***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Một số phương pháp tạo hứng thú trong giảng dạy triết học Mác – Lênin cho sinh viên

Thứ sáu - 17/03/2023 11:36
Các nhà tâm lí học nghiên cứu và chỉ ra rằng hứng thú có một vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của con người. Nó là động cơ thúc đẩy con người tham gia tích cực vào hoạt động đó. Khi được làm việc phù hợp với hứng thú dù phải khó khăn con người cũng vẫn cảm thấy tinh thần thoải mái và đạt được hiệu quả cao. Trong hoạt động học tập, hứng thú có vai trò hết sức quan trọng, thực tế cho thấy hứng thú đối với môn học của sinh viên tỉ lệ thuận với kết quả học tập của các em.
               Hứng thú học tập phụ thuộc vào động cơ học tập. Khi con người có nhu cầu học tập, xác định được đối tượng cần đạt thì xuất hiện động cơ học tập. Động cơ học tập được thể hiện ở đối tượng của hoạt động học, tức là những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo...mà giáo dục đem lại. Như vậy, trong học phần triết học Mác - Lênin, hứng thú học tập chủ yếu phụ thuộc vào người dạy vì người dạy đóng vai trò kích thích sự hứng thú của sinh viên. Giảng viên triết học giỏi là người biết cách truyền cảm hứng cho sinh viên, biết chuyển đối tượng suy nghĩ của mình thành đối tượng suy nghĩ của sinh viên, để từ đó sinh viên hình thành động cơ học tập. Sinh viên là lứa tuổi rất ham hiểu biết, họ rất muốn được trang bị kiến thức để sau khi tốt nghiệp còn vận dụng vào cuộc sống. Để giúp sinh viên xây dựng cho mình động cơ học tập đúng đắn khi học triết học Mác - Lênin, không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra triết học này nghiên cứu cái gì, triết học lý giải những cái đó như thế nào, triết học có vai trò gì, học triết học để làm gì, mà quan trọng hơn là cho sinh viên thấy được các nấc thang tư duy của nhân loại mà triết học Mác- Lênin chỉ là nấc thang trong dòng chảy vô tận đó.
            Một số yêu cầu về phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú học tập môn triết học Mác - Lênin
           Một là, thay đổi phương pháp dạy học theo hướng tích cực, giảng viên nên là người định hướng. Giảng dạy cũng là một nghệ thuật, nhận thức nói chung và nhận thức triết học không thể dùng phương pháp cưỡng ép. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần từ bỏ phương pháp dạy học máy móc theo lối thầy đọc – trò chép như trước đây. Bởi lẽ, phương pháp này sẽ không tạo được hứng thú học tập, không kích thích tư duy sáng tạo cho sinh viên. Sinh viên sẽ có thái độ ỷ lại vào giảng viên, sinh viên chỉ cần chép lại theo bài giảng hoặc giáo trình mà giảng viên cung cấp như thế đã là đủ. Chính vì điều này làm cho vào giờ học triết học, lớp học trở nên trầm hơn, không phát huy được tính tích cực của sinh viên, tạo nên sự nhàm chán và đơn điệu ở người học. Vì vậy, việc thay đổi phương pháp dạy học là điều cần thiết nhất là đối với các môn lý luận chính trị. Bên cạnh việc sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống như: phương pháp thuyết trình, phương pháp nêu vấn đề, phương pháp đàm thoại (kể cả đàm thoại có chủ đích và đàm thoại tự do), giảng viên nên kết hợp thêm một số phương pháp dạy học mới như: phương pháp trực quan, phương pháp thảo luận nhóm. Việc kết hợp nhiều phương pháp dạy học một mặt, giúp cho sinh viên làm quen với những phương pháp mới, tăng hứng thú học tập cho người học. Mặt khác, đây sẽ là điều kiện để các chủ thể có thể cùng học tập và làm việc trong môi trường mới. Qua đó, học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm với nhau. Đồng thời, giúp tăng hiệu quả công việc, rèn kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm báo cáo và kể cả kỹ năng thuyết trình trước đám đông...Đây là những kỹ năng rất cần thiết mà sinh viên cần trang bị ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
               Sinh viên chủ động lĩnh hội tri thức trong học tập
           Hai là, liên kết giữa lý luận bài học với thực tiễn cuộc sống. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên không nên chỉ gói gọn truyền đạt những kiến thức trong giáo trình của môn học đó mà không hoặc liên hệ với thực tiễn. Như vậy, sẽ tạo cho sinh viên có thái độ nhàm chán và tẻ nhạt. Điểm mấu chốt trong giảng dạy triết học là phải cho sinh viên thấy được mối liên hệ giữa môn học với cuộc sống thực tiễn, đó cũng chính là làm rõ được vai trò của môn học này. Sinh viên sẽ nhận thức được rằng những tri thức triết học mang lại là hoàn toàn bổ ích vì nó giúp sinh viên lý giải được những sự vật, hiện tượng và kể cả những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đã và đang đặt ra.
             Ba là, thay đổi môi trường học tập và quan hệ giữa thầy và trò. Một nhân tố cũng không kém phần quan trọng, đó chính là việc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy với trò, điều này góp phần quan trọng trong việc nâng cao hứng thú cho sinh viên. Việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người dạy và người học sẽ giúp quá trình giảng dạy và học tập diễn ra thuận lợi hơn. Vì, sinh viên có thể gạt ra bên ngoài những e ngại và sự ngượng ngùng mà thẳng thắng trao đổi với giảng viên nhờ giải đáp những vấn đề vướng mắc hoặc khó khăn trong quá trình học môn đó. Với việc làm này, một mặt giúp giảng viên có thể kiểm tra, đánh giá được trình độ hiểu biết của người học. Đồng thời, phát hiện ra những lỗ hổng kiến thức mà sinh viên chưa nắm bắt được. Từ đó, nếu cần giảng viên có thể thay đổi phương pháp dạy học sao cho phù hợp trình độ nhận thức của người học và hướng đến phương pháp giảng dạy tiếp cận năng lực người học. Nhằm giúp sinh viên có thể nắm bắt được những kiến thức mà giảng viên muốn truyền đạt một cách hiệu quả nhất. Tăng cường tương tác giữa thày và trò vừa kích thích sự tập trung của sinh viên, vừa tránh được tính thụ động trong giảng dạy phát huy được tính tích cực của sinh viên.
             Bốn là, lựa chọn và bổ sung các hình thức khích lệ. Đối với những sinh viên tích cực tham gia phát biểu ý kiến để xây dựng bài, giảng viên giảng dạy môn học đó nên có các hình thức khen thưởng, khích lệ bằng cách cộng từ: 0.5 cho đến 1 điểm vào điểm kiểm tra thường kỳ. Như vậy, sẽ tạo thêm động lực góp phần kích lệ sinh viên không ngừng phấn đấu, nỗ lực tích cực tham gia xây dựng bài để mang về cho bản thân sinh viên những điểm thưởng.
               Tóm lại, việc tạo hứng thú học tập cho mỗi môn học là điều cần thiết và rất quan trọng trong việc tạo nên hiệu quả dạy và học tập môn học đó. Đặc biệt đối với môn triết học vốn mang trừu tượng cao. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập học phần Triết học Mác - Lênin đòi hỏi người giảng viên và kể cả người học phải tìm tòi và lựa chọn cho mình một phương pháp giảng dạy, học tập và tổ chức lớp học phù hợp, có vậy mới tạo được cho người học hứng thú học tập.

Tác giả bài viết: Đỗ Thị Thùy

 Từ khóa: tham gia

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay2,798
  • Tháng hiện tại137,150
  • Tổng lượt truy cập7,914,376
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây