ hai, Xây dựng, hoàn thiện các quy định về văn hóa công sở, bao gồm: Quy định về trang phục, lễ phục, đeo thẻ cán bộ, giảng viên, công nhân viên; quy định về văn hóa ứng xử nơi công sở, thái độ, tác phong giao tiếp trong đơn vị; quy định về tiếp và giải quyết công việc của công dân; quy định về kỷ luật, hội họp, hội thảo,…
          Thứ ba, chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng, động viên cán bộ, giảng viên, công nhân viên thực hiện tốt văn hóa công sở. Bổ sung việc thực hiện văn hóa công sở vào tiêu chí bình xét thi đua hằng năm. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về văn hóa công sở.
          Thứ tư, Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập trong việc tổ chức các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, văn hóa ứng xử trong nhà trường.
          Thứ năm, phát huy sự chủ động, sáng tạo của  sinh viên, cán bộ, giảng viên, công nhân viên trong việc tham gia bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ vệ sinh các công trình công cộng, nhà trường, lớp học và cá nhân. Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp”, nhà trường vận động toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh nơi làm việc và khu vực tự quản; bảo vệ môi trường sống; trang trí cây xanh, cây cảnh nơi làm việc, khu tự quản.
          Như vậy, có thể khẳng định xây dựng nét văn hóa công sở trong cán bộ, công nhân viên là một việc làm hết sức bổ ích không chỉ đối với các cơ quan công sỏ nói chung mà trong cán bộ, giảng viên, công nhân viên trường Đại học Sao Đỏ nói riêng. Nhận thức được việc làm hết sức thiết thực và ý nghĩa với phong trào xây dựng nét văn hóa công sở của Nhà trường sẽ khẳng định hơn nữa sự phấn đấu của tập thể nhà trường hướng đến xây dựng trường Đại học Sao Đỏ không chỉ là nơi đào tạo có uy tín, chất lượng mà còn là môi trường văn hóa, thân thiện để xã hội lựa chọn và hướng đến./.

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Thị Thu Hường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây