“Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” có nguồn gốc từ sự kiện năm 1960 ở nước Cộng hòa Dominica với cái chết thê thảm của ba chị em nhà Mirabal do chế độ độc tài Rafael Trujillo chủ mưu gây ra. Patria, Minerva, và Maria Teresa Mirabal là ba chị em thủ lĩnh trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ chính trị tàn ác của Rafael Trujillo - Tổng thống Cộng hòa Dominica thời bấy giờ. Với sự hỗ trợ của chồng, họ đã chiến đấu không mệt mỏi vì sự tự do và dân chủ cho đất nước mình và trở thành thành viên của phong trào cách mạng ngầm. Nhà giam và những đòn roi chốn lao tù không thể giết chết sự kiên định, gan dạ của ba chị em. Ngày 25/11/1960, Patria, Minerva và Maria bị chính phủ Dominica ám sát. Sáu tháng sau vụ ám sát, Trujillo đã bị bắt và chế độ của tên độc tài này cũng sụp đổ theo.
Cuộc mít tinh đầu tiên của các nhà tranh đấu cho Nữ quyền ở châu Mỹ latinh và vùng Caribe năm 1981 tại Bogota, Colombia, đã lấy ngày 25/11 là “Ngày quốc tế không bạo lực đối với phụ nữ” để tưởng niệm ba chị em Mirabal. Đến ngày 17/11/1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết số 54/134 lấy ngày 25/11 hàng năm là “Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” như một sự ghi nhận những đóng góp to lớn của ba chị em xinh đẹp và anh dũng nhà Mirabal. Liên Hợp Quốc kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ khắp thế giới tổ chức các hoạt động vào ngày này để nâng cao ý thức cho người dân về tình trạng bạo hành với phụ nữ như lạm dụng tình dục, cưỡng hiếp, bạo hành trong gia đình, hôn nhân cưỡng bức…
Bên cạnh đó, một báo cáo năm 1994 của Ngân hàng Thế giới đã khẳng định: “Bạo lực đối với phụ nữ: Gánh nặng y tế tiềm ẩn”, ước tính rằng cứ bốn phụ nữ trên toàn thế giới thì có một người đã, hoặc sẽ bị hãm hiếp. Báo cáo này cũng cho rằng bạo lực đối với phụ nữ là nguyên nhân gây ra cái chết và tàn tật ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nghiêm trọng ngang bằng ung thư, và là nguyên nhân gây suy giảm sức khỏe nhiều hơn tai nạn giao thông và sốt rét cộng lại. Chính vì vậy, việc chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ là việc làm cần thiết.
Tại Việt Nam trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực thực hiện cam kết quốc gia bằng nhiều biện pháp đảm bảo quyền bình đẳng nam nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Hành vi bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là những hành vi không thể chấp nhận trong xã hội hiện nay cần phải được lên án và loại bỏ. Vì vậy, chúng ta phải đấu tranh chống bạo lực gia đình, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, họ cần được sự tôn trọng, thương yêu và bình đẳng.
Hưởng ứng "Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ", một trong những biện pháp quan trọng mà Việt Nam áp dụng là việc xây dựng chính sách, thiết lập và thực thi những quy định của pháp luật để nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ. Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là phụ nữ và trẻ em - những đối tượng dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam triển khai tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11 đến 15/12), đây là sự khởi đầu đầy ý nghĩa, góp thêm sức mạnh cho công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình; Bình đẳng giới trong gia đình góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy giá trị truyền thống gia đình và hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc.
Tại Việt Nam nói chung và Trường Đại học Sao Đỏ nói riêng, phụ nữ ngày càng đóng vai trò nhiều hơn vào các hoạt động chung. Họ tham gia vào mọi lĩnh vực của các hoạt động từ kinh tế, chính trị, tới văn hóa,… Tại trường Đại học Sao Đỏ hiện nay số lượng nữ công nhân viên chức có 156, họ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhà trường, nhiều nữ công tiêu biểu đã có những đóng góp thiết thực vào thành tích chung của Nhà trường. Hiện nay, Nhà trường có 01 cán bộ nữ trong Ban thường vụ Đảng ủy Ban Giám hiệu nhà trường, 08 cán bộ nữ tham gia ban chi ủy chi bộ, 09 cán bộ nữ tham gia vị trí lãnh đạo tại các phòng khoa. Đồng thời, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm chỉ đạo việc thực hiện tốt quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, nâng cao địa vị trong xã hội và cải thiện đời sống cho nữ cán bộ giảng viên, công nhân viên trong trường, góp phần xây dựng Nhà trường phát triển ngày càng vững mạnh./.