***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Vận dụng kỹ năng mềm cho sinh viên trong giảng dạy học phần Triết học Mác – Lênin ở Trường Đại học Sao Đỏ

Thứ năm - 05/10/2023 08:21

    Trong cuộc sống, con người cần đến rất nhiều kỹ năng mềm, những kỹ năng ấy được hình thành, rèn luyện trong các môi trường khác nhau. Một số kỹ năng mềm có thể trang bị được cho sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ khi giảng dạy các học phần lý luận chính trị đặc biêt là học phần Triết học Mác - Lênin. Trong quá trình giảng dạy học phần Triết học Mác - Lênin, giảng viên có thể vận dụng một số kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên như: kỹ năng tự học, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phản biện, kỹ năng tư duy sáng tạo… Hơn nữa, việc vận dng một số kỹ năng mềm trong giảng dạy còn là một trong những giải pháp tạo hứng thú học tập cho sinh viên nhằm thực hiện tốt mục tiêu của môn học.
   Kỹ năng tự học, tự nghiên cứu: Sinh viên cần được trang bị, rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu để tiếp thu liên tục những đổi mới này. Trong quá trình giảng dạy các môn Triết học Mác - Lênin, giảng viên có thể trang bị, rèn luyện cho sinh viên kỹ năng này thông qua việc yêu cầu sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong phạm vi kiến thức các môn Triết học Mác - Lênin. Số tiết giảng dạy học phần triết học Mác - Lênin trên giảng đường là 45 tiết. Với thời lượng học trên lớp ít như vậy, trong khi khối lượng kiến thức lại lớn, làm cho giảng viên không thể truyền thụ được sâu sắc kiến thức môn học. Cho nên học ở nhà, giảng viên phải giao bài tập, tổ chức thảo luận, semina, phải có tiêu chí kiểm tra đánh giá việc tự học ở nhà của sinh viên là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, phải có kiểm tra, đánh giá về việc tự học này trong giờ thảo luận, hay giờ lí thuyết tiếp theo. Tự học, tự nghiên cứu cũng là một trong những kỹ năng quan trọng cần trang bị cho sinh viên hiện nay bởi trong bối cảnh kiến thức thay đổi rất nhanh, việc trang bị cách thức tự học và ý thức học tập suốt đời.

z4748290158092 9211ea0e3b7dfb0e9abcd8b349cc0dd6
SV tham gia tự học, tự nghiên cứu tại thư viện

    Kỹ năng thuyết trình: Thuyết trình là một trong những kỹ năng mềm quan trọng trong học tập, trong công việc và cả trong cuộc sống của mỗi người. Để thuyết trình thuyết phục, bên cạnh nội dung thuyết trình, sinh viên cần phải phải vượt qua nỗi sợ hãi, rèn luyện sự tự tin trước đám đông, vững vàng tư tưởng và biết cách cuốn hút người đối diện. Trong quá trình giảng dạy các môn lý luận chính trị, giảng viên có thể yêu cầu sinh viên trình bày một sự kiện, một quan điểm nào đó, hoặc chứng minh một luận điểm nào đó trước lớp học. Với học phần Triết học Mác – Lênin trong phần Chủ nghĩa duy vật biện chứng giảng viên yêu cầu sinh viên thuyết trình các chủ đề: Vận dụng mối quan hệ giữa vật chất và ý thức để nâng cao tính tích cực, sáng tạo trong học tập của sinh viên. Trí tuệ nhân tạo là gì? Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống. Liên hệ cụ thể với ngành nghề mình theo học. Vận dụng cặp phạm trù bản chất - hiện tượng phân tích lối sống của sinh viên hiện nay. Thông qua những hoạt động đó, sinh viên sẽ dần hình thành được kỹ năng nói trước đám đông một cách tự nhiên và thu hút nhất. Để tổ chức tốt giờ thuyết trình, sinh viên sẽ được chia nhóm để chuẩn bị bài ở nhà theo chủ đề. Khi đến lớp, sinh viên sẽ lên thuyết trình cho chủ đề của nhóm mình, các bạn khác trong nhóm sẽ trả lời các câu hỏi đặt ra của các bạn nhóm khác hoặc giảng viên. Trong quá trình này, giảng viên sẽ khuyến khích các nhóm khác đặt câu hỏi có tính phản biện, tổng hợp, sáng tạo (có thể bằng cách cộng điểm vào điểm quá trình) đòi hỏi nhóm đang thuyết trình phải trả lời. Qua đó, sinh viên được rèn luyện kỹ năng thuyết phục.

z4748289677309 caff09c4b2f44d2abc36d2438fbf4ff8
SV thuyết trình theo chủ đề được giao nhiệm vụ

   Kỹ năng tư duy phản biện: Tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Để làm rõ nội hàm các khái niệm, phạm trù, nội dung các quy luật cơ bản của Triết học Mác - Lênin, giảng viên cần kết hợp phương pháp thuyết trình với đàm thoại, có sự hỗ trợ của các hình ảnh trên slide sẽ tăng hứng thú học tập, giờ học diễn ra một cách chủ động với không khí dạy học thoải mái, không nặng nề, gò bó, lại vừa rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho sinh viên. Ví dụ, khi giảng về vấn đề mối quan hệ giữa vật chất và ý thức (trong chương 2 chủ nghĩa duy vật biện chứng) giảng viên đưa ra vấn đề: Tại sao chủ nghĩa Mác – Lênin nói vật chất quyết định ý thức mà trong kháng chiến chống Mỹ, Mỹ có điều kiện vật chất rất lớn mà lại thua Việt Nam? Yêu cầu sinh viên phản biện vấn đề: đúng hay sai. Những kiến thức về triết học Mác – Lênin sẽ trang bị cho sinh viên thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng để xem xét, đánh giá các sự vật, hiện tượng một cách khách quan, toàn diện và theo quan điểm phát triển. Đó cũng là cơ sở để hình thành tư duy phản biện – một kỹ năng quan trọng trong tương lai.
   Kỹ năng tư duy sáng tạo: Là kỹ năng giải quyết các vấn đề dựa trên sự động não tối đa, nhằm tạo điều kiện tìm ra phương án tối ưu. Trong quá trình giảng dạy các môn lý luận chính trị, trên cơ sở hiểu về Phép biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, sinh viên có thể rút ra được các nguyên tắc trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn của bản thân, đánh giá sự vật, hiện tượng theo quan điểm lịch sử - cụ thể, đồng thời biết tôn trọng và ủng hộ cái mới, mạnh dạn tạo ra cái mới.
  Trong xu thế phát triển hiện nay, trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên là một việc làm cần thiết, góp phần tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế cũng như những yêu cầu do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra. Trường đại học Sao Đỏ đã trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên trong giảng dạy học phần Triết học Mác - Lênin. Đó cũng là góp phần thực hiện quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tác giả bài viết: Ths. Đỗ Thị Thùy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay55
  • Tháng hiện tại255,041
  • Tổng lượt truy cập6,235,325
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây