***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Vai trò của thanh niên Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay

Thứ tư - 20/03/2024 14:55
Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu rộng, thanh niên Việt Nam thể hiện rõ vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thanh niên là những người thụ hưởng nhiều giá trị của văn hóa, đồng thời tiếp xúc nhiều nhất với những giá trị văn hóa mới. Họ cũng là lực lượng có khả năng sáng tạo và đổi mới cao, tạo ra những sản phẩm văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
        Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững tạo nên nét đặc sắc, độc đáo, riêng có về diện mạo, cốt cách, tâm hồn, lối sống… của một dân tộc, là "tấm thẻ căn cước" phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa nhân loại.
        Trong thời gian qua, Đoàn Thanh niên đã có nhiều mô hình, hoạt động định hướng, tổ chức cho thanh niên tham gia vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Công tác giáo dục truyền thống cho thanh thiếu niên được các cấp bộ Đoàn trong các tỉnh đẩy mạnh, đặc biệt là vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của quê hương, đất nước gắn với các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, hội trại truyền thống, về nguồn… Nhiều hình thức sân khấu hóa được triển khai như: Liên hoan Tiếng hát thanh niên; Nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng… đã được đông đảo đoàn viên thanh niên hưởng ứng tham gia. Qua đó, thanh niên vừa có điều kiện để tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về văn hóa dân tộc, vừa là cơ hội để thể hiện trình độ, vốn hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
       
                                                              Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Đại học Sao Đỏ
        Nhằm tăng cường vai trò của thanh niên trong việc tham gia tích cực, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cần tập trung một số giải pháp sau:
        Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống cho thanh niên. Giúp thanh niên thấy được những cái hay, cái đẹp, những giá trị nhân văn sâu sắc của văn hóa truyền thống; từ đó nâng lên thành niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hành động của tuổi trẻ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đó. Tổ chức Đoàn phải là người định hướng, dẫn dắt, là cầu nối để đưa các giá trị văn hóa truyền thống đến với thanh niên thông qua nhiều phương tiện, hình thức, nhiều nội dung khác nhau, thông qua các kỳ sinh hoạt Đoàn, Hội, các hoạt động tham quan, dã ngoại, về nguồn, hành trình đến với những bảo tàng, địa danh lịch sử… Tìm hiểu về văn hóa truyền thống thông qua các hình thức thi viết, thi sân khấu hóa.
       Hai là, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên thông qua việc đẩy mạnh các phong trào thi đua. Đẩy mạnh các phong trào thanh niên, các hoạt động của Đoàn, phát huy cao độ vai trò của đoàn viên thanh niên trong xây dựng cơ quan, đơn vị và góp phần xây dựng quê hương vững mạnh toàn diện, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Thường xuyên đổi mới về nội dung, phương pháp, đồng thời gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào Đoàn, Hội, rèn luyện nâng cao chất lượng Đoàn viên thanh niên.
         Ba là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên học tập, rèn luyện. Các ngành chức năng cần xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách về phát triển đời sống văn hóa cho thanh niên, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của thanh niên, bảo vệ môi trường sinh thái - nhân văn; xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa xã hội đồng bộ nhằm phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần cho thanh niên.
         Bốn là, phát huy vai trò của thanh niên trong việc kiên quyết đấu tranh chống sự xâm nhập và ảnh hưởng của các hiện tượng phản văn hóa, sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Tổ chức và duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, nhằm phát huy tính hăng hái, sáng tạo của tuổi trẻ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo sân chơi vui vẻ, bổ ích, thiết thực. Cán bộ và tổ chức Đoàn cần chủ động, gần gũi theo dõi và hướng dẫn thanh niên, kịp thời nắm, uốn nắn và xử lý các biểu hiện lệch lạc trong việc tham gia sáng tạo, cũng như hưởng thụ văn hóa tinh thần qua các kênh thông tin khác nhau.
           Phát huy vai trò xung kích, đi đầu của đoàn viên thanh niên Việt Nam trong bảo tồn và phát triển văn hóa. Mỗi thanh niên phải luôn tìm hiểu, học hỏi về các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước. Thanh niên phải là những người xung kích trong việc phát hiện âm mưu, thủ đoạn, nội dung, phương thức chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị và nắm vững những luận cứ để trực tiếp và tổ chức đấu tranh phản bác lại quan điểm sai trái thù địch tuyên truyền cho nhân dân hiểu, tạo “sức đề kháng” trước những âm mưu phá hoại an ninh tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch để bảo tồn, xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới.
 
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay5,761
  • Tháng hiện tại253,260
  • Tổng lượt truy cập6,233,544
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây