Khoa Giáo dục chính trị - Thể chất - Trường ĐH Sao Đỏ

http://gdcttc.saodo.edu.vn


Ý nghĩa của ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Ngày 09 tháng 11 là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được ban hành nên nước ta lấy đó là Ngày Pháp luật. Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ. Do vậy, hàng năm bắt đầu từ năm 2013 ngày 09 tháng 11 là ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay còn gọi là Ngày pháp luật nhằm khẳng định vị trí thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ pháp luật, thúc đẩy quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.
          Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất, có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật và đời sống chính trị của mỗi quốc gia, là cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, là cơ sở cho việc tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước. Tính đến nay, trong lịch sử lập hiến của nước ta có 05 bản Hiến pháp đã được ban hành: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) và bản Hiến pháp đang có hiệu lực là bản Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, hiện nay nước ta có 12 ngành luật như: Luật Nhà nước, luật hành chính, luật tài chính, luật đất đai, luật dân sự, luật lao động, luật hôn nhân và gia đình, luật hình sự, luật tố tụng hình sự, luật tố tụng dân sự, luật kinh tế, luật quốc tế.
          Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, mọi công dân có quyền và nghĩa vụ ngang nhau được pháp luật quy định. Pháp luật là những chuẩn mực chung, bắt buộc đối với mọi người, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, là công cụ để thiết lập, củng cố, tăng cường quyền lực Nhà nước; là công cụ thực hiện đường lối chính sách của Đảng; thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động; tạo ra hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội đồng thời tạo ra môi trường ổn định cho việc thiết lập các mối quan hệ bang giao giữa các quốc gia. Do vậy, cùng với việc không ngừng xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống thì Ngày pháp luật ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng:
          Thứ nhất, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật- một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các ngành với mục tiêu tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức biết sử sụng pháp luật làm phương tiện, công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, của Nhà nước và của xã hội.
          Thứ hai, thông qua Ngày Pháp luật sẽ giúp cho mọi tổ chức, cá nhân, mỗi một công dân có ý thức nghiêm túc tuân thủ pháp luật, tôn trọng luật pháp, có thái độ, hành vi chuẩn mực, đúng đắn góp phần bồi dưỡng niền tin và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong đời sống xã hội.
           Thứ ba, hưởng ứng Ngày Pháp luật cũng là dịp để đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những mặt còn hạn chế trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật. Từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.
          Thứ tư, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong việc học tập, tìm hiểu, tuyên truyền pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Đây cũng là dịp để toàn dân tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chung sức, đồng lòng, tích cực hành động theo pháp luật và lên án những thói hư, tật xấu, trái pháp luật, tính nhân văn con người vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
           Thứ năm, đây cũng là dịp để nêu gương, tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến , tập thể xuất săc trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật nhằm giáo dục cũng như khuyến khích, động viên mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân luôn sáng tạo, đổi mới nội dung, hình thức trong công tác giáo dục và tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, có thể lồng ghép các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật với việc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”…
          Ngày Pháp luật ra đời là sự kiện chính trị pháp lý có ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa xã hội sâu sắc nhằm nhắc nhở, giáo dục mỗi công nhân nước Việt Nam luôn tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, luôn thực hiện khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”. Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, căn cứ quyết định số 2070/QĐ-BCT ngày 10/7/2019, trường Đại học Sao Đỏ ban hành kế hoạch triển khai Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2019 nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật đến cán bộ công nhân viên, giảng viên và toàn thể sinh viên. Với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liên chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” nhà trường đã tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật về đào tạo, quản lý các hoạt động nhà trường; tổ chức tập huấn nâng cao chất công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, giảng viên làm công tác phổ biến pháp luật thuộc các đơn vị, báo cáo viên pháp luật. Đồng thời các Chi bộ, phòng khoa, tổ chức đoàn thể cũng đã tích cực lồng ghép triển khai thông qua các buổi sinh hoạt Đảng, sơ kết học kỳ, sinh hoạt lớp, các giảng viên giảng dạy các môn học Mác-Lênin, giáo dục pháp luật, các buổi seminar… để cùng quyết tâm đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Sinh viên trường Đại học Sao Đỏ tham gia tập huấn kiến thức an toàn giao thông và kỹ năng lái xe an toàn
 

Tác giả bài viết: ThS. Đặng Thị Dung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây