***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay

Thứ sáu - 18/08/2023 09:03
Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thanh niên là lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Do vậy, giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một việc vô cùng quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
       
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu thanh niên Việt Nam
        Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà đạo đức học, vừa là tấm gương thực hành đạo đức cách mạng mà mỗi chúng ta cần học tập và noi theo. Theo Bác, mỗi một người, đặc biệt là thanh niên cần phải có các chuẩn mực đạo đức sau:
        Thứ nhất, trung với nước, hiếu với dân.
        Trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất đạo đức quan trọng nhất, bao trùm nhất. Do vậy, thanh niên trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn, trung thành với lý tưởng, sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trung thành với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước. Đồng thời, phải biết đặt lợi ích của Tổ quốc, của người dân lên trên hết, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Để giáo dục phẩm chất đó đối với thanh niên, theo Người cần phải giáo dục truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng. Thông qua đó, những giá trị tốt đẹp của dân tộc như: yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ độc lập…được củng cố, nâng lên, làm cho thanh niên thấy được giá trị lớn lao của nền độc lập, tự do.
         Thứ hai, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
         Đây là phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hàng ngày của con người. Theo Bác, mỗi một người nói chung và thanh niên nói riêng cần phải cần cù, siêng năng, chăm chỉ, làm việc có kế hoạch, không ỷ lại, không lười biếng; phải biết tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của, công sức; phải trong sạch, không tham lam; luôn thẳng thắn, đứng đắn. Để có được những phẩm chất đạo đức đó, mỗi thanh niên cần nỗ lực phấn đấu, rèn luyện bền bỉ, sống trong sạch, có chí tiến thủ, đoàn kết, không kiêu ngạo, tích cực đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân, phê phán thói hư, tật xấu và thường xuyên tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ.
          Thứ ba, yêu thương con người.
         Tình yêu thương con người là một trong nhưng phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất, đó là tình cảm rộng lớn, trước hết dành cho những người cùng khổ, những người lao động bị áp bức, bóc lột. Tình yêu thương con người còn được thể hiện trong mối quan hệ bạn bè, đồng chí, mọi người trong quan hệ hàng ngày. Theo Người, mỗi người cần chặt chẽ, nghiêm khắc với mình, rộng rãi, độ lượng, tôn trọng con người. Người dạy thanh niên phải luôn yêu thương con người, trước hết là tôn trọng phẩm chất con người, biết nâng con người lên, không hạ thấp, không vùi dập con người.
         Thứ tư, tinh thần quốc tế trong sáng.
         Đối với thế hệ trẻ, Bác luôn mong muốn phải có ý thức xây dựng tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước, với người tiến bộ trên thế giới vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội. Bên cạnh đó, phải nắm vững tư tưởng, quan điểm, chủ trương, giải pháp về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, tích cực, chủ động bồi dưỡng tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung.
         Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã luôn ghi nhận, đề cao vai trò của thanh niên trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, để giáo dục thanh niên các chuẩn mực đạo đức cách mạng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, cần kết hợp đồng bộ các giải pháp sau:
         Một là, tiếp tục đẩy mạnh truyên truyền về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên. Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền những giá trị truyền thống của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại…với những nội dung thiết thực, phù hợp đối tượng, trình độ.
         Hai là, tăng cường giáo dục thanh niên với sự phối hợp, tham gia của ngành giáo dục, gia đình, đoàn thể và toàn xã hội. Thanh niên hiện nay sống trong môi trường văn hóa phong phú, đa dạng, được tiếp nhận nhiều nguồn thông tin trong nước và quốc tế. Do vậy, gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, thống nhất quan điểm, nội dung, phương pháp để giáo dục toàn diện cho các thế hệ thanh niên.
         Ba là, đối với các cấp học, bậc học, bên cạnh giáo dục chính khóa, cần chú trọng hơn nữa đến giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, thanh niên. Từ đó, thanh niên sẽ có những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực, biết đồng cảm, chia sẻ, yêu thương con người, biết đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái ác, thấp hèn, lạc hậu, chống lại các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng các phẩm chất đạo đức cách mạng.
          Thứ tư, đề cao việc tự bồi dưỡng, tự giáo dục của thanh niên. Mỗi thanh niên phải luôn chủ động, tự giác, khiêm tốn, trách nhiệm, có bản lĩnh, giỏi chuyên môn, sáng tạo, năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, có kỹ năng giao tiếp xã hội, thích ứng nhanh với môi trường mới…biết vượt lên khó khăn, gian khổ để hoàn thiện mình.
          Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên ngang tầm với những yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vẫn soi sáng cho Đảng và nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp vẻ vang đó trong giai đoạn hiện nay.
 
 

Tác giả bài viết: Đặng Thị Dung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay5,865
  • Tháng hiện tại64,623
  • Tổng lượt truy cập8,122,999
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây