Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường trên toàn cầu đang ở mức báo động và trở thành vấn đề cấp thiết cần được giải quyết. Môi trường trên thế giới ngày càng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, dân số thế giới ngày càng đông và tăng lên, kéo theo nhu cầu các hoạt động cao nhưng ý thức lại không được cải thiện gây nên tác động xấu cho môi trường.
Ở nước ta hiện nay nhiều nơi môi trường sống của con người đang bị đe dọa, môi trường đất, môi trường nước, không khí bị ô nhiễm nặng nề, môi trường ô nhiễm có các nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cơ sở và một bộ phận người dân về môi trường và bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường chưa cao. Công tác quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Một số nơi vẫn để xảy ra tình trạng chặt phá rừng; khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng thiếu bền vững, thậm chí còn vi các quy định của phạm pháp luật về khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Thứ hai, việc quản lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt, nguy hại; rác thải, chất thải sản xuất nông nghiệp có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt chỉ mới chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, chưa có hoặc rất ít hoạt động dịch vụ, vận chuyển, xử lý rác thải tại khu vực nông thôn. Môi trường sống của một bộ phận nhân dân vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa còn bị ô nhiễm. Các dự án điều tra cơ bản về môi trường, cơ sở dữ liệu môi trưởng phục vụ công tác quản lý, định hướng phát triển còn hạn chế; cơ sở, vật chất, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống ô nhiễm môi trường còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; việc kiểm soát hoạt động sản xuất, sả thải của doanh nghiệp có nơi còn hạn chế... Trong nước các khu công nghiệp chưa được đầu tư đúng cách, hậu quả gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Thứ ba, ô nhiễm khói bụi tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, tình trạng ô nhiễm khói bụi tập trung ở các thành phố lớn, tập trung các khu công nghiệp, xe cộ đi lại nhiều. Nhiều nghiên cứu cho thấy mưa axít thường xuyên xảy ra, trong khói bụi có axít khi con người hít phải gây ra khó thở ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bản thân…
Hình ảnh chung tay bảo vệ môi trường sống
Từ nguyên nhân và hậu quả trên cho thấy việc bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo ở mỗi nước, với cuộc đấu tranh vì hạnh phúc và tiến bộ trên phạm vi toàn thế giới.
Đối với Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tích cực về công tác bảo vệ môi trường như: xây dựng hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng hoàn thiện; xây dựng hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương đến địa phương; tăng cường đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý về môi truờng; đầu tư nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội có ý nghĩa về bảo vệ môi trường, tuyên truyền tầm quan trọng về công tác bảo vệ môi trường. Để bảo vệ môi trường cần thực hiện các giải pháp sản xuất sạch, phát triển sản xuất đi đôi với các giải pháp xử lý môi trường; bảo tồn các nguồn gen động vật, thực vật; bảo tồn đa dạng sinh học; không ngừng nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường.
Mặc dù ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường, nhưng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác này, các ban, ngành đoàn thể và tất cả mọi người dân trong cả nước cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường, phải thường xuyên phối hợp cùng nhau nỗ lực giải quyết, thực hiện nghiêm chỉnh Luật bảo vệ môi trường. Có như vậy chúng ta mới có thể hy vọng vào một tương lai với môi trường sống ngày càng tốt hơn, trong lành hơn.
Như vậy, bảo vệ môi trường có ý nghĩa hết sức lớn lao đối với sự nghiệp phát triển của đất nước, thực hiện tốt nhiệm vụ đó góp phần vào sự nghiệp phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Việt Nam quyết tâm phấn đấu phát triển kinh tế, xã hội đi đôi với việc bảo vệ môi trường sinh thái để thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tác giả bài viết: Nguyễn Mạnh Tưởng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn