***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Một số yêu cầu đối với giảng viên khi giảng dạy học phần Chủ nghĩa xã hội khoa học trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ năm - 14/09/2023 10:37
  Giáo dục lý luận chính trị là một trong những nội dung trụ cột của công tác tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm truyền thụ những tri thức về những nguyên lý cách mạng cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, niềm tin về con đường, mô hình chế độ xã hội XHCN cho cán bộ, đảng viên và mỗi công dân. Trong đó, chủ nghĩa xã hội khoa học là một bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng, kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các lực lượng tiến bộ trên thế giới vì các mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vì thế, nâng cao chất lượng giảng dạy môn chủ nghĩa xã hội khoa học là nhiệm vụ thường xuyên ở mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo, đặc biệt trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 và giảng viên là người góp phần quan trọng trong đó.
       Để nâng cao chất lượng giảng dạy học phần Chủ nghĩa xã hội khoa học, giảng viên giảng dạy cần chú ý một số yêu cầu sau:
     Thứ nhất, giảng viên giảng dạy học phần chủ nghĩa xã hội khoa học cần nắm chắc yêu cầu tính Đảng. Giảng viên cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, có niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nắm chắc quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước, biết làm giàu tri thức, cập nhật thông tin trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển. Mỗi giảng viên có thể tìm kiếm tri thức, kho tư liệu khổng lồ của nhân loại trên các trang mạng xã hội, cập nhật kiến thức mới để làm phong phú thêm nội dung bài giảng. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần gắn nội dung bài giảng với thực tiễn và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
    Thứ hai, trong giảng dạy, giảng viên cần chú ý yêu cầu gắn lý luận với thực tiễn.
Đặc thù của học phần chủ nghĩa xã hội khoa học là môn học lý luận chính trị nên yêu cầu phải gắn liền với thực tiễn. Do vậy, giảng viên giảng dạy học phần chủ nghĩa xã hội khoa học phải có tri thức vững chắc của chuyên ngành, có kiến thức thực tiễn. Chủ nghĩa xã hội khoa học được hình thành, ra đời gắn liền với chủ nghĩa Mác. C.Mác, Ph.Ăngghen đã gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động lý luận với thực tiễn phong trào cộng sản và công nhân quốc tế mà phát hiện ra lực lượng xã hội có vai trò lịch sử thế giới vốn có khả năng xóa bỏ giai cấp tư sản, xây dựng chế độ xã hội mới ưu việt hơn xã hội tư bản chủ nghĩa – đó là giai cấp công nhân. Khi thực tiễn đấu tranh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có sự vận động, biến đổi và phát triển thì C.Mác, Ph.Ăngghen lại có những bổ sung, phát triển các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học cho phù hợp. Hai ông đã không bao giờ cho rằng học thuyết của mình là một hệ thống giáo điều “nhất thành bất biến”, là một tín điều để tụng niệm như kinh thánh, mà chỉ là những nguyên lý cơ bản, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của giai cấp vô sản nên cần vận dụng cho phù hợp với thực tiễn ở mỗi nước và ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể. Sau này, V.I.Lênin cũng  nhắc nhở những người cộng sản rằng, chúng ta không bao giờ coi học thuyết Mác là những gì xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm. Trái lại, từ những tư tưởng đó và thực tiễn cuộc sống sinh động, phải làm cho học thuyết đó ngày càng được phong phú và phát triển hơn, có đủ khả năng giải đáp được những vấn đề do cuộc sống đang đặt ra, chỉ có như vậy, nó mới không bị lạc hậu trước cuộc sống. Hiện nay, dưới tác động tích cực của cách mạng công nghiệp 4.0, không gian học tập trở nên đa dạng hơn, tài nguyên học tập số trong điều kiện kết nối không gian thật và ảo sẽ vô cùng phong phú, giảng viên có thể tìm kiếm một vấn đề nào đó cần quan tâm bằng cách search trên Google sẽ có rất nhiều trang web hiện ra chứa đựng những thông tin liên quan, theo chủ đề cần lựa chọn. Ngày nay, internet và mạng xã hội đã xóa nhòa khoảng cách địa lý trong việc chia sẻ kiến thức. Người giảng viên có thể tự mình tìm kiếm thông tin trên internet phục vụ cho quá trình giảng dạy và minh chứng bằng thực tiễn. Tuy nhiên, việc lựa chọn các sự kiện minh họa phải có thực, có ý nghĩa, mang tính điển hình, thời sự và phải có sự phân tích, lý giải ở những mức độ nhất định để bảo đảm sự thống nhất, sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. Có như vậy mới giúp người học hiểu đúng, đủ về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và mới làm tăng sức thuyết phục của bài giảng, bài giảng sẽ hay hơn và sinh động hơn.
      Thứ ba, giảng viên cần chú trọng kết hợp có hiệu quả phương pháp dạy học truyền thống với hiện đại trong giảng dạy học phần chủ nghĩa xã hội khoa học. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra nhiều mô hình mới theo xu hướng thông minh, tiện ích và hiệu quả hơn, đó là mô hình “nhà máy thông minh”, “nhà máy số” hay “lớp học thông minh”…trong đó Internet giữ vai trò kết nối vạn vật. Chính vì vậy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động đến kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống và phương pháp dạy học hiện đại trong giảng dạy môn chủ nghĩa xã hội hiện nay theo cả chiều tích cực, tiêu cực. Tuy nhiên, nhìn theo chiều tích cực là đội ngũ giảng viên ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ giúp nâng cao năng lực tự học, tự nghiên và hiệu quả sử dụng phương pháp giảng dạy của người dạy. Nhờ sự phát triển của công nghệ, bài giảng được xây dựng trên các phần mềm tiện ích có tính trực quan cao, tạo ra sự lôi cuốn, hứng thú, tương tác trực quan trong quá trình giảng dạy, phát huy năng lực tư duy sáng tạo của người học; thông qua các phương tiện và công nghệ hiện đại, giảng viên có thể cung cấp tài liệu, hướng dẫn sinh viên cách thức, phương pháp tự học mang tính chất nghiên cứu.
      Nhân tố người dạy bao giờ cũng giữ vai trò quyết định đến chất lượng giảng dạy, nên mỗi giảng viên giảng dạy học phần chủ nghĩa xã hội khoa học cần quán triệt phương châm là: chuẩn bị bài giảng là sự chuẩn bị của cả cuộc đời, thường xuyên phải đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp, chắc về nội dung truyền thụ nhưng phải gắn với tài nghệ sư phạm; biết tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 để làm giàu trí tuệ, kỹ năng sư phạm thì mới nâng cao chất lượng giảng dạy môn chủ nghĩa xã hội khoa học trong tình hình hiện nay.

Tác giả bài viết: TS. Phùng Thị Lý

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay2,837
  • Tháng hiện tại137,189
  • Tổng lượt truy cập7,914,415
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây