Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh
Đổi mới phương pháp dạy học tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu khách quan của thực tiễn:
Một là, đổi mới phương pháp giảng dạy để đưa giáo dục đại học tiến kịp với khu vực và thế giới, đồng thời thích ứng với yêu cầu phát triển của công nghệ. Trong khu vực và trên thế giới, các tiêu chuẩn liên quan đến các yếu tố của quá trình giáo dục đại học tiếp tục được cải thiện. Một trong số đó là đổi mới phương pháp dạy và học nhằm xây dựng giáo dục đại học chất lượng cao ngang tầm khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, trong thời đại 4.0 hiện nay, sự ra đời của nhiều công nghệ giảng dạy hiện đại như hệ thống giáo dục nghe nhìn, công cụ tin học đa phương tiện, Internet... Trong quá trình đào tạo, cả phương pháp dạy và phương pháp học đại học đều đòi hỏi những thay đổi mới. Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người học trong phát hiện, giải quyết vấn đề và sử dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Hai là, đổi mới phương pháp giảng dạy học phần tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của học phần. Chuẩn đầu ra của học phần đòi hỏi sinh viên đáp ứng các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm. Sinh viên không chỉ giải thích được những nội dung, quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh; so sánh được những nội dung, quan điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh qua các thời kỳ; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong học tập, công việc, mà còn biết tự định hướng, đưa ra các kết luận và bảo vệ được quan điểm cá nhân thuộc lĩnh vực chuyên ngành học tập.
Ba là, học phần tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò vô cùng quan trọng đối với sinh viên. Sinh viên thấm nhuần sâu sắc hệ thống quan điểm và phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, nâng cao thêm lòng yêu nước, tinh thần phục vụ nhân dân, đạo đức cách mạng của mỗi sinh viên, để làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mỗi người. Do vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy học phần tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ tạo được hứng thú, tích cực chủ động của sinh viên trong việc tìm tòi tư liệu học tập, chủ động nắm bắt tri thức, đồng thời liên hệ thực tiễn ở địa phương nơi sinh sống, làm việc và trong cả nước.
Để phát huy tính tích cực của sinh viên, giảng viên có thể nghiên cứu và áp dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp thảo luận nhóm. Ví dụ: khi giảng dạy, giảng viên có thể đưa ra các câu hỏi thảo luận nhóm để sinh viên hợp tác như: ý nghĩa của việc học tập môn học tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sinh viên hiện nay? (chương 1); vì sao độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội? Ý nghĩa của tư tưởng này đối với cách mạng Việt Nam? (chương 3); Giá trị tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay (chương 5); vận dụng những quan điểm tự học của chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc giáo dục phương pháp tự học cho sinh viên trường Đại học Sao Đỏ hiện nay (chương 6)…
- Phương pháp tự học, tự nghiên cứu để sinh viên có ý thức tự giác trong học tập. Ví dụ: Giảng viên yêu cầu sinh viên tự tìm hiểu về các phẩm chất cá nhân Hồ Chí Minh, liên hệ với ngành nghề của bản thân hiện nay? (chương 2). Hoặc yêu cầu sinh viên về nhà vẽ sơ đồ tư duy về quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh (chương 2), chuẩn bị bài thuyết trình với nội dung vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam để phân tích vấn đề phòng và chống các tiêu cực trong Đảng hiện nay (chương 4), làm clip về chủ nghĩa xã hội dưới lăng kính của sinh viên (chương 3), phóng sự về Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà Trường Đại học Sao Đỏ đang phụng dưỡng (chương 6).
- Phương pháp tổ chức trò chơi. Giảng viên có thể thiết kế trò chơi ô chữ để tìm hiểu về nội dung, các tác phẩm của Hồ Chí Minh, các bài hát ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; các tấm gương điển hình, tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong trường Đại học Sao Đỏ và ngoài xã hội…
- Đổi mới phương pháp giảng dạy hướng đến hiệu quả lĩnh hội: Đổi mới phương pháp không có nghĩa là lạm dụng phương tiện dạy học. Sử dụng quá nhiều phương pháp, quá nhiều hoạt động…làm cho kiến thức bị mờ nhạt, bài giảng không có trọng tâm. Do đó, giảng viên đổi mới phương pháp cần đảm bảo chuẩn đầu ra của học phần. Có rất nhiều phương pháp để lượng giá mức độ tiếp thu kiến thức của sinh viên, phù hợp với hình thức đánh giá kết thúc học phần tư tưởng Hồ Chí Minh như: phương pháp trắc nghiệm, phương pháp vấn đáp, phương pháp thăm dò…Giảng viên có thể thiết kế các câu hỏi trắc nghiệm phần kiểm tra bài cũ hoặc tổng kết mỗi chương, vấn đáp tại chỗ hoặc kiểm tra nhanh 5-15 phút nội dung trọng tâm.
- Giảng viên cần sử dụng các phương pháp để gắn lý luận với thực tiễn như: Phương pháp ngoại khóa, thực tế; phương pháp xử lý các tình huống trong thực tế; phương pháp dự án… Để gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy học phần tư tưởng Hồ Chí Minh, bên cạnh việc tổ chức học tập tại thư viện trong Nhà trường, giảng viên cần áp dụng phương pháp trải nghiệm thực tế tại địa phương, doanh nghiệp, khu di tích lịch sử…nhằm tạo hứng thú học tập cũng như tạo môi trường để sinh viên rèn luyện và phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu con người mới xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
- Giảng viên tích hợp nội dung kiến thức của hai hay nhiều học phần như: Văn học, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam… vào bài giảng giúp sinh viên cảm nhận tri thức sinh động, gần gũi, kích thích sự hứng thú của sinh viên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tại Nhà trường. Ví dụ: Giảng viên tích hợp kiến thức Âm nhạc qua các ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, hát về Người, Bác Hồ một tình yêu bao la; kiến thức Địa lý: bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng, Nghệ An - Hà Tĩnh, căn cứ cách mạng huyện Thanh Chương - Nghệ An (chương 1). Kiến thức Triết học Mác - Lênin qua một số tác phẩm như Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Nhà nước và cách mạng; kiến thức Văn học qua các bài thơ Sáng mồng Hai tháng Chín - Tố Hữu, tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Nguyễn Phú Trọng (chương 2, 3)…
Ngoài ra giảng viên còn sử dụng phương pháp dạy học tăng cường tính tự học của sinh viên, giảng viên có thể cho sinh viên xuống học ở thư viện, phòng học ko gian số để sinh viên tiếp cận với thời kỳ 4.0.
Như vậy, được sự quan tâm của Ban Giám hiệu Nhà trường, trong những năm qua việc giảng dạy và học tập các học phần lý luận chính trị nói chung, học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng của khoa Giáo dục chính trị và Thể chất đã và đang có những đổi mới về phương pháp, cách thức giảng dạy. Đổi mới phương pháp giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng sáng tạo, khoa học, hiện đại đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như kích thích hứng thú học tập, khả năng độc lập, tích cực tư duy của sinh viên nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra trong chương trình giáo dục đại học Trường Đại học Sao Đỏ hiện nay.